Chính phủ phê duyệt gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng chia cho 12 chính sách

Nhật Hạ - 08:45, 02/07/2021

TheLEADERNgười lao động tự do như bán hàng rong, thu gom rác, phế liệu, bốc vác, bán lẻ vé số… gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 sẽ nhận được mức hỗ trợ không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày.

Chính phủ phê duyệt gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng chia cho 12 chính sách
Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. Ảnh: ADB

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP thực hiện 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Việc hỗ trợ sẽ được thực hiện theo các nguyên tắc: kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện. Từ đó giúp các đối tượng này phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.

"Thủ tục hành chính sẽ giảm 2/3 so với gói 62.000 tỷ đồng trước đây", Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết tại buổi họp báo Chính phủ chiều ngày 1/7.

Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. Người lao động được hỗ trợ một lần bằng tiền (trừ các đối tượng hưởng chính sách bổ sung) chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.

Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng được chia cho 12 chính sách, bao gồm việc giảm mức đóng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (mức đóng bằng 0% từ ngày 1/7 đến hết ngày 30/6/2022); tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất.

Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động áp dụng cho các doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện như đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp, doanh thu giảm... Mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 1/7 đến hết ngày 30/6/2022.

Những người tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới một tháng, tính từ ngày 1/5 đến hết ngày 31/12, được hỗ trợ mức 1,85 triệu đồng/người; từ 1 tháng trở lên mức 3,71 triệu đồng/người.

Lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bị ngừng việc và thuộc diện phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa từ 14 ngày trở lên (từ 1/5 đến 31/12) được hỗ trợ 1 triệu đồng/người.

Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động do cơ sở phải dừng hoạt động để phòng, chống dịch từ 1/5 đến 31/12 được hỗ trợ 3,71 triệu đồng/người cùng với điều kiện đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Chính phủ cũng đưa ra chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em. Theo đó, lao động thuộc các nhóm hỗ trợ nêu trên, nếu đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi cũng được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người và chỉ hỗ trợ cho một người là mẹ hoặc cha.

Trẻ em phải điều trị do nhiễm Covid-19 hoặc cách ly y tế được đảm bảo các chi phí điều trị và tiền ăn; đồng thời được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em trong thời gian điều trị, cách ly (từ ngày 27/4 đến 31/12).

Đồng thời, người phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0) cũng được hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/ngày với thời gian hỗ trợ tối đa 45 ngày; F1 được hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/ngày, song thời gian hỗ trợ tối đa 21 ngày.

Chính phủ quyết định hỗ trợ một lần 3,71 triệu đồng mỗi người đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ (giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV) trong các đơn vị sự nghiệp công lập phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch; hỗ trợ một lần 3,71 triệu đồng đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề.

Hộ kinh doanh phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên (từ 1/5 đến 31/12) để phòng, chống dịch được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 3 triệu đồng/hộ.

Chính sách tiếp theo của gói hỗ trợ lần này là cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Theo đó, doanh nghiệp được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên (thời gian từ 1/5 đến 31/3/2022).

Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng; thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

Doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch từ 1/5 đến 31/3/2022, khi quay trở lại sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú..., cũng được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% để trả lương cho lao động.

Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số nhóm đặc thù khác, Chính phủ nêu rõ các tỉnh, thành sẽ xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, nhóm lao động tự do là 1 trong những nhóm bị ảnh hưởng sâu và trực tiếp, nhưng cũng là nhóm khó triển khai nhất. 

"Thực tiễn vừa qua, khi triển khai gói Nghị quyết 42 gặp rất nhiều khó khăn, có những bác tổ trưởng tổ dân phố còn chia sẻ phải đi đến 8 - 9 lần mới gặp được người lao động, đến khảo sát, đánh giá rồi mới hỗ trợ được vì lao động tự do di chuyển thường xuyên, không ổn định nơi cư trú; rồi còn phải lấy xác nhận tại nơi ở, nơi cư trú" theo ông Dung.

Về ngân sách hỗ trợ, các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương trên 60% tự bảo đảm kinh phí thực hiện. Ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương còn lại theo nguyên tắc: 80% mức thực chi theo quy định tại nghị quyết này đối với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên; 60% mức thực chi đối với các tỉnh chưa tự cân đối ngân sách còn lại (ngoài các tỉnh miền núi, Tây Nguyên); 40% mức thực chi đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương còn lại.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện theo các nguyên tắc, chế độ hỗ trợ quy định.