Tiêu điểm
Đâu là cơ hội để doanh nghiệp Việt làm ăn tại Mỹ?
“Bill Gater, Steve Jobs, Mark Zuckerberg… xuất thân không khác gì so với tuổi trẻ Việt Nam, đều là sinh viên, đều tay trắng khởi nghiệp, nhưng cái họ khác so với chúng ta là sự tự tin và sản phẩm tốt. Sự tự tin ấy có được do đâu? Do môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, tôn trọng người tài, tôn trọng pháp luật. Đó chính là cơ hội lớn nhất khi bạn quyết định làm ăn tại Mỹ”.
GS. Hà Tôn Vinh, Chủ tịch Stellar Managenment, chuyên gia tư vấn đầu tư Mỹ đã chia sẻ như thế với hơn 200 doanh nhân tại hội thảo Kinh doanh và đầu tư toàn cầu do USIS Group phối hợp CLB CEO Chìa khoá thành công, CLB 2030 và CLB Investors Club tổ chức tại TP. HCM.
Là người sống ở Mỹ hơn 50 năm, ở châu Âu gần 20 năm, GS. Hà Tôn Vinh thấu hiểu văn hoá Mỹ, nhấn mạnh đến sự khác biệt về văn hoá kinh doanh, chính trị tại Mỹ, điều mà doanh nghiệp nào khi đến đầu tư kinh doanh tại Mỹ cũng phải quan tâm.
“Văn hoá Mỹ rất đa dạng. Người Mỹ có 2 đặc trưng là chấp nhận sự đa dạng (đất nước Hợp chủng quốc) và thể hiện lòng tin vào thượng đế, chính vì thế họ sẵn lòng đóng góp cho xã hội, chia sẻ, tôn trọng luật pháp và rất thích sự hài hước…", ông Vinh nói.
Ông Vinh cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư vào Mỹ thì cần phải hiểu chính trị Mỹ. Chính trị Mỹ có hai đảng phái lớn là Dân Chủ và Cộng Hòa, luôn đối kháng và kiểm soát lẫn nhau, nhưng chính vì thế làm cho môi trường minh bạch và mọi thứ được giám sát.
Đồng đô la Mỹ là đồng tiền chung của thế giới và khá ổn định trong nhiều năm qua. Xã hội Mỹ khá an toàn, ổn định.
Đây là đất nước của công nghệ và sự sáng tạo, những người giàu nhất thế giới từ Mỹ, còn trẻ tuổi và đa phần xuất thân từ khởi nghiệp công nghệ.
Sự khác biệt giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Mỹ hàng đầu như Amazon, Google, facbook, Microsoft… là họ luôn đi trước mình, và khi khởi đầu đều bắt đầu từ số không. Môi trường đầu tư ở Mỹ là yếu tố quan trọng và nổi bật nhất nhờ luật pháp minh bạch, thân thiện, luôn hỗ trợ doanh nghiệp. Các chính sách đầu tư luôn bảo vệ doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Cơ hội kinh doanh, đầu tư bình đẳng, thông tin rõ rệt, cạnh tranh lành mạnh. Lợi nhuận trong kinh doanh dựa trên năng lực kinh doanh sản phẩm và dịch vụ.
Do đó, nếu muốn thành công ở Mỹ, phải có sản phẩm có thế mạnh độc đáo, giá cạnh tranh, luôn tạo thêm giá trị gia tăng. Doanh nghiệp của họ luôn sử dụng dịch vụ tư vấn, cố vấn chuyên môn và chỉ tập trung làm những gì có thể làm tốt nhất.
"Rất nhiều quốc gia làm ăn với Mỹ thành công, nên doanh nghiệp Việt Nam sang Mỹ nếu có chiến lược sản phẩm tốt sẽ không sợ gì hết. Bill Gates, Steve Jobs, Mark Zuckerberg… xuất thân không khác gì so với tuổi trẻ Việt Nam, đều là sinh viên, đều tay trắng khởi nghiệp, nhưng cái họ khác so với chúng ta là sự tự tin và sản phẩm tốt. Sự tự tin ấy có được do đâu? Do môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, tôn trọng người tài, tôn trọng pháp luật. Đó chính là cơ hội lớn nhất khi bạn quyết định làm ăn tại Mỹ. Tất cả công ty lớn đều bắt đầu từ hạt giống nhỏ, các anh chị không phải sợ họ, mà chỉ sợ nếu làm ăn không đúng pháp luật", ông Vinh nhấn mạnh.
Về văn hóa kinh doanh, theo ông Vinh, có những khác biệt cần lưu ý giữa doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ: Văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp Việt đa phần là hơi ngắn hạn, uyển chuyển, kinh doanh “mỳ ăn liền” đầu tư ngắn hạn, chấp nhận rủi ro cao nếu có dấu hiệu lợi nhuận cao. Kinh doanh lướt sóng, lợi nhuận trước mắt, dễ chuyển đổi…
Trái ngược lại, văn hoá kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ là tư duy thực tế, lợi nhuận vừa phải và hợp lý, rủi ro và lợi nhuận theo mô hình “High Risk High Retum”. Tầm nhìn đầu tư và kinh doanh lâu dài, có thể bị thiệt hại nặng, phá sản nhưng họ vẫn theo đuổi mục tiêu và giá trị cốt lõi đến cùng.
GS. Hà Tôn Vinh đưa ra 2 lời khuyên cho các doanh nghiệp Việt muốn đầu tư vào Mỹ.
Một là, phải biết mình, biết người. Biết mình là năng lực và tài sản, tầm nhìn dài hạn, đam mê kinh doanh, khả năng thích ứng với khó khăn, sản phẩm khác biệt. Biết người để quyết định đầu tư bao nhiêu, lợi nhuận thế nào, loại hình dự án, địa điểm, vùng miền, kích cỡ dự án, thời gian hoàn vốn, hợp đồng chặt chẽ, biết sử dụng tư vấn chuyên môn.
Hai là, cần sử dụng tư vấn chuyên môn khi làm ăn với Mỹ: Doanh nghiệp Việt Nam thường muốn tiết kiệm chi phí, tự làm lấy, cứ nghĩ có gì trục trặc tự chạy chọt được. Nên tìm một công ty tư vấn để giúp những gì mình cần, để làm đúng ngay từ đầu, không gặp rủi ro về sau.
“Tôi ở Washington 50 năm, làm việc với luật sư rất nhiều. Ban đầu họ không lấy tiền tư vấn mà lo phục vụ mình, sau đó mới tính tiền. Để làm sao mình đầu tư đúng luật, kinh doanh đúng luật, đóng thuế tốt nhất, cho nên các bạn phải nên dùng tư vấn”, ông Vinh khẳng định.
Cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới đã mang tới nhiều cơ hội cho các startup sáng tạo tại “thiên đường” của công nghệ.
Ông Lê Phụng Hào, Phó chủ tịch CLB CEO Chìa khóa thành công, Phó chủ tịch USIS Group và Investorr Club cho biết: “Việt Nam ngày càng đóng vai trò chủ động hơn trong hội nhập thế giới, minh chứng điển hình về Việt Nam đã chính thức ký kết 13 FTA, trong đó 12 FTA đã chính thức có hiệu lực và đang đàm phán 3 FTA.
Trong đó có những FTA nổi bật như FTA giữa Việt Nam và ASEAN; FTA giữa ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, FTA giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU chính thức ký kết ngày 30/6/2019 và một FTA mang dấu ấn đặc biệt của Việt Nam là CPTPP chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ 14/1/2019.
Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp Việt cần chủ động nắm bắt cơ hội để đầu tư kinh doanh toàn cầu, tập trung vào ba quốc gia hàng đầu thế giới là Mỹ, Úc, Canada. Làm thế nào để khai thác cơ hội, nâng tầm không chỉ là chuẩn mực kinh doanh, mà còn là cơ hội để nâng tầm chuẩn mực sống cho gia đình và chuẩn mực giáo dục cho con em của mình khi kinh doanh và đầu tư tại các quốc gia này.
Đã nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn cho nhiều nhà đầu tư qua Mỹ, ông Hào chia sẻ, môi trường kinh doanh tại Mỹ rất khác với Việt Nam: hệ thống luật pháp hoàn chỉnh, kinh tế thị trường đã phát triển hoàn thiện và môi trường cạnh tranh hoàn hảo, muốn kinh doanh cần nghiên cứu kỹ thị trường, luật pháp để làm đúng ngay từ đầu. Để tránh rủi ro sai làm lại sửa sai thì nên tìm hiểu kỹ và tốt nhất là nên sử dụng ý kiến chuyên gia tư vấn, nhất là với các doanh nhân mới tiếp cận thị trường Mỹ.
Ngành nghề hiện đang kinh doanh và có lợi thế cạnh tranh tại Việt Nam, chưa hẳn là có lợi thế tại Mỹ, do đó, trước tiên phải tìm hiểu xu hướng thị trường tại Mỹ và những lợi thế, cơ hội khi đầu tư làm ăn tại Mỹ.
Ví dụ, có doanh nghiệp rất thành công tại Việt Nam trong sản xuất và kinh doanh ngành nông nghiệp hữu cơ, khi đầu tư kinh doanh tại Mỹ, chủ yếu tập trung vào thương mại và phân phối, đặc biệt là đưa hàng vào hệ thống Amazon để tiêu thụ, và dùng công ty tại Mỹ để đăng ký bảo hộ thương hiệu, bằng phát minh sáng chế, vì nếu công ty tại Mỹ khi đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp sẽ hiệu quả hơn khi có tranh chấp không chỉ tại Mỹ mà trên toàn cầu.
Một số doanh nghiệp khi đầu tư vào Mỹ, sẽ chú trọng khai thác các lợi thế về chuỗi cung ứng toàn cầu mà một doanh nghiệp tại Mỹ mới tận dụng được, cụ thể là khai thác các ưu thế về công nghệ để chuyển giao trong ngành kinh doanh của mình: đội ngũ chuyên gia, kết quả nghiên cứu và ứng dụng… hoặc tìm kiếm các nguồn vật tư đầu vào mà chỉ tại Mỹ mới có, hoặc làm các nhiệm vụ chăm sóc khách hàng, bảo trì sản phẩm mà trước đây thường giao lại cho bên thứ 3 với chi phí rất cao.
Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh đúng với ngành của mình, nếu ngành đó đang là xu hướng và có nhu cầu cao tại Mỹ.
GDP 2019 của kinh tế Mỹ dự kiến là 21.439 tỷ USD, trong đó nông nghiệp chiếm chưa gần 1%, công nghiệp khoảng 19%, và trên 80% là từ dịch vụ (y tế, giáo dục, thương mại, bán lẻ, luật, tư vấn, tài chính, đầu tư, bảo hiểm…).
Nhiều nhà đầu tư Việt Nam thời gian đầu qua Mỹ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bắt đầu bằng mua nhà cho thuê lại vì đây là kênh đầu tư để bảo toàn vốn khá tốt và an toàn, nhưng để có lợi nhuận từ việc cho thuê và tránh rủi ro từ người thuê, người đó phải có tham gia các khóa học về kinh doanh bất động sản và nên quản lý trực tiếp, biết xử lý việc bảo trì, bảo dưỡng nhà trong quá trình cho thuê hiệu quả (vì chi phí sữa chữa cao), đánh giá khả năng thanh toán của người thuê nhà (để không rủi ro vì tại Mỹ khi họ không thanh toán mình không tùy tiện đẩy họ ra khỏi nhà được).
"Tôi có anh bạn ở Houston, khi qua Mỹ mua gần 10 căn nhà cho thuê và anh cùng vợ con phải tự quản lý được mọi dịch vụ liên quan nhằm kiểm soát chi phí một cách hiệu quả nhất. Sau một thời gian, anh ấy am hiểu thị trường bất động sản rồi chuyển qua đầu tư mua đất, xây nhà để bán. Nhiều nhà đầu tư Việt Nam khác đã thành công nếu chịu khó học các khoá học kinh doanh bất động sản, sử dụng tư vấn đánh giá kỹ lưỡng thị trường trước khi đầu tư", ông Hào chia sẻ.
Với Mỹ, thuế bất động sản sẽ tuỳ theo tiểu bang, giá nhà biến động thì tiểu bang sẽ cập nhật cho mình mỗi năm trước khi đến kỳ đóng thuế. Nếu dịch vụ công nơi nào tốt hơn, thì phải đóng thêm thuế, việc này rất rõ ràng. Ví dụ, nếu ở trong khu có trường trung học tốt (con em được quyền theo học nếu muốn), thì khi đóng thuế cũng sẽ cao hơn, dù con em có học trường đó hay không.
Việc đầu tư bất động sản lâu dài ở Mỹ và việc trở thành thường trú nhân không liên quan với nhau. Việc đầu tư bất động sản là mua tài sản, còn việc có cơ hội trở thành thường trú nhân thì bạn phải đầu tư vào công ty Mỹ và tạo ra việc làm tại Mỹ. Do đó, nếu mua bất động sản thương mại và kinh doanh tạo ra việc làm thì có cơ hội trở thành thường trú nhân.
Theo quy định của Chính phủ Mỹ về chương trình EB5 thì từ sau 21/11/2019, nếu đầu tư trong vùng TEA (ưu tiên việc làm) thì mức đầu tư tối thiểu là 900 ngàn USD và tạo ra 10 việc làm, hoặc 1,8 triệu USD (ngoài vùng TEA) thì đủ điều kiện để làm hồ sơ xin trở thành thường trú nhân.
Có một cách khác để qua Mỹ làm việc nhanh chóng hơn (từ 6-12 tháng) và có thể đem theo gia đình qua Mỹ sinh sống là đầu tư bằng cách thành lập công ty mới hoặc mua lại một công ty tại Mỹ đang hoạt động (trên 50%), trường hợp này người điều hành cấp cao được cử qua Mỹ làm việc thời gian visa kéo dài tối đa 7 năm (Visa L1A) và người có tay nghề, kỹ năng làm việc tối đa 5 năm (Visa L1B).
Với nhân sự điều hành cấp cao (Visa L1A) sau thời gian làm việc 1 năm và công ty đang điều hành mở rộng quy mô, có thể làm thủ tục xin thẻ xanh theo diện EB1C. Hiện nay, đây là con đường có thể qua Mỹ làm việc nhanh chóng kèm theo gia đình, con cái (dưới 18 tuổi) được hưởng các quyền lợi về học tập miễn phí tại trường công lập.
Thành lập công ty ở Mỹ không giới hạn vốn đầu tư tối thiểu là bao nhiêu, tuy nhiên phải hợp lý tùy theo nhu cầu hoạt động, mục đích kinh doanh. Để làm hồ sơ L1 thì vốn đầu tư phải bảo đảm hoạt động công ty tại Mỹ theo kế hoạch kinh doanh đã đề ra từ 3-5 năm. Theo kinh nghiệm đã làm thành công cho khách hàng làm Visa L1A thì mở công ty ở Mỹ phải đăng ký ít nhất từ 300 ngàn USD trở lên, kèm theo kế hoạch kinh doanh, kế hoạch dòng tiền, chi phí hoạt động với số vốn hợp lý trong vòng từ 3-5 năm.
'Binh pháp Tôn Tử' trong đàm phán Mỹ - Trung
Sức hấp dẫn của giải bóng đá học sinh THPT Hà Nội - Báo An ninh Thủ đô năm 2024 Cúp Number 1 Active
Giải bóng đá học sinh THPT Hà Nội - An ninh Thủ đô lần thứ 23 năm 2024 Cup Number 1 Active đã chính thức khởi động. Mùa giải năm nay đánh dấu số lượng đội tuyển tham gia thi đấu kỷ lục, khẳng định sức hút của sân chơi thể thao dành riêng của thế hệ học trò thủ đô.
Kinh tế Mỹ tốt hơn dưới thời Đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa?
Khám phá từ góc độ thống kê về hiệu suất kinh tế Mỹ dưới các đời tổng thống Dân chủ và Cộng hòa. Phân tích từ Trung tâm Belfer, Harvard Kennedy School.
Cần tìm cách chống lãng phí hiệu quả như chống tham nhũng
Đại biểu Quốc hội cho rằng, chế tài để chống lãng phí đã ban hành nhưng tính răn đe chưa cao, do đó cần tìm cách hiệu quả như chống tham nhũng.
Để doanh nghiệp không chìm trong làn sóng công nghệ tiếp thị
Hàng loạt công nghệ tiếp thị mới ra đời nhờ sự phát triển của các nền tảng công nghệ, mang đến cho doanh nghiệp nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng, nâng cao doanh thu.
[Infographic] Kinh tế TP. HCM 10 tháng với điểm nghẽn đầu tư công
Kinh tế TP. HCM 10 tháng qua khởi sắc với sản xuất công nghiệp hồi phục, bán lẻ tăng 10%, xuất nhập khẩu tăng 11%, nhưng tỷ lệ giải ngân đầu tư công chỉ đạt 21,8%.
Việt Nam nhận 5 triệu USD phát triển đô thị bền vững
Phát triển đô thị bền vững sẽ có thêm nguồn lực hỗ trợ, đồng thời, giúp Việt Nam quản lý các rủi ro và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
CEO MoMo: Chúng tôi tin vào sức mạnh của những điều nhỏ bé
Từng có thời điểm, MoMo giống như "chiếc lá cuối cùng" trong câu chuyện của O. Henry, chỉ có thể được thắp sáng bằng niềm tin mãnh liệt.