Chủ tịch AmCham: Việt Nam nên tìm giải pháp hiệu quả hơn thay vì 'ngăn cấm'
Linh Lan
Thứ ba, 12/12/2017 - 15:44
"Đối với nền kinh tế Việt Nam, khả năng đánh giá nên đầu tư vào ‘cái gì’ và đầu tư ‘ở đâu’ của các bạn so với các nước khác là vô cùng nổi bật. Tuy nhiên khi xét đến các bước thực thi chính sách, Việt Nam còn thiếu rất nhiều như tính minh bạch, khung pháp lý lỏng lẻo, chồng chéo".
Bà Natasha Ansell - Tổng Giám đốc Citi Việt Nam đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) trả lời phỏng vấn TheLEADER bên lề Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2017.
Thưa bà, trong bài phát biểu của bà tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, bà có đề cập đến một số quan ngại của AmCham về vấn đề sửa đổi một số dự luật và quy định thuế suất, bà có thể nói rõ hơn về tác động của những sửa đổi này?
Bà Natasha Ansell: Một trong những vấn đề hiện được AmCham quan ngại và kiến nghị tại Diễn đàn năm nay là việc một số những thay đổi gần đây trong chính sách của Việt Nam còn thiếu phù hợp với các thông lệ tối ưu quốc tế và có thể nói là một bước lùi của Việt Nam.
Ví dụ, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt là một thực tế không thông dụng và không được khuyến khích. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát trên 158 quốc gia khác nhau, trong đó chỉ có 40 nước bao gồm 4 nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương (với ít hơn 2% dân số khu vực) thực thi điều luật này.
Chúng tôi hoàn toàn hiểu rằng, Chính phủ Việt Nam đưa ra dự thảo luật này nhằm cải thiện sức khỏe thể chất của người dân, đồng thời chúng tôi cũng muốn giúp nâng cao nhận thức của người dân Việt Nam trong vấn đề tiêu thụ thực phẩm.
Thay vì đánh thuế để nâng giá và giảm mức tiêu thụ của người dân thì chính phủ Việt Nam nên nâng cao nhận thức của họ về một lối sống lành mạnh. Bản thân tôi là một người chạy marathon, tôi kiểm soát được việc mình ăn gì hay uống gì mà không cần ai phải nhắc nhở hay ‘ngăn cấm’.
Nhưng nếu chỉ cô lập một ngành công nghiệp trong khi những ngành công nghiệp thực phẩm khác cũng có những cấu phần tương tự thì không phải là một giải pháp thực sự hiệu quả, làm giảm tính cạnh tranh của thị trường.
Đó là lý do vì sao chúng tôi muốn kiến nghị điều này với Chính phủ Việt Nam.
Bà có những khuyến nghị gì đối với Chính phủ Việt Nam để thực hiện các chính sách theo hướng hiệu quả?
Bà Natasha Ansell: Chúng tôi tin rằng Chính phủ Việt Nam nên cân nhắc thật kỹ lưỡng tác động của một chính sách trước khi ban hành và thực thi chúng.
Các nhà chức trách cần nâng cao sự cạnh tranh hơn nữa cho môi trường kinh doanh Việt Nam bằng cách đưa ra nhiều giải pháp hiệu quả hơn để thúc đẩy một ngành công nghiệp nào đó, thay vì ngăn cấm.
Ví dụ như dự thảo luật về đánh thuế tiêu thụ đối với nước ngọt kể trên, thay vì đánh thuế để nâng giá và giảm mức tiêu thụ của người dân thì chính phủ Việt Nam nên nâng cao nhận thức của họ về một lối sống lành mạnh.
Bản thân tôi là một người chạy marathon, tôi kiểm soát được việc mình ăn gì hay uống gì mà không cần ai phải nhắc nhở hay ‘ngăn cấm’.
Bà có đánh giá thế nào về môi trường đầu tư của Việt Nam?
Bà Natasha Ansell: Tôi đánh giá cao sự cải thiện về môi trường đầu tư của Việt Nam và tôi tin rằng nó sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Trong những năm qua, chúng tôi nhận thấy có nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế Việt Nam.
Các doanh nghiệp này đã đầu tư hàng tỷ đô la ở đây, góp phần đưa Việt Nam gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra những việc làm có chất lượng cho người lao động Việt Nam và mở ra một thị trường mới cho hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ.
Như vậy, mỗi một bước cải thiện, dù ít hay nhiều, trong việc thúc đẩy cạnh tranh và mở cửa môi trường đầu tư đều có tác động rất lớn đến các doanh nghiệp hoạt động tại đây. Trong đó, điều tích cực nhất mà chúng tôi nhận thấy là việc nền kinh tế ngày càng có sự tham gia và đóng góp lớn hơn của khu vực tư nhân.
Nhưng có vẻ nhiều nhà đầu tư vẫn ngần ngại, như Mỹ chỉ đứng thứ 10 trong số các nước có nguồn vốn FDI vào Việt Nam. Theo bà, nguyên nhân là gì?
Bà Natasha Ansell: Chúng tôi nhận thấy rằng, nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng trở nên tốn kém, phức tạp hơn cần thiết.
Trong bối cảnh Việt Nam đạt thặng dư thương mại 32 tỷ USD với Hoa Kỳ trong năm ngoái thì một điều đặc biệt quan trọng lúc này là Việt Nam cần được ghi nhận là đang giải quyết các vấn đề về rào cản phi thuế quan, chủ yếu tại các cửa khẩu, cũng như những rào cản ‘sau biên giới’ đang hạn chế hoạt động của doanh nghiệp và kìm hãm luồng nhập khẩu vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, như đã đề cập, chúng tôi cho rằng, những thay đổi trong chính sách gần đây như dự thảo Luật An ninh mạng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt, Nghị định 54 hướng dẫn thực hiện Luật Dược, Thông tư 23 và 32 về hướng dẫn thực hiện Luật đầu tư… đã khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài đứng trước những nguy cơ, rào cản mới khi thực hiện đầu tư.
Trong thang điểm từ 1 - 5, với 5 là mức hiệu quả nhất, bà đánh giá thế nào về môi trường kinh doanh tại Việt Nam nói chung?
Bà Natasha Ansell: Tôi phải chia đánh giá của mình thành hai phần.
Thứ nhất, tôi muốn đề cập đến tầm nhìn và định hướng chung của Chính phủ và toàn bộ nền kinh tế trong khả năng cam kết và tạo ra môi trường thuận lợi thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Và đối với nền kinh tế Việt Nam, khả năng đánh giá nên đầu tư vào ‘cái gì’ và đầu tư ‘ở đâu’ của các bạn so với các nước khác là vô cùng nổi bật.
Tôi sẽ đánh giá Việt Nam 5/5 về khả năng này, điều này không chỉ nhờ vào những con số cụ thể như tăng trưởng GDP hay cán cân tỷ giá hối đoái ổn định mà đó còn là tầm nhìn của Chính phủ được thể hiện qua các chương trình nghị sự và khả năng chống lại các cú sốc sẽ giúp Việt Nam tiếp tục tiến xa hơn nữa.
Thứ hai, tuy nhiên khi xét đến các bước thực thi chính sách, Việt Nam còn thiếu rất nhiều yếu tố như tính minh bạch trong tổ chức thực hiện, khung pháp lý lỏng lẻo, chồng chéo. Như vậy, tôi không thể đánh giá mức 5 cho môi trường kinh doanh của Việt Nam xét theo khía cạnh này.
Và đó chính là lỗ hổng chính mà Việt Nam cần khắc phục. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh tính cạnh tranh.
Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0, việc tận dụng thời cơ mà cuộc cách mạng này mang lại sẽ xác định xem ai là những người chơi có lợi thế trên toàn cầu.
Hầu hết kiến nghị của các nhà đầu tư nước ngoài tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2017 vẫn quan ngại những khó khăn về thể chế, môi trường cấp phép và tham nhũng tại Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch và quyết định đầu tư.
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.
SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.
Bamboo Capital được vinh danh là doanh nghiệp có báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tốt nhất tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024.