Chỉ nên bỏ tiền đầu tư tài chính hay thâu tóm doanh nghiệp?

An Chi - 08:05, 19/01/2018

TheLEADERBỏ tiền đầu tư tài chính hay thâu tóm doanh nghiệp để nắm quyền điều hành luôn là một câu hỏi không dễ trả lời đối với các các doanh nghiệp khi các công ty này muốn mở rộng kinh doanh.

Thị trường mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) Việt Nam hiện đang phát triển rất sôi động, theo số liệu từ PwC, giai đoạn năm 2015 – 2016, M&A tại Việt Nam đạt trên 5 tỷ USD. 

Dự kiến trong năm 2017, thị trường nhiều khả năng sẽ vượt con số này. Đây quả thực là một mức kỷ lục trong 10 năm trở lại đây, cho thấy thị trường M&A vẫn đang tiếp tục bùng nổ và mang lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.

Một trong những thương vụ M&A đình đám trong năm 2017 vừa qua có thể kể đến như việc công ty bia của Thái Lan, Thai Beverage - Thai Bev chi 4,8 tỷ USD để mua 53,59% cổ phần của Sabeco, Thế giới Di động chi 850 tỷ đồng để thâu tóm Trần Anh nhằm chiếm lĩnh, thâu tóm thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh các đại gia chấp nhận chi tiền "bằng mọi giá" để thâu tóm doanh nghiệp và nắm quyền điều hành thì cũng có không ít các công ty khác chỉ xác định bỏ vốn để đầu tư tài chính.

Nhận định về hai xu hướng đầu tư tài chính hay thâu tóm của doanh nghiệp, bà Sian Steele, lãnh đạo Mạng lưới Tư vấn doanh nghiệp gia đình PwC Vương quốc Anh cho rằng, khi doanh nghiệp đứng trước ý định đầu tư lớn thì thường sẽ có nhiều ý kiến trái chiều. Các doanh nghiệp gia đình đã rất vất vả để tạo nên khối tài sản hiện có, vậy nên họ rất khó chấp nhận đầu tư vào những đối tượng mà họ không trực tiếp được quản lý.

Thực tế cho thấy khi đầu tư vào những lĩnh vực lớn, các doanh nghiệp gia đình thường lựa chọn mua đủ số cổ phần để có quyền chi phối hoặc mua lại hoàn toàn doanh nghiệp đó để đảm bảo rằng mình có quyền kiểm soát và ảnh hưởng đến văn hoá, thương hiệu của công ty mà họ mua lại.

Việc đầu tư tài chính để thu lợi nhuận nhanh chóng là một quyết định khó khăn hơn đối với các doanh nghiệp gia đình. Thường họ sẽ chỉ làm vậy khi có rất nhiều tiền nhàn rỗi và mong muốn đa dạng hoá lĩnh vực kinh doanh, bà Sian Steele nhận định.

Tiếp tục bàn luận về bài toán này của các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam, chương trình CEO - Chìa khoá thành công số 39, 40 của VTV1 (Đài Truyền hình Việt Nam ) đã đặt ra chủ đề "Doanh nghiệp gia đình - đầu tư tài chính hay thâu tóm" để cùng phân tích về vấn đề này.

Chương trình đặt ra tình huống của một doanh nghiệp gia đình hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng may mặc, điện tử, thuộc quyền sở hữu 100% của các thành viên trong gia đình.

Sau 20 năm phát triển và thành công, doanh nghiệp đã tích luỹ được một lượng vốn tương đối lớn. Cùng chung mong muốn sử dụng hiệu quả tối đa nguồn vốn để kinh doanh, các thành viên HĐQT đã thống nhất sẽ ngừng chia cổ tức để tái đầu tư phát triển kình doanh. 

Tuy nhiên, mặc dù đã nhất trí cao về việc tái đầu tư kinh doanh, nhưng giữa CEO và các thành viên khác trong HĐQT lại trái ngược quan điểm về chiến lược đẩu tư.

Sau khi nghiên cứu thị trường, tham khảo mô hình đầu tư của một số đơn vị trong nước và quốc tế, CEO của doanh nghiệp đã đề xuất doanh nghiệp sẽ tập trung nguồn vốn, nghiên cứu và lựa chọn mua một số doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc có tiềm năng theo hình thức M&A.

CEO này cho rằng, trong thực trạng của nền kinh tế hiện nay, đầu tư tài chính còn mạo hiểm. Vì thứ nhất, vấn đề minh mạch thông tin doanh nghiệp là điều còn phải bàn. Thứ hai, doanh nghiệp sẽ không chi phối được đơn vị mình đầu tư. Từ đó sẽ bị lệ thuộc vào chất lượng điều hành và quản lý của các công ty đó. Nếu công ty đó xuống dốc hoặc phá sản thì doanh nghiệp sẽ mất trắng. Tiền của mình bỏ ra, mình phải nắm giữ và kiểm soát nó. 

Doanh nghiệp gia đình: Bài toán đầu tư tài chính hay thâu tóm? 1

Trong khi đó, các thành viên HĐQT lại phản đối vì cho rằng, doanh nghiệp chỉ nên đầu tư tài chính, mua cổ phần của một số doanh nghiệp tiềm năng để "chia trứng vào nhiều giỏ". Phương pháp này sẽ giúp nguồn vốn an toàn hơn, có thể rút ra một cách linh hoạt.

Nếu mua hẳn một công ty thuộc lĩnh vực mới, mức độ hiểu biết cũng như năng lực quản lý hiện có của CEO và ban quản trị, điều hành về lĩnh vực này còn rất hạn chế. Làm thế nào để đưa doanh nghiệp đó tiếp tục phát triển được?

Vậy đâu mới là lời giải thoả đáng cho doanh nghiệp? Câu trả lời sẽ có trong chương trình Chìa khoá thành công số 40 với chủ đề: Doanh nghiệp gia đình – Đầu tư tài chính hay thâu tóm (phần 2).

Ông Trần Trọng Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FBL tham gia chương trình CEO - Chìa khóa thành công trong vai trò CEO cùng với hai vị khách mời trong vai trò cổ đông HĐQT là ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Jio Health Vietnam và bà Trần Ngọc Điệp, Giám đốc Công ty Ước Mơ Xanh sẽ cùng tranh biện và phân tích xung quan chủ đề của chương trình.

Chương trình Chìa khoá thành công số 39 được phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (21/1) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (22/1) trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.

CEO – Chìa khóa thành công là một chương trình chính luận, kinh tế chuyên biệt của Đài Truyền hình Việt Nam. Ra đời từ năm 2005, chương trình có sứ mệnh “Đồng hành doanh nghiệp, nâng tầm doanh nhân” trong thời kỳ kinh tế thị trường và hội nhập.

Bắt đầu từ năm 2017, bên cạnh các chương trình phát sóng trên VTV, CEO – Chìa khóa thành công sẽ tổ chức chuỗi các hội thảo dành riêng cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp theo các chủ đề hữu ích và thời sự về kinh doanh. TheLEADER.vn là đơn vị bảo trợ thông tin cho chương trình này.

Chương trình được tổ chức định kỳ hai tháng một lần các hội thảo, tọa đàm, workshop, với nội dung xoay quanh các vấn đề nan giải mang tính chiến lược về thương hiệu, phát triển, nhân sự, tài chính của các doanh nghiệp. Qua đó, đồng hành, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, giúp họ tiếp tục định hướng phát triển.