Chủ tịch công ty khởi nghiệp Silicon Valley: 10 năm tới là thời kỳ hoàng kim của Việt Nam

Hường Hoàng - 12:01, 06/11/2023

TheLEADERTiềm năng của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước đã và đang ngày càng thu hút nhiều chủ sở hữu startup gốc Việt về nước đầu tư.

Chủ tịch công ty khởi nghiệp Silicon Valley: 10 năm tới là thời kỳ hoàng kim của Việt Nam
Ông Rick Nguyễn, nhà sáng lập kiêm CEO của startup Spot Trender tại Sillicon Valley

Là một doanh nhân gốc Việt làm việc lâu năm tại môi trường Hoa Kỳ, ông Rick Nguyễn, nhà sáng lập kiêm CEO của Spot Trender - một startup sử dụng công nghệ AI để quảng cáo tự động tại Sillicon Valley, cho rằng, thời gian tới là thời điểm vàng để các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm khởi nghiệp tại Sillicon Valley, anh Rick Nguyễn sẽ chia sẻ góc nhìn về sự hấp dẫn của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Ông nghĩ thế nào về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam hiện nay?

Ông Rick Nguyễn: Tôi thích hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại đây bởi tính sôi động của nó. Đầu tiên và quan trọng nhất đó là về con người. Tôi nghĩ người dân Việt Nam rất trẻ, rất năng động, đầy tham vọng và khao khát, rất khác với giới trẻ ở Mỹ.

Trong một khảo sát, khi được hỏi về nghề nghiệp mơ ước khi lớn lên, tỷ lệ lớn trẻ em ở những nước như Việt Nam và Trung Quốc trả lời rằng họ mong muốn trở thành kỹ sư hoặc nhà du hành vũ trụ. Và bạn đoán xem câu trả lời tại Mỹ là gì? Đó là Youtuber.

Nhìn về tương lai, bạn không thể khởi nghiệp trong một đất nước dành cho Youtuber, nhưng có thể khởi nghiệp ở quốc gia mà mọi người đều muốn trở thành kỹ sư, phi hành gia. Vì vậy, tôi rất lạc quan về tương lai của giới khởi nghiệp Việt Nam. Tính cách, hoài bão, kỹ năng rất tốt, hệ thống giáo dục của người Việt thiên về các môn kỹ thuật, toán và khoa học. Đó là một điều rất tích cực.

Tiếp theo, sản phẩm và những nhân sự tài năng trong lĩnh vực tiếp thị của Việt Nam rất tốt. Vì vậy, khi bước vào, những doanh nhân như tôi có thể gia tăng giá trị thị trường, bởi chúng tôi biết cách khám phá hành trình của khách hàng, cách huy động tiền vốn đầu tư.

Trong quá trình đó, chúng tôi sẽ chuyển đổi những công ty đó thành công ty có khả năng mở rộng ra những quốc gia khác tại châu Á, sang Sillicon Valley và trở thành những công ty mang đẳng cấp thế giới.

Dạo gần đây, nhiều chủ doanh nghiệp gốc Việt như ông bắt đầu quay lại đầu tư vào Việt Nam. Vậy theo ông, đâu là lí do?

Ông Rick Nguyễn: Chúng tôi quay về bởi rất nhiều lí do. Một trong số đó là Chính phủ bắt đầu có những chính sách thân thiện về thuế, khuyến khích nhân tài đến và quay về Việt Nam, đóng góp cho đất nước. Theo tôi, đó là điều Chính phủ đang làm rất tốt.

Và trong khía cạnh vĩ mô, sự dịch chuyển này còn đến từ lý do địa chính trị. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến cho nguồn vốn đầu tư vào Trung Quốc, Đài Loan đang dịch chuyển dần sang Việt Nam.

Việt Nam đang trở thành một khu vực rất quan trọng đối với Mỹ. Bạn sẽ thấy một lượng vốn khổng lồ của Mỹ đổ vào đây. Điều này thu hút một lượng lớn các doanh nghiệp khác, bởi vì các doanh nghiệp luôn chạy theo nơi dòng tiền được đổ vào.

Trong khoảng thời gian vừa qua, rất nhiều vốn đầu tư vào những quốc gia như Israel hay Ấn Độ. Tuy vậy, Ấn Độ đang dần ổn định. Việc thu hồi vốn đầu tư ở Ấn Độ ngày càng khó khăn hơn. Vì vậy, các nhà đầu tư đang tìm kiếm môi trường đầu tư có khả năng sinh lời lớn tiếp theo, và với nhiều người trong số họ, điểm đến sắp tới sẽ là Việt Nam.

Theo tôi nghĩ trong 10 năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến thời kỳ hoàng kim của Việt Nam. Chúng ta sẽ thấy Việt Nam thu hút một lượng vốn đầu tư mạo hiểm khổng lồ.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Việt Nam có thể xây dựng được những công ty khởi nghiệp có nguồn vốn mạo hiểm có thể được cấp vốn giai đoạn thứ hai.

Cấp vốn giai đoạn hai là một hình thức đầu tư mạo hiểm xảy ra trong giai đoạn tăng trưởng của một doanh nghiệp. Vào giai đoạn này, doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, nghĩa là doanh nghiệp đã bán sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Những doanh nghiệp này đang trong giai đoạn tăng trưởng, chỉ đơn giản là tìm cách mở rộng và thu hút nhiều khách hàng hơn.

Nâng cấp giá trị của các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy vui vẻ, hài lòng khi đặt trọn niềm tin. Và đó là thứ mà tôi muốn tạo ra giá trị tại thị trường Việt Nam.

Trong thập kỷ 60, 70, với sự ủng hộ của Chính phủ, những doanh nghiệp tại Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản đã nổi lên như diều gặp gió. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Chính phủ đối với hệ sinh thái khởi nghiệp?

Ông Rick Nguyễn: Nếu nhìn vào cách các quốc gia và khu vực phát triển làm, bạn sẽ thấy họ cực kỳ tập trung vào nguồn tài trợ của chính phủ cho những ngành sản xuất công nghệ cao. Ví dụ, hãng TSMC - nhà sản xuất chip lớn nhất Đài Loan - được tài trợ bởi chính phủ. Tương tự như Samsung của Hàn Quốc hay Huawei của Trung Quốc.

Và tôi tin rằng, nếu các doanh nghiệp Việt Nam được hỗ trợ từ một quỹ chiến lược quốc gia để đầu tư vào ba lĩnh vực: Năng lượng, chất bán dẫn và AI…, đó sẽ là động lực lớn để thúc đẩy tương lai của Việt Nam.

Tôi nghĩ Việt Nam đang đi đúng hướng. Các doanh nghiệp đang đầu tư vào sản xuất chất bán dẫn hay năng lượng. Và năng lượng ở đỉnh cao là phản ứng tổng hợp hydro. Bạn sẽ cần nguồn năng lượng sạch để vận hành quỹ máy chủ của bạn đối với công nghệ AI.

Và AI sẽ làm tất cả những công việc triển khai ở phía sau. Đó là cách các bạn có thể thống trị trong tương lai. Khi bạn đầu tư vào những thứ đó, bạn có cơ hội to lớn để thực sự thay đổi số phận của người dân cũng như sự giàu có của quốc gia.

Nhưng như ông đã thấy, trong 2 năm qua, tỷ lệ tăng trưởng của Việt Nam không cao, tỷ lệ giải ngân thấp khiến cho nền kinh tế đình trệ. Ông nghĩ thế nào về tác động của những vấn đề này lên quyết định của các nhà đầu tư khởi nghiệp?

Ông Rick Nguyễn: Vâng, chắc chắn rồi. Việt Nam cần có thời gian để hồi phục. Nhưng đó là những điều cần phải xảy ra. Ý tôi là, những nhà đầu tư như tôi không mong đợi chính phủ sẽ chi nhiều tiền.

Điều chúng tôi cần từ chính phủ đó là sự quảng bá, trao đổi thông tin, những thông thoáng về chính sách và luật pháp khiến cho chúng tôi dễ dàng đóng góp cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Chúng tôi mong muốn đầu tư vào đây bởi nguồn nhân tài sẵn có ở Việt Nam cho đến chính sách của chính phủ. Và với chúng tôi, Việt Nam là nơi rất tốt để đầu tư để tạo ra hàng tỷ đô la.

Ông dự định như thế nào khi quay trở lại Việt Nam? Ông muốn đầu tư vào những doanh nghiệp như thế nào?

Ông Rick Nguyễn: Tôi tin vào việc đầu tư vào những gì mình biết. Hiện tại, tôi vừa về Việt Nam để khảo sát và tìm kiếm những cơ hội để đầu tư đối với các doanh nghiệp startup trong nước. Trong đó, tôi ưu tiên đầu tư vào những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và chất bán dẫn (semi-conductor).

Trên thực tế, sau nhiều năm kinh doanh, tôi đang định bán công ty của mình tại điểm uốn và nghỉ hưu. Thế nhưng, sau khi xây dựng RickAI, rất nhiều cơ hội kinh doanh đã đến với tôi, vì vậy, tôi lại tiếp tục hành trình kinh doanh của mình.

Hiện tại, tôi đang sở hữu một hệ sinh thái những AI liên quan đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp và các chuyên gia trong việc thương mại hóa những ý tưởng, kiến thức và tài sản trí tuệ của họ ra ngoài thị trường. Trong đó có thể kể đến một số cái tên như: Extendme.AI, Nước.AI...

Ngoài ra, với kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chip bán dẫn, đây cũng là một lĩnh vực mà tôi dự định sẽ đầu tư tại Việt Nam.

Tôi dự định trong thời gian tới sẽ xây dựng studio mạo hiểm nhằm đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam. Mục tiêu của tôi là đầu tư, kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp startup ở Việt Nam để có thể lấp đầy những khoảng cách về chất lượng khởi nghiệp giữa họ và những doanh nghiệp ở Sillicon Valley.

Mục tiêu thứ hai của tôi là tiếp cận và đào tạo các nhân sự tài năng trong lĩnh vực công nghệ từ trong trường đại học để có thể hướng dẫn họ từ sớm, từ đó xây dựng một nguồn nhân lực vững chắc cho những hoạt động khởi nghiệp về công nghệ của bản thân tôi. Đó những mục tiêu lớn nhất của tôi trong thời gian tới.

Ông có thể chia sẻ một chút về hành trình của mình khi khởi nghiệp tại Sillicon Valley? Đâu là những thuận lợi và khó khăn của người gốc Á, cụ thể là người Việt Nam trong quá trình làm việc ở đây? Đây có thể là những lời khuyên bổ ích cho các startup trong nước muốn vươn tầm quốc tế.

Ông Rick Nguyễn: Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi về Việt Nam làm giám đốc marketing tại Le's Mart tại Hà Nội (chuỗi siêu thị này sau đó được Vingroup mua lại) một khoảng thời gian. Sau đó, tôi về Mỹ, thành lập Spot Trender - một công ty chuyên sử dụng công nghệ và sau đó sử dụng AI để quảng cáo trên nhiều tiện ích - tại Sillicon Valley.

Tôi chọn Sillicon Valley tại vì khởi nghiệp ở đây là một con đường nhiều thử thách, cạnh tranh. Và khi đã có thể cạnh tranh được ở một môi trường khó, có nghĩa là chúng ta sẽ dễ dàng chiến đấu ở tất cả những môi trường bớt áp lực hơn. 

Thêm vào đó, tại Sillicon Valley, các startup dễ dàng có được tất cả mọi thứ cho hoạt động khởi nghiệp. Họ có công nghệ, có nguồn nhân lực, nguồn cung đầu ra và đầu vào... rất dồi dào.

Khi tạo giá trị thêm cho người khác, những nỗ lực của chúng ta sẽ được ghi nhận, ghi nhớ và trân trọng, từ đó tạo thuận lợi cho những công việc mà chúng ta làm dù chúng ta là ai, đến từ bất cứ đâu.

Với tôi, trong quá trình startup ở Sillicon Valley, điều khó khăn nhất với doanh nhân gốc Á trong thời điểm ban đầu là các mối quan hệ, các mối liên kết với các bên liên quan. Thời kỳ đầu, sẽ rất khó để bạn có thể có được nhân sự tốt, nguồn cung tốt... nếu không có những mối liên hệ tại đây.

Và để xóa nhòa những khó khăn đó, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là chúng ta phải bắt đầu bắt tay vào trải nghiệm kết nối và luôn cố gắng tạo thêm giá trị đối với tất cả những người, doanh nghiệp mà chúng ta gặp hay cùng làm việc.

Khi tạo giá trị thêm cho người khác, những nỗ lực của chúng ta sẽ được ghi nhận, ghi nhớ và trân trọng, từ đó tạo thuận lợi cho những công việc mà chúng ta làm dù chúng ta là ai, đến từ bất cứ đâu.