'Cuộc cách mạng thân tâm' trong sản xuất tiêu dùng

Lê Thị Thanh Lâm* - 16:14, 05/02/2020

TheLEADERNhững giá trị truyền thống vẫn có lý do để tồn tại trong đời sống hàng ngày của hàng triệu người tiêu dùng Việt cho dù cuộc sống có hiện đại, công nghệ ngày càng phát triển không ngừng.

'Cuộc cách mạng thân tâm' trong sản xuất tiêu dùng
Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food

Giá trị truyền thống trong ngành thực phẩm có thể được hiểu như thói quen ẩm thực, tập quán tiêu dùng của một cộng đồng. Giá trị đó được gìn giữ, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính bền vững trong một môi trường sống đặc thù. Giống như cây trái của đất trời, mùa nào thì thức nấy. Mùa hè có những loại trái cây thanh mát, mùa đông có những loại trái cây giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng để vượt qua cái lạnh lẽo khắc nghiệt.

Cũng thế, ngày Tết đến, trong gian bếp mỗi gia đình Việt phải có bánh chưng, bánh tét, dưa món, củ kiệu, tôm khô. Có đi đâu xa, nhớ về Tết trong ký ức mỗi người Việt luôn nhớ về những món ăn đã thành truyền thống văn hóa ẩm thực bao đời ấy. 

Truyền thống ở đây không phải là những khái niệm mơ hồ, ngược lại, nó hết sức hữu hình. Nó phảng phất đâu đó trong chiếc bánh chưng xanh, trong sắc tím của đĩa dưa hành, nó ngất ngây trong vị đậm đà cay chua của tôm khô củ kiệu... Phảng phất mà vẫn đậm mùi, dậy vị như điều gì đó neo đậu vào thẳm sâu trong lòng người theo dòng thời gian dẫu cho vật đổi sao dời.

Phạm trù truyền thống cũng nên được hiểu và thực hành theo nghĩa rộng hơn, phù hợp với lối sống mới, chứ không theo kiểu bảo thủ khư khư. Bởi “không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Thay đổi là quy luật nhưng tồn tại vĩnh hằng cũng là một quy luật. Để cuộc sống này luôn đậm màu bản sắc giữa muôn vàn khác biệt trong thời đại toàn cầu hóa. 

Càng hiện đại, con người càng phải yêu thiên nhiên, làm giàu cho thiên nhiên. Con người ngày càng ý thức được sinh mệnh của mình gắn liền với sinh mệnh trái đất. Từ đó, nhân loại toàn cầu đang có xu hướng quay về với thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Phong trào sống xanh, sống sạch, thuận với thiên nhiên cũng từ đó mà nảy nở, lan rộng.

Sẽ có cuộc cách mạng sản xuất tiêu dùng chăng? Trở về với những giá trị truyền thống tổ tiên, gần gũi với thiên nhiên để phát huy sức mạnh nội tại của mình, không chỉ riêng trong ngành thực phẩm. 

Từ cuộc cách mạng về thân tâm ấy, doanh nghiệp cũng phải thay đổi chiến lược kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, thậm chí cần phải định hướng cho người tiêu dùng. Sự thay đổi đó đang đứng trước một thách thức lớn, bởi người tiêu dùng hiện đại ngày nay đã có rất nhiều lựa chọn, về sản phẩm, dịch vụ, giá trị thương hiệu và xuất xứ của sản phẩm.

Có một niềm tin mà chúng ta dễ dàng thấy nhất trong bối cảnh nhiều thay đổi ngày nay là nhu cầu thưởng thức những vị ngon truyền thống, thân thiện với sức khỏe người tiêu dùng trước “cuộc bành trướng” của chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh đến từ bên ngoài. 

Những món ngon truyền thống lại chính là những loại thực phẩm healthy (tốt cho sức khỏe), còn được chuộng dùng như một cách thức để chống bệnh béo phì và nhiều hệ lụy khác cho sức khỏe do lạm dụng thực phẩm, đặc biệt là các loại thực phẩm quá dư thừa chất đạm, chất béo.

Là nhà sản xuất đồng thời cũng là người tiêu dùng thực phẩm mỗi ngày, cũng là người nội trợ trong gia đình Việt nên chúng tôi luôn khát khao tìm về nguồn cội, được hưởng những mỹ vị mà ông bà mình từng hưởng, được ăn những mỹ thực mà ông bà mình từng thưởng thức. Vì thế, chúng tôi luôn tâm tư tìm kiếm và sáng tạo sản phẩm dựa trên tiêu chí công nghệ là công cụ để giữ gìn hồn cốt dân tộc lâu bền, trường tồn với thời gian.

Hãy nhìn tô cháo Chí Phèo của Sài Gòn Food được sản xuất bằng công nghệ hiện đại, khác gì so với tô cháo hành Thị Nở? Không khác gì ngoài lớp bao bì đặc biệt để bảo quản sản phẩm được lâu hơn. Bên trong vẫn là sóng sánh gạo trắng trứng vàng, nồng nàn hành hoa quyện mùi tiêu cay nồng đượm thơm đến tỉnh người, nhất là những khi khó ở do trái gió trở trời.

Hãy nhìn chiếc Bánh chưng Sum Vầy của Sài Gòn Food được sản xuất bằng công nghệ hiện đại, khác gì so với bánh chưng truyền thống? Không khác gì ngoài lớp bao bì đặc biệt để bảo quản sản phẩm được lâu hơn. Bên trong vẫn là hình dáng vuông vức ngàn đời của chiếc bánh tượng trưng cho đất đai màu mỡ, vẫn là xanh mướt lá dong, vàng ươm nếp cái, thơm phức đậu xanh, đậm đà thịt mỡ,….

Như thế, trong bức tranh tiêu dùng thực phẩm, cho dù là ngày Tết hay ngày thường, dù cuộc sống hiện đại, hàng triệu người Việt vẫn không quay lưng lại ẩm thực truyền thống.

Ăn Tết nay mà vẫn giữ vị Tết xưa. Cuộc sống hiện đại, công nghệ vẫn luôn nhớ về dư vị tuổi thơ...

Đó là một nét đẹp trong văn hóa không hề thay đổi. Những doanh nghiệp Việt cần nắm bắt lấy giá trị cốt lõi đó để phát triển và định hướng nhu cầu đối với người tiêu dùng. Chỉ có doanh nghiệp Việt mới có thể thấu hiểu và thấm đậm trong tim những giá trị truyền thống ẩn mình trong từng món ăn. 

Thực phẩm truyền thống, ứng dụng thêm công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu ẩm thực của “người nhà mình”. Nếu chúng ta chưa làm được điều gì to tát làm thay đổi cả thế giới thì hãy đưa công nghệ nâng tầm những sản phẩm truyền thống Việt, để trong mỗi sản phẩm thực phẩm công nghệ cao chứa đựng cả tình yêu, niềm đam mê sáng tạo, niềm tự hào và ý thức lưu giữ những truyền thống văn hóa ẩm thực tốt đẹp của tổ tiên, cha ông .

Chúng tôi tạm gọi đó là những sản phẩm công nghệ ưu việt, hiện đại mà vẫn đậm chất truyền thống.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food