Dấu mốc mới trong thương mại Việt Nam – châu Mỹ

Phương Anh - 11:41, 27/01/2023

TheLEADERLần đầu tiên, thặng dư thương mại giữa Việt Nam và thị trường khu vực châu Mỹ cán mốc hơn 100 tỷ USD trong năm 2022.

Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cho biết kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các thị trường khu vực châu Mỹ trong năm 2022 ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực, khi đạt gần 154 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 128 tỷ USD, tăng 12,4%; nhập khẩu đạt 25,7 tỷ USD, tăng 3%.

Trao đổi thương mại với tất cả thị trường lớn tại khu vực đều ghi nhận tăng trưởng ở mức ổn định như Mỹ (11%), Brazil (6,6%), Canada (16,5%), Mexico (7,1%), Chile (9%), Argentina (8,3%)…

Đối với thị trường Mỹ, tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương đạt gần 124 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 109 tỷ USD (tăng 13,6% so với 2021).

Đối với khu vực thị trường các nước thành viên CPTPP, nhờ hiệu ứng tích cực của các hiệp định thương mại tự do, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và nhóm bốn nước Canada, Mexico, Chile, Peru năm ngoái cũng tăng trưởng tích cực ở mức hai chữ số.

Một khu vực thị trường quan trọng khác là khối MERCOSUR (gồm các nước Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay) cũng ghi nhận kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2022 tăng trưởng 9,2% so với cùng kỳ, đạt hơn 12 tỷ USD. 

Đối với các thị trường khác trong khu vực, kim ngạch thương mại song phương cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt, như khu vực Trung Mỹ tăng 29,2%, các nước Cộng đồng Andean tăng 12,9%. 

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp về kế hoạch công tác năm 2023 của Vụ, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh năm 2023 sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức, như bối cảnh xung đột địa chính trị, thương mại vẫn tiếp tục căng thẳng, lạm phát toàn cầu, rủi ro khả năng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, cùng với cạnh tranh gay gắt trên thị trường.

Thứ trưởng yêu cầu cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thực thi các Hiệp định thương mại tự do, và các khung khổ hợp tác kinh tế - thương mại với các nước trong khu vực, cũng như nghiên cứu, tham mưu đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới.

Ngoài ra, công tác hỗ trợ doanh nghiệp cần được đẩy mạnh để khai thác tốt thị trường thông qua đa dạng hóa hoạt động phục vụ doanh nghiệp.

Không chỉ vậy, cần tiếp tục tập trung kết nối, duy trì nguồn cung về nguyên liệu phục vụ cho các ngành sản xuất trong nước và kết nối đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lõi.

Cùng với đó, nghiên cứu thêm các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong nỗ lực đầu tư, phát triển ra thị trường nước ngoài để từ đó có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường các nước trong khu vực Âu - Mỹ, nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.