Công nghiệp bán dẫn 'khát' nhân lực chất lượng cao

Hoàng Đông - 17:26, 09/12/2023

TheLEADERBộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng không chỉ về hạ tầng cơ sở mà còn cả hạ tầng mềm về nhân lực, hệ sinh thái, đơn vị phụ trợ để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Nhiều thành viên thuộc Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) đã triển khai dự án đầu tư tại Việt Nam. Với niềm tin về cơ hội lớn đối với ngành công nghiệp bán dẫn, ông John Neuffer, Chủ tịch SIA, cho biết, sẽ có những doanh nghiệp thành viên tăng gấp đôi khoản đầu tư tại Việt Nam trong thời gian mới.

Trong cuộc làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch SIA cho biết Hoa Kỳ đang có cơn khát nhân lực chất bán dẫn và ngay từ trong đại dịch Covid-19, nguồn nhân lực Việt Nam đã là nguồn bù đắp quan trọng cho sự thiếu hụt này. 

Ông khẳng định Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư Hoa Kỳ trong lĩnh vực bán dẫn và có thể đóng vai trò đối tác chiến lược trong cung cấp nguồn nhân lực.

“Chúng tôi nhận thấy những cơ hội lớn để Việt Nam ghi dấu ấn lên chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu”, ông John Neuffer nói.

Gỡ khó cho nhà đầu tư

Ít ai biết rằng, những con chíp được sử dụng trong thẻ căn cước công dân là sản phẩm của Infineon, một nhà đầu tư bán dẫn đến từ Hoa Kỳ. Vào đầu năm nay, doanh nghiệp này đã mở một trung tâm nghiên cứu phát triển tại Việt Nam để tận dụng những cơ hội mới.

Tuy nhiên, ông Vũ Duy Việt, Giám đốc Trung tâm phát triển của Infineon, cho biết, khó khăn mà doanh nghiệp này đang gặp phải là nhu cầu về nguồn nhân sự chất lượng cao. Do đó, Infineon đề nghị hợp tác với doanh nghiệp, trường đại học tại Việt Nam để phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành bán dẫn.

Khó khăn trong tìm kiếm nhân sự chất lượng cao cũng là vấn đề Marvell Việt Nam và Qualcomm Việt Nam gặp phải. Hai doanh nghiệp này đã triển khai nhiều chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và hy vọng sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ phía Chính phủ.

Nói về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, khoảng 1/3 số lượng sinh viên tại Việt Nam đang theo học các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học).

Việt Nam đang đứng vị trí hàng đầu Đông Nam Á về đào tạo hóa học và toán học, hứa hẹn cung cấp điều kiện tốt để phát triển đội ngũ nhân tài phục vụ ngành bán dẫn. Bên cạnh đó, khoảng hơn 200 nghìn sinh viên đang học tại nước ngoài cũng là lực lượng quý giúp giải bài toán nhân sự chất lượng cao.

Ông Phúc cho biết, hiện khoảng 40 trường đại học ở Việt Nam đang đào tạo lĩnh vực liên quan đến bán dẫn, đồng thời bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp Hoa Kỳ hợp tác với các trường đại học để xây dựng chương trình đào tạo, chương trình thực tập, hỗ trợ xây các phòng thí nghiệm.

Việt Nam hiện có khoảng 6.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, làm việc cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, và đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư chất lượng cao từ nay tới năm 2030.

Bên cạnh vấn đề nhân lực, cơ sở hạ tầng cũng là yếu tố quan trọng quyết định phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, được đại diện Qualcomm Việt Nam nêu ra tại tọa đàm về sự sẵn sàng cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam.

Trong khi đó, những chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là mối quan tâm của Intel và Ampere.

Giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp SIA, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đã thành lập cơ sở Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hòa Lạc, cùng ba khu công nghệ cao tại TP. HCM, Đà Nẵng và Hà Nội, sẵn sàng cung cấp những điều kiện tốt cùng cơ chế ưu đãi cao nhất cho nhà đầu tư.

Bộ trưởng cho biết thêm, Quốc hội đã cho phép Chính phủ xây dựng nghị định thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho một số dự án công nghệ cao, bao gồm dự án bán dẫn. Hiện tại, nghị định đang được tích cực xây dựng, dự kiến ban hành vào năm 2024.

Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng không chỉ về hạ tầng cơ sở mà còn cả hạ tầng mềm về nhân lực, hệ sinh thái, các đơn vị phụ trợ, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài.

“Các nhà đầu tư không phải đi nước nào cho 'mỏi chân', có yêu cầu gì cứ kiến nghị, chúng tôi sẽ sẵn sàng đáp ứng”, ông Dũng nhấn mạnh.