Chỉ 20% số doanh nghiệp Việt đầu tư cho xây dựng thương hiệu

Quỳnh Chi - 08:10, 30/10/2018

TheLEADERNhiều sản phẩm Việt được ưa chuộng và nổi tiếng thế giới nhưng chưa chú ý đến đăng ký nhãn hiệu nên bị chiếm đoạt thương hiệu tại một số thị trường nước ngoài, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho biết.

Chỉ 20% số doanh nghiệp Việt đầu tư cho xây dựng thương hiệu
Doanh nghiệp Việt có thương hiệu vươn tầm quốc tế vẫn còn rất ít

Thương hiệu từ lâu vẫn được coi là nền tảng, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, cách thức xây dựng thương hiệu cũng đóng góp quan trọng vào sự thành bại của một doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, theo khảo sát của Bộ Công thương, người nước ngoài biết đến thương hiệu Việt và sự ấn tượng về hình ảnh biểu trưng cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn mờ nhạt.

Chia sẻ tại Hội thảo Thương hiệu trong chiến lược phát triển doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nguyên nhân của thực trạng nêu trên là do chỉ có 20% doanh nghiệp Việt đầu tư vào xây dựng thương hiệu. 

Số doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ với những cái tên như Vinamilk, Bảo Việt, Viettel, Vingroup... còn lại phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đủ sức xây dựng được thương hiệu cho riêng mình.

Theo đánh giá của bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó chánh thanh tra Bộ Khoa học và công nghệ, nhiều doanh nghiệp Việt chỉ mới có các kiến thức ban đầu nhưng chưa hiểu biết sâu về phát triển thương hiệu, thậm chí sở hữu thương hiệu lớn nhưng chưa biết chính xác giá trị của thương hiệu để đưa vào khai thác kinh doanh cho hợp lý. 

"Nếu không nhận thức hoặc không thấy hết được sức mạnh của phát triển thương hiệu có nghĩa là doanh nghiệp đang đánh mất cơ hội của chính mình trong quá trình hội nhập quốc tế", bà Quỳnh nói.

Có cùng quan điểm, PGS.TS Mai Hà, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam nhận định, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang không chú ý xây dựng thương hiệu, không những vậy, họ còn cho rằng việc xây dựng thương hiệu thường tốn kém, lãng phí và chỉ phù hợp với những doanh nghiệp lớn.

Ông Hà cho rằng, chính vì tư duy đó, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ bị lép vế trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, khiến nhiều khách hàng quay lưng với các sản phẩm trong nước, quan tâm đến các sản phẩm có thương hiệu nước ngoài cho dù sản phẩm không khác nhau nhiều về chất lượng, hình thức và giá cả. 

Ở một khía cạnh khác liên quan đến thương hiệu sản phẩm, theo Phó chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhìn nhận, các doanh nghiệp Việt dù có đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm của mình thì cũng đang chỉ chú trọng đăng ký tại thị trường trong nước chứ chưa chú ý đăng ký tại thị trường quốc tế. 

Nhiều sản phẩm của Việt Nam gây được tiếng vang lớn trên thế giới, được yêu thích và đón nhận như cà phê, giày dép,.. nhưng do chưa chú ý đăng ký nhãn hiệu nên đã bị chiếm đoạt thương hiệu tại một số thị trường nước ngoài, gây tổn thất lớn trong việc mở rộng thị trường và cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu.

Theo lãnh đạo VCCI, thương hiệu, nhãn hiệu giúp danh nghiệp gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường nước ngoài nhưng nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang phải chịu thiệt thòi do doanh nghiệp không hiểu biết pháp luật, không có ý thức xây dựng và bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp mình.

Đáng chý ý, mặc dù Việt Nam luôn nằm trong danh sách đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, hồ tiêu... nhưng nông sản mang thương hiệu Việt Nam ít được biết đến trên thị trường quốc tế mặc dù chất lượng không thua kém sản phẩm của nước ngoài, được thị trường nhiều nước ưa chuộng.

Trong xu thế hội nhập sâu rộng và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, Phó chủ tịch VCCI đánh giá, việc xây dựng thương hiệu là yếu tố then chốt để doanh nghiệp có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.