Đàm phán Hiệp định RCEP đi vào 'giai đoạn cuối'

Hạ Vũ - 20:00, 23/09/2019

TheLEADERTrải qua chặng đường 6 năm đàm phán RCEP, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đây là một cuộc đàm phán thương mại phức tạp do cả 16 nước cùng đạt được một mức độ mở cửa thị trường chung là điều rất khó.

Đàm phán Hiệp định RCEP đi vào 'giai đoạn cuối'
Hiệp định RCEP được kỳ vọng sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới.

Phiên đàm phán chính thức Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP lần thứ 28 do Bộ Công thương Việt Nam đăng cai tổ chức tại Đà Nẵng đã chính thức khai mạc hôm nay và dự kiến được diễn ra trong 5 ngày tới.

Đây là phiên đàm phán chính thức cuối cùng trong năm 2019 với mục tiêu xử lý nốt những vấn đề còn tồn đọng để hướng tới mục tiêu kết thúc việc đàm phán hiệp định.

Tại đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đánh giá cao nỗ lực của các trưởng đoàn và tất cả các nhà đàm phán của 16 nước tham gia đàm phán Hiệp định đã đạt được nhiều tiến bộ rõ nét, đặc biệt là từ đầu năm 2019 đến nay. 

Thêm nữa, Bộ trưởng cho rằng đàm phán Hiệp định RCEP đang đi vào giai đoạn cuối cùng đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của các nước để có thể kết thúc đàm phán và đề nghị các nước hết sức nỗ lực tìm giải pháp sáng tạo, linh hoạt nhằm hướng đến sự thống nhất để xử lý những vấn đề còn tồn đọng.

"Là nước chủ nhà của phiên đàm phán này và sẽ là nước Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ cố gắng hết sức và phối hợp với tất cả các nước phấn đấu đạt mục tiêu trên cũng như hướng tới mục tiêu ký kết Hiệp định RCEP trong năm 2020", Bộ trưởng cho biết.

Đàm phán Hiệp định RCEP đang đi vào 'giai đoạn cuối'
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Lễ khai mạc phiên đàm phán. Nguồn: Moit.gov.vn

Theo đó, Hiệp định RCEP được 16 quốc gia (ASEAN và các đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ) tham gia đàm phán với sự dẫn dắt của ASEAN.

Dự kiến, Hiệp định RCEP sẽ thành lập khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới với 47,4% dân số, trên 30% GDP, 29,1% giá trị thương mại và 32,5% luồng vốn đầu tư toàn cầu.

Các nước thành viên sẽ cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại. 

Hiệp định RCEP được kỳ vọng sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới với sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và các đối tác.

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đang gặp phải những trở lực nhất định của bảo hộ mậu dịch, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thành công của Hiệp định sẽ đóng góp vào việc tạo lập cấu trúc thương mại mới trong khu vực, thúc đẩy toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại.

Mức độ bao phủ của RCEP lớn hơn khá nhiều so với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Bộ trưởng cho rằng dù đàm phán đang đi vào "giai đoạn cuối", tuy nhiên không loại trừ những khó khăn, phát sinh vào bất cứ thời điểm nào bởi đây là quá trình phức tạp đòi hỏi các bên phải tìm ra giải pháp, điểm cân bằng về lợi ích của các thành viên.

Cho đến nay, các nhà đàm phán từ 16 quốc gia đã kết thúc đàm phán được 7 trong số 20 chương, bao gồm hải quan và thuận lợi hóa thương mại, mua sắm nhà nước, hợp tác kinh tế và kỹ thuật, và các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

13 chương còn lại liên quan đến nhiều vấn đề từ thương mại điện tử tới cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, viễn thông và mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ và đầu tư.

RCEP là một hiệp định thương mại kết nối 2 quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ; cũng là lần đầu tiên kết nối hai nền kinh tế lớn nhất châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản.

Đặc biệt, RCEP có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đang nhập siêu khá lớn từ khu vực này. 

Khi RCEP được ký kết và đi vào hiệu lực, nguồn nguyên liệu sản xuất doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ các nước trong khối 'ASEAN + 6' cũng sẽ được xem như là nguồn nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm sang các nước có ký kết hiệp định song phương, đa phương với Việt Nam.