Chuyển đổi số ngân hàng còn nhiều thách thức

Hứa Phương - 11:57, 28/05/2024

TheLEADERChuyển đổ số đòi hỏi ngân hàng phải liên tục thay đổi, nâng cấp và phát triển ứng dụng để đáp ứng xu hướng mới, tạo sức cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu dịch vụ mới của khách hàng.

Chuyển đổi số ngân hàng còn nhiều thách thức
Việc chuyển đổi số và tự động hóa ở các ngân hàng vẫn còn nhiều thách thức. Ảnh: Hoàng Anh

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, chuyển đổi số của ngành ngân hàng đã đạt được nhiều thành quả trên các trụ cột như: chuyển đổi nhận thức, hoàn thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng, khai thác dữ liệu và phát triển các mô hình ngân hàng số cũng như đảm bảo an ninh an toàn.

Cụ thể, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Một số ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017-2023 đạt trên 100%/năm.

Hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, đảm bảo hoạt động liên tục, an toàn thông suốt.

Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 nghìn tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày.

Bên cạnh đó, công nghệ mới cũng được ứng dụng để phát triển sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp. Việt Nam đã hoàn thành kết nối thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với Thái Lan, Campuchia và đang triển khai với Lào, dự kiến mở rộng ra các nước trong và ngoài khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, theo ông Trần Thái Bình, Giám đốc khối ngân hàng số của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thì việc chuyển đổi số và tự động hóa ở các ngân hàng vẫn gặp nhiều thách thức.

Bởi vì, tự động hóa là một quá trình không ngừng nghỉ, đòi hỏi ngân hàng phải liên tục thay đổi, nâng cấp và phát triển ứng dụng để đáp ứng xu hướng mới, tạo sức cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu dịch vụ mới của khách hàng.

“Trong đó khó khăn lớn nhất nằm ở con người và tư duy làm việc số”, ông Bình nói trong sự kiện “Linh hoạt trong ứng dụng công nghệ cho ngân hàng và bảo hiểm” được tổ chức mới đây.

Tại Sacombank những bước đầu tiên để thực hiện chuyển đổi số gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như việc làm sao để xác định được quy trình nào trong ngân hàng cần ưu tiên về số hóa cũng là vấn đề lớn.

Do đó, Sacombank bắt đầu bằng cách vừa làm vừa học, ưu tiên vào những quy trình có tương tác, tác động trực tiếp với khách hàng để tăng cường trải nghiệm của khách hàng.

Còn ông Lương Tuấn Thành, Giám đốc khối công nghệ và chuyển đổi số Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho rằng, chuyển đổi số và tự động hoá giúp ngân hàng tăng doanh thu, hạn chế rủi ro và xây dựng năng lực cạnh tranh dài hạn.

Nhưng việc thiếu hụt nhân lực có trình độ kỹ thuật cao cũng như hạn chế về năng lực hỗ trợ của nhà cung cấp giải pháp nước ngoài khiến các ngân hàng lệ thuộc vào một nền tảng duy nhất dẫn đến hạn chế khả năng mở rộng quy mô, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của ngân hàng.

Để tránh phụ thuộc vào một nền tảng duy nhất của nhà cung cấp, Phạm Thế Minh, Giám đốc chất lượng của FPT Smart Cloud cho biết, xu hướng chuyển đổi nền tảng công nghệ dần trở nên phổ biến ở các ngân hàng ở Việt Nam và trên thế giới.

Nhưng bất kỳ sự chuyển đổi nào cũng đi kèm thách thức và khó khăn, trong đó có việc quản trị rủi ro về mặt gián đoạn vận hành và tính tuân thủ pháp lý.

Đơn cử như ở Việt Nam, nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân được Chính phủ ban hành vào tháng 08/2023 yêu cầu các doanh nghiệp khi lưu trữ thông tin khách hàng trên nền tảng đám mây của các nhà cung cấp nước ngoài cần xin phép và cần được khách hàng đồng thuận.

Do đó, các ngân hàng khi có nhu cầu chuyển đổi nên cân nhắc xuất xứ của các nền tảng công nghệ sẽ giúp họ không phải lo lắng quá nhiều về thủ tục pháp lý liên quan.

Dưới góc nhìn của bà Nguyễn Minh Nguyên Thành, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á của Akabot FPT corporation thì một số ngân hàng sẵn sàng chuyển đổi số toàn diện và tự động hoá nhưng lại lúng túng trong việc lực chọn công nghệ và nền tảng.

Vì vậy, akaBot đã đưa ra một số giải pháp để hỗ trợ ngân hàng giải quyết bài toán này như công cụ automation design. Công cụ này sẽ đo đếm được điều kiện để đánh giá hiệu quả vận hành và hiệu quả trong quá trình chuyển đổi số như thế nào.

Automation design cũng đưa ra số liệu, dữ liệu “biết nói” để giúp cho những nhà lãnh đạo dễ dàng đưa ra những quyết định chính xác làm sao để có thể vận hành một cách hoàn hảo và tối đa lợi ích cho ngân hàng.