Có cần phải bỏ Tết hay gộp Tết?

Nguyễn Hữu Long - 09:55, 23/01/2020

TheLEADERTết không hề gây lãng phí hay thiệt hại kinh tế lớn như nhiều người vẫn nghĩ mà còn ngược lại!

Có cần phải bỏ Tết hay gộp Tết?
Tết là dịp để gia đình đoàn tụ

Có người đề nghị bỏ Tết cổ truyền, vì cho rằng Tết gây lãng phí, gây thiệt hại kinh tế làm cho đất nước nghèo hơn, không khá lên được. Bài viết này chia sẻ một quan điểm khác.

Dưới góc nhìn toàn cục, Tết không hề gây lãng phí hay thiệt hại kinh tế lớn như nhiều người vẫn nghĩ mà còn ngược lại! Tết là dịp mọi người mua sắm, chi tiêu, là giai đoạn kích cầu, làm cho nền kinh tế có thêm sức sống. Người giàu ăn uống, tiêu xài, bày biện, mua sắm, thết đãi...; người nghèo tận dụng cơ hội có thêm thu nhập.

Từ người mua bán nhỏ (rau quả, thịt cá, hoa, trái cây, tạp hóa, thậm chí đánh giầy, rửa xe, hàng rong…), người trồng trọt, chăn nuôi, cho đến các doanh nghiệp lớn, nhỏ, chỉ riêng mùa Tết thôi, thu nhập và kết quả kinh doanh của họ có khi bằng 30 - 40% của cả năm. Người mua bán, kinh doanh, không ai chê mùa Tết cả. 

Người giàu có dịp tiêu xài, thể hiện theo thú vui và khả năng của mình, đồng thời cũng nhân cơ hội Tết mà có thể còn giàu thêm. Người nghèo tận dụng cơ hội để kiếm tiền. Không ai bị thiệt cả. Các công ty, nhà máy có cơ hội sản xuất kinh doanh gấp rưỡi, gấp đôi; người trồng trọt, chăn nuôi tăng sản lượng gấp đôi, gấp ba... Nền kinh tế nhờ đó mà có thêm động lực phát triển!

Bà xã tôi trước đây cứ bảo Tết nhất mua hoa đào, hoa mai, cây cảnh lãng phí kinh khủng, vì chỉ chưng có mấy ngày đã mất mấy triệu, nếu nhân cho hàng triệu gia đình thì con số vô cùng lớn. Tôi bảo, chẳng lãng phí gì cả. Tiền nó từ túi người này chạy sang túi người khác; và về tổng thể, chẳng mất đi đâu. Những người mua hoa bỏ tiền ra (vì họ thích), nhưng người trồng hoa thì được lợi (vì họ chăm chút quanh năm, chỉ mong đến mùa Tết).

Có cần phải bỏ Tết hay gộp Tết?
Ông Nguyễn Hữu Long – Nhà sáng lập Group Phát triển doanh nghiệp Việt

Tết còn là dịp để người lao động được thưởng, người xa quê có dịp sum vầy cùng gia đình. Tết là thời gian nghỉ ngơi, hồi sức sau một năm làm việc vất vả. Tết là ngày người Việt “mời” ông, bà, tổ tiên đã khuất về dùng mâm cỗ cúng, chung vui cùng con cháu. 

Tết còn là dịp gặp gỡ, chúc mừng, quên đi những điều buồn phiền trong năm cũ, cùng hướng về một năm mới với nhiều điều tốt đẹp hơn. Tết là dịp để xóa bỏ giận hờn, xung đột, gặp nhau, mở rộng vòng tay...

Cũng có người bảo, sao không gộp Tết tây và Tết ta cho gọn và đỡ “lệch nhịp” với nước ngoài. 

Hiện tại, Tết ta tách riêng mà nhiều người đã than vãn nghỉ Tết dài quá (dài hay ngắn là do ý thức và do quản lý, vì ngày nghỉ Tết chính thức chỉ có 4 ngày theo Luật). Giờ nếu gộp thêm Tết tây vô, tình trạng nghỉ dài ngày sẽ còn dài thêm. 

Rồi mùa vụ bông hoa, đào, mai, quất, cây cảnh theo thời tiết hàng ngàn năm nay bị đảo lộn hết, người trồng và người chơi phải làm sao? Còn Tết tây thì chỉ nghỉ 1 ngày, như 1 ngày Chủ nhật nên đâu có ảnh hưởng gì mà phải gộp vào Tết ta làm gì?

Gộp 2 cái Tết (thường cách nhau 2 tháng) với những tập tục, truyền thống, văn hóa, tôn giáo (đặc biệt là tôn giáo) khác nhau cho gọn thì khác gì khuyên người ta nên gộp bàn thờ và các cơ sở, công trình của các tôn giáo, văn hóa khác nhau vào một chỗ, và thờ chung với bàn thờ tổ tiên cho tiện (!?). 

Và nếu thế thì sao không gộp luôn các ngày lễ khác trong năm luôn cho tiện? Việc gộp 2 Tết chung vào nhau là rất khiên cưỡng, vì yếu tố phong tục, tập quán, văn hóa, mùa vụ, đặc biệt là tôn giáo, chẳng liên quan, và cách nhau khá xa. Chưa kể, mọi dân tộc đều ăn Tết và tổ chức lễ hội theo truyền thống, không phải để cho thuận tiện.

Một số người khác đề nghị nên gộp Tết âm lịch vào Tết tây để nghỉ luôn cho “cùng nhịp” với các nước trong các đơn hàng xuất khẩu (vì họ làm mà mình nghỉ nên không giao kịp). Tôi cho rằng, ít nhiều cũng có yếu tố đó, nhưng phần lớn là do kế hoạch sản xuất và do cách thức quản lý của doanh nghiệp, không phải do Tết tây, Tết ta không trùng nhau. 

Nếu biết cách phân bổ và biết cách cân đối kế hoạch và tổ chức quản lý tốt, sẽ không có chuyện lệch nhịp, rồi đổ thừa cho Tết! Một số nước có mùa đông băng giá có kỳ nghỉ đông khá dài cũng không vì “lệch nhịp” với phần còn lại của thế giới (không có nghỉ đông) mà kém phát triển. Họ vẫn phát triển vì tổ chức quản lý tốt đấy thôi!

Nếu có ai đó bảo bạn nên đi làm liên tục 3, 4 tuần, không nghỉ ngơi, và gộp các ngày nghỉ Thứ Bảy, Chủ nhật của 3 hoặc 4 tuần đó lại để nghỉ luôn một thể cho tiện, bạn nghĩ sao?

Cần lưu ý, các nước phát triển cũng nghỉ lễ, nghỉ Noel, nghỉ Tết, nghỉ đông, nghỉ trong tuần rất nhiều (thậm chí, có nước, tuần làm việc chỉ 4 ngày) mà họ vẫn phát triển hơn mình.

Tóm lại, nền kinh tế (và các doanh nghiệp) phát triển hay trì trệ là do ý thức và năng lực quản lý của nhà quản lý chứ không phải do Tết hay do không gộp Tết! Ngay cả nước Nhật cũng vậy! Họ phát triển là vì họ có ý thức cao, kỉ luật nghiêm, và năng lực quản lý xuất sắc, không phải vì nhờ họ gộp Tết đâu! 

Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan… đều giữ nguyên 2 Tết riêng biệt, không bỏ, cũng không gộp, và họ vẫn phát triển. Các nước khác cũng có lễ hội này nọ theo văn hóa riêng. Họ cũng nghỉ lễ, nghỉ Noel, nghỉ Tết, nghỉ đông rất nhiều ngày trong năm (nhiều hơn Việt Nam), nhưng do ý thức và quản lý tốt nên kinh tế vẫn phát triển! 

Họ giàu không phải vì họ cặm cụi làm việc quanh năm, không có ngày nghỉ hay ít ngày nghỉ hơn đâu!

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Nguyễn Hữu Long – Nhà sáng lập Group Phát triển doanh nghiệp Việt