Chủ tịch Sun Group: Ngành du lịch đứng trước nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng

Hà Linh - 08:24, 29/02/2020

TheLEADERGiữa "tâm bão Covid-19" đang gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành kinh tế xanh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group, ông Đặng Minh Trường đã có những chia sẻ thẳng thắn về những thiệt hại doanh nghiệp đang hứng chịu, đồng thời đề xuất những giải pháp từ doanh nghiệp để giải cứu du lịch.

Là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch, hẳn Sun Group cũng không nằm ngoài tâm bão Covid-19, thưa ông?

Ông Đặng Minh Trường: Không riêng gì Việt Nam, ngành du lịch toàn thế giới cũng đang gần như tê liệt trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus corona gây ra. Sun Group cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Gần hai tháng qua, lượng du khách đến với các khu du lịch Sun World của chúng tôi đã sụt giảm mạnh. Sun World Fansipan Legend sụt giảm tới 70%, Sun World Ba Na Hills giảm 65%, Sun World Halong Complex giảm tới 85%.

Tuy nhiên, một số khu du lịch của chúng tôi ở Phú Quốc, Tây Ninh- những vùng có khí hậu nắng ấm quanh năm - vẫn thu hút du khách. Du khách trong nước và quốc tế có tâm lý yên tâm bởi khí hậu các điểm này không thuận lợi cho dịch phát tán, cộng với công tác phòng chống dịch của Việt Nam hiện đang được coi là một trong những nước làm tốt nhất thế giới. Bên cạnh đó, công tác phòng chống dịch được triển khai chặt chẽ, rốt ráo ở các khách sạn, khu du lịch do Sun Group đầu tư khiến du khách có thể yên tâm du ngoạn.

Chủ tịch Sun Group: Ngành du lịch đứng trước nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Sun Group

Cụ thể, công tác phòng chống dịch ở các điểm du lịch mà Sun Group đầu tư vận hành đã được triển khai như thế nào?

Ông Đặng Minh Trường: Ngay khi có những thông tin đầu tiên về dịch bệnh Covid- 19, Sun Group đã chủ động triển khai các biện pháp quyết liệt và đồng bộ tại các công trình, tổ hợp vui chơi giải trí, khách sạn, resort, cảng hàng không quốc tế, do Tập đoàn đầu tư và vận hành, với mục đích kiến tạo một môi trường du lịch an toàn và hấp dẫn cho du khách ngay giữa tâm dịch bệnh.

Tại các điểm vui chơi giải trí thuộc tổ hợp Sun World trên cả nước, chúng tôi đều phát loa và dán thông báo đưa ra các chỉ dẫn cụ thể, thiết thực theo khuyến nghị của Bộ Y tế, thường xuyên thanh tẩy tất cả các cabin cáp treo và các khu vực trong khu du lịch, phát miễn phí khẩu trang, đặt hàng nghìn chai dung dịch sát khuẩn tại các vị trí công cộng, nhà vệ sinh, quầy dịch vụ…

Hay tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, chúng tôi đã triển khai quy trình đưa đón khách chặt chẽ, an toàn tối đa, đạt tiêu chuẩn quốc tế, được xây dựng riêng và chưa từng có tại sân bay nào của Việt Nam.

Hiện tại, chúng tôi có thể khẳng định, cùng với công tác kiểm soát dịch được Chính phủ Việt Nam triển khai tốt trong thời gian qua và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 do Tập đoàn Sun Group đang áp dụng, hệ thống các điểm đến du lịch do Sun Group xây dựng, quản lý đều đang là những điểm đến an toàn với mọi du khách.

Ông dự đoán sẽ có những “kịch bản” nào xảy đến với ngành du lịch Việt Nam do tác động của dịch Covid-19?

Ông Đặng Minh Trường: Hiện tại, Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp và nếu tình trạng này kéo dài, không chỉ các doanh nghiệp du lịch, trong đó có Sun Group phải đối mặt với khó khăn lớn mà ngành du lịch Việt Nam cũng đứng trước nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng và dự báo sẽ rất lâu mới có thể phục hồi.

Theo tôi, sẽ có hai kịch bản cho du lịch trong thời gian tới.

Một là giai đoạn “sống chung với dịch”. Đó là khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ do dịch bệnh vẫn tiếp diễn trên thế giới, đặc biệt các tại các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Và hai là giai đoạn “Phục hồi sau dịch” - giai đoạn mà ngành Du lịch tăng tốc, bứt phá một cách mạnh mẽ và bền vững sau khi Việt Nam công bố chính thức không còn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Với cả hai “kịch bản”, bên cạnh sự chủ động vượt khó của doanh nghiệp, tôi cho rằng ngành du lịch rất cần sự hỗ trợ của chính phủ và các địa phương để có thể cứu vãn hoạt động du lịch.

Cụ thể ông có những đề xuất nào tới Chính phủ cũng như các cấp có thẩm quyền để chung tay “vực dậy” ngành công nghiệp không khói?

Ông Đặng Minh Trường: Hiện nay, ngành du lịch đang đóng góp trực tiếp tới 9,2% vào GDP, đóng góp gián tiếp và lan tỏa là 18%. Sự sụt giảm của ngành du lịch cũng là thiệt hại nặng nề đối với nền kinh tế nói chung.

Thời gian qua, bên cạnh công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện rất quyết liệt, Chính phủ cũng đã có những động thái bước đầu để “giải cứu” du lịch như chương trình kích cầu du lịch nội địa với thông điệp “Việt Nam an toàn”; chuẩn bị kích cầu du lịch quốc tế vào tháng 4 với thông điệp “VietnamNOW”; thành lập liên minh kích cầu du lịch với sự tham gia của tất cả đối tượng tham gia du lịch như: Hàng không, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, doanh nghiệp lữ hành… để kiến tạo và triển khai các gói sản phẩm ưu đãi hấp dẫn và cạnh tranh nhất…

Chủ tịch Sun Group: Ngành du lịch đứng trước nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng 1
Các khách sạn bị tổn thất nặng nề do dịch Covid-19

Tuy nhiên, đứng ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy vẫn còn nhiều giải pháp thiết thực cần phải thực hiện ngay để giúp doanh nghiệp du lịch cũng như ngành du lịch Việt Nam bước qua được khủng hoảng.

Cụ thể, ở giai đoạn “sống chung với dịch”, Sun Group đề xuất cần nhanh chóng xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đẩy nhanh tiến độ cấp phép các dự án cải tạo, xây dựng những sản phẩm du lịch, công trình mới, đặc biệt ưu tiên những dự án kinh tế đêm để thu hút du khách vui chơi, tiêu tiền nhiều hơn.

Sun Group cũng mong mỏi Chính phủ và các địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp du lịch trong giai đoạn khó khăn này, kiến nghị chính phủ cho phép giảm 50% thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020; Cho phép chậm nộp thuế VAT quý 4-2019 và thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019, đề xuất lùi sang quý 3 hoặc quý 4-2020.

Với giai đoạn “Phục hồi sau dịch”, bên cạnh chương trình kích cầu du lịch quốc tế “VietnamNOW”, chúng tôi đề xuất triển khai riêng một chiến dịch quảng bá riêng cho thị trường du lịch tàu biển, với các chương trình khuyến mãi sâu, hấp dẫn du khách. Đây là thị trường đặc thù đầy tiềm năng với khách hàng tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp đến từ Nhật Bản, Tây Âu…nên rất cần được ưu tiên thúc đẩy để lấy lại vị thế và mở rộng thị trường.

Ngoài ra, cũng cần triển khai mạnh mẽ các sự kiện du lịch lớn khắp cả nước như Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế, Carnival quốc tế, Lễ hội Mùa đông… tại nhiều điểm đến nổi tiếng để thu hút sự quan tâm tìm đến của du khách.

Từ góc độ một doanh nghiệp Việt, chúng tôi tự hào và biết ơn những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh đầy quyết liệt và kịp thời của Chính phủ trong thời gian qua, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong công tác phòng chống và đẩy lùi dịch Covid- 19 trên toàn thế giới.

Một tín hiệu đáng mừng là Bộ Y tế & Dịch vụ nhân sinh, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) đã quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan SARS-CoV-2 ra cộng đồng. Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp kích cầu, thu hút du khách đến với Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, chúng tôi mong rằng Chính phủ sớm thúc đẩy những chính sách và phương án hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn, thách thức để có thể khôi phục hoạt động du lịch trong giai đoạn trước mắt và lâu dài, từ đó đạt được mục tiêu cao nhất mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra là không thay đổi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Trân trọng cảm ơn ông!