Cơ chế quan trọng giúp khoa học công nghệ Việt Nam bùng nổ

Phương Anh - 12:23, 27/09/2022

TheLEADERNhiều ý kiến cho rằng muốn thị trường khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa việc thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ.

Ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam, đánh giá việc thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ có thể đem lại những thành công.

Theo đó, chương trình quốc gia giúp cho các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp tạo kết nối với nhau, cũng như đưa ra những hợp tác để tăng cường quan hệ giữa các bên liên quan.

Bên cạnh đó, việc thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ còn hỗ trợ các bên trung gian, các đơn vị chuyển giao công nghệ; cũng như nâng cao năng lực cho doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ mới, ông đánh giá tại Hội nghị "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập" gần đây. 

Tuy nhiên, trên thực tế, việc thương mại hóa còn nhiều khó khăn, thách thức, khi hiện nay, Việt Nam chưa có chính sách đảm bảo việc sử dụng các nhà khoa học khi triển khai doanh nghiệp đổi mới sáng tạo không thành công, GS.TS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, cho biết.

Cụ thể, nhà khoa học chỉ có hai lựa chọn để thương mại hóa được kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ của mình. Một là chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, và hai là tự mình khởi nghiệp.

Đa số nhà khoa học lựa chọn phương án chuyển giao công nghệ, hoặc giao lại cho tổ chức chủ trì để chuyển giao, do bản chất của các nhà khoa học là đam mê nghiên cứu khám phá các vấn đề mới và không có đủ năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh nên không đủ tự tin để thực hiện.

Mặc dù nhà nước rất khuyến khích phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc thù của loại hình này lại có tính rủi ro cao, (thường chỉ 3 - 5% thành công), có thể không thành công nhiều lần và thông thường gắn chặt với tác giả tạo ra công nghệ.

Chính vì vậy các nhà khoa học còn chưa mạnh dạn dấn thân vào con đường thương mại hóa và các kết quả nghiên cứu vẫn chưa được đưa vào thực tế ứng dụng.

Cơ chế quan trọng giúp khoa học công nghệ Việt Nam bùng nổ
GS.TS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Về phía doanh nghiệp, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh phí chủ động đặt hàng các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu trong nước giải quyết vấn đề cụ thể của doanh nghiệp vì e ngại rủi ro và thiếu thông tin.

Một số doanh nghiệp chưa thực sự tin tưởng vào các công nghệ được tạo ra từ các nhà khoa học và các cơ quan nghiên cứu trong nước, mà vẫn lựa chọn mua công nghệ nước ngoài.

Bên cạnh đó, các tổ chức trung gian làm cầu nối cho các nhà khoa học và doanh nghiệp còn yếu về năng lực, thiếu sự hỗ trợ về cơ chế chính sách nên khả năng hỗ trợ thương mại hoá còn hạn chế, đồng thời thiếu sự liên kết với mạng lưới trong khu vực và quốc tế.

Xuất phát từ thực tiễn hoạt động của Viện Hàn lâm, ông Minh kiến nghị các cơ quan quản lý cần rà soát, điều chỉnh thống nhất các quy định, văn bản pháp lý liên quan thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ.

Cùng với đó, cần xây dựng chính sách khuyến khích và bảo vệ các nhà khoa học khi được phân công quản lý, điều hành doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, có chính sách cụ thể để các nhà khoa học đã tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp đổi mới sáng tạo sau 3 – 5 năm được quay về làm việc ở viện/ trường, cơ quan nghiên cứu khoa học (kể cả trong trường hợp không thành công).

Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế thúc đẩy hoạt động kết nối viện/trường với doanh nghiệp, nhằm phát hiện vấn đề, tìm kiếm giải pháp, tạo công nghệ phù hợp với doanh nghiệp, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đầu tư, đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Vai trò kết nối của trường đại học

PGS.TS. Nguyễn Văn Tâm, Phó giám đốc Đại học quốc gia TP.HCM, cho rằng trường đại học đóng vai trò nền tảng để tạo ra được sản phẩm khoa học công nghệ trên thị trường chuyển giao tri thức.

Tuy nhiên, để thúc đẩy nghiên cứu và tạo ra sản phẩm, chuyển giao công nghệ ra thị trường, thì vai trò của các bên cần được rõ ràng và đầy đủ.

Theo đó, ông Tâm nhấn mạnh nhà nước cần tạo ra chính sách và hành lang pháp lý dẫn dắt các trường đại học và các bên liên quan, doanh nghiệp tham gia vào quá trình hình thành ý tưởng, nghiên cứu phát triển và thương mại hóa sản phẩm.

Cơ chế tài chính cần đầu tư, tài trợ một cách đúng nghĩa vào nghiên cứu và phát triển, còn trường đại học cần không ngừng đổi mới sáng tạo trên nền tảng nghiên cứu khoa học để tạo ra tri thức mới cho công nghiệp.

Cơ chế quan trọng giúp khoa học công nghệ Việt Nam bùng nổ 1
PGS.TS Nguyễn Văn Tâm, Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Về tính cấp thiết để thúc đẩy thương mại hóa, kinh doanh tri thức từ trường đại học, mô hình nghiên cứu về bẫy thu nhập trung bình đã chỉ rõ điều kiện tiên quyết để một quốc gia vượt qua bẫy thu nhập trung bình chính là phát huy được năng lực đổi mới sáng tạo công nghệ, làm chủ và tạo ra được công nghệ mới.

Về kinh nghiệm quốc tế, thương mại hóa kết quả nghiên cứu đã, đang và sẽ là một trong những hoạt động trọng yếu về hoạt động công nghệ đối với các cơ sở giáo dục đại học quốc tế.

Ông Tâm cho biết hầu như tại các quốc gia phát triển để thúc đẩy thương mại hóa chuyển giao tri thức từ trường đại học, các giải pháp về chính sách thúc đẩy đều có mẫu số chung.

Ví dụ, về nhóm chính sách liên quan đến cơ sở dữ liệu và thông tin truyền thông, trường đại học tăng cường truyền thông về tài sản trí tuệ, tiềm năng thương mại hóa, ví dụ thông qua nền tảng môi giới; các bên cần tổ chức sự kiện xây dựng và phát triển mạng lưới hoặc thông qua các sáng kiến của nền tảng môi giới.

Về nhóm chính sách hỗ trợ từ chính các trường đại học, trường đại học cần có quyền chủ động tìm giải pháp tăng cường lợi ích cho nhà khoa học, theo đó, chia sẻ tỷ lệ phân chia lợi ích hợp lý, có chính sách về khen thưởng, ghi nhận.

Trường đại học cũng cần có chiến lược dài hạn liên quan đến thúc đẩy thương mại hóa khoa học công nghiệp, trong đó quyền quyết định vấn đề thương mại hóa dựa trên thỏa thuận giữa trường học và doanh nghiệp.

Ông đề xuất cần cho phép xây dựng, triển khai đề án thí điểm chính sách đủ mạnh và xuyên suốt trong giai đoạn trung hạn nhằm tháo dỡ các rào cản, vướng mắc đang ghi nhận trong quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước hiện nay.

Từ đó, tiến tới khai thông chính sách nhà nước nhằm tạo động lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ trường đại học mạnh mẽ hơn nữa.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chính sách phát triển đại học tự chủ gắn với chuyển giao tri thức. Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 đã cho phép các trường đại học được tự chủ. Tuy nhiên, việc tự chủ vẫn chưa được như mong muốn do còn nhiều vướng mắc với các quy định từ các cơ quan ban ngành khác.

Không chỉ vậy, cần thúc đẩy thị trường khoa học và công nghệ để tạo được động lực tăng mạnh giao dịch và giá trị hàng hoá khoa học và công nghệ, đặc biệt là giao dịch tài sản trí tuệ, giao dịch công nghệ nhập khẩu từ các nước phát triển.

Do đó, cần có nền tảng quan trọng là cơ chế chính sách ưu đãi về thuế, đấu giá tài sản trí tuệ nhằm đẩy nhanh ra thị trường, chia sẻ hợp tác khai thác tài sản trí tuệ.