Leader talk
Để du lịch Huế không còn đi trước về sau
Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương phát triển du lịch sớm nhất cả nước nhưng vị thế dần bị xói mòn.
Kể từ năm 1993 khi Huế được công nhận là di sản văn hoá thế giới, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã nổi lên như một điểm đến không thể thiếu trong hành trình du lịch Việt Nam của du khách trong và ngoài nước.
Ngành du lịch đã nhanh chóng trở thành ngành kinh tế chính, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của địa phương, sau đó nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong các nghị quyết của chính quyền trong thời gian qua. Ngành du lịch tiếp tục được xác lập vai trò lớn trong mục tiêu chiến lược phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 như Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Phải thừa nhận rằng, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương phát triển du lịch sớm nhất trong khu vực miền Trung và cả nước. Tuy nhiên, sau gần 30 năm nhìn lại, vị thế ngành du lịch Thừa Thiên Huế so với các tỉnh, thành du lịch lân cận còn khá khiêm tốn, chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế của mình, như được khẳng định một lần nữa trong buổi gặp gỡ các doanh nghiệp du lịch với ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trong tuần chuyển đổi số tại Huế vào tháng 4/2020 vừa qua.
Những yếu tố nào đã làm xói mòn vị thế của du lịch cần được mổ xẻ để tăng cường năng lực cạnh tranh, đưa Thừa Thiên Huế trở thành điểm sáng trong thời gian tới và giành lại vị trí như ban đầu, như kỳ vọng của chính quyền bằng "Giấc Mơ Huế".
Bài viết sử dụng khung phân tích Năng lực cạnh tranh của Micheal E. Porter (2008) và điều chỉnh của TS. Vũ Thành Tự Anh (2011) để phù hợp cho địa phương tại Việt Nam, bằng việc phát triển cụm ngành du lịch để làm động lực phát triển ngành du lịch nói riêng và các ngành bổ trợ khác, nhằm mục đích thúc đẩy kinh tế phát triển bao trùm, tạo ra diện mạo kinh tế Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện trong thời gian tới.
Theo Michael E.Poter, cụm ngành là một nhóm các công ty liên quan và các thể chế hỗ trợ trong một lĩnh vực cụ thể, quy tụ trong một khu vực địa lý, được kết nối bởi những sự tương đồng và tương hỗ.
Khung phân tích Năng lực cạnh tranh của Micheal E. Porter được đánh giá trên ba lớp. Lớp thứ nhất là tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý và quy mô địa phương. Lớp thứ hai là các yếu tố vĩ mô bao gồm hạ tầng văn hóa – xã hội, hạ tầng kỹ thuật và chính sách tài khóa, đầu tư, tín dụng, cơ cấu. Lớp thứ ba là yếu tố vi mô bao gồm sự tinh thông của doanh nghiệp, sự năng động của cụm ngành và chất lượng môi trường kinh doanh.
Môi trường kinh doanh được đo bằng các chỉ số như PCI, PAPI, PAR Index (chỉ số cải cách hành chính), SIPAS ( chỉ số hài lòng về dịch vụ hành chính công).
Vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và quy mô địa phương
Thừa Thiên Huế là vùng đất có lịch sử lâu đời. Chúa Nguyễn lấy Thừa Thiên Huế làm thủ phủ của Xứ Đàng Trong đã khẳng định vùng đất hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi từ tự nhiên, nơi giao thoa đất - trời như núi, sông, biển và lòng người, tạo ra sinh khí cho vùng đất mới.
Thiên nhiên ban tặng nhiều tài nguyên cho vùng đất này, bao gồm suối nước nóng Thanh Tân, núi Ngự Bình, sông Nước, biển Thuận An, Lăng Cô, Cảnh Dương, Phá Tam Giang, Đầm Hai, Vườn quốc gia Bạch Mã. Thêm vào đó, lịch sử văn hoá của 13 triều vua nhà Nguyễn, hình thành 143 năm (1802 - 1945), đã để lại một di sản văn hoá lịch sử đồ sộ, làm giàu thêm giá trị văn hoá của Thừa Thiên Huế.
Đến nay, Thừa Thiên Huế được UNESCO công nhận nhiều di sản vật thể và phi vật thể, đó là Quần thể cố đô Huế, Nhã nhạc âm nhạc cung đình Huế, Mộc Bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Thừa Thiên Huế còn nổi tiếng là kinh đô của Phật Giáo với hơn một nửa dân số theo đạo Phật (54,45% dân số, 2016), hơn 500 chùa, tịnh xá, tịnh thất….
Thừa Thiên Huế có quy mô dân số khoảng 1,1 triệu dân, tuy nhiên tỉnh có tỷ lệ xuất cư 6,1% năm 2018, cao hơn so với các tỉnh thành tại miền Trung; chứng tỏ số dân trưởng thành đi tìm việc tại địa phương khác nhiều, trong khi chính sách thu hút lao động từ nơi khác và thu hút nhân tài còn rất yếu.
Thừa Thiên Huế có GRDP năm 2020 theo giá hiện hành đạt 54.798 tỷ đồng, thấp hơn so với các địa phương khác, chỉ bằng gần 1/2 doanh thu Tập đoàn Vingroup và gần bằng 3/4 doanh thu Tập đoàn Mansan. Có thể thấy, quy mô nền kinh tế còn quá khiêm tốn, trong dư địa còn lớn, nhưng chưa tạo được sức bật cho nền kinh tế.
Năng lực cạnh tranh cấp vĩ mô
Người Huế luôn tự hào về tính hiếu học và cái nôi của các trường đại học y dược, sư phạm, tổng hợp. Hiện nay, Đại học Huế có 8 đại học thành viên, một phân viện tại Quảng Trị, đại học có số lượng tri thức có học hàm, học vị đứng thứ ba toàn quốc. Bên cạnh đó còn có Học viện Âm nhạc và Đại học Phú Xuân.
Mặc dầu, Đại học Huế có số lượng sinh viên đông nhất, mở rộng đào tạo chuyên sâu, trong 2 năm (2019 - 2020) tuyển sinh sau đại học tăng 10% hằng năm, nhưng số lượng sinh viên tuyển sinh đại học giảm 3,49% so với năm 2018, thu hút sinh viên nước ngoài còn rất hạn chế.
Hiện tại, Đại học Huế còn được trợ cấp của ngân sách nhà nước (26%), nếu trong tương lai áp dụng cơ chế tự chủ tài chính thì liệu các tình trạng này có được duy trì tốt không?
Ngành giáo dục Thừa Thiên Huế phải chuyển dịch cơ cấu định hướng đào tạo du lịch và dịch vụ, để làm sao trong giai đoạn mục tiêu đến phải trở thành cái nôi của đào tạo nghề du lịch, đào tạo CEO du lịch khu vực Đông Nam Á, là trung tâm của thế giới khởi nghiệp sáng tạo cho thế hệ doanh nhân trẻ Việt Nam.
Ngành y tế cũng là một thế mạnh truyền thống của Thừa Thiên Huế, với chỉ số chăm sóc sức khoẻ dẫn đầu cả nước với tỷ lệ 13,3 bác sỹ/1 vạn dân. Tỉnh có 189 cơ sở y tế với 7.806 giường bệnh. Mặc dầu đáp ứng tốt nhu cầu chữa bệnh của người dân nhưng chưa biến những thế mạnh của mình trở thành ngành kinh tế kết hợp với dịch vụ du lịch, như du lịch chữa bệnh tầm soát ung thư, du lịch chữa bệnh hiểm nghèo, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khoẻ người già.
Mặc dù Thừa Thiên Huế có điều kiện thuận lợi nằm trên trục đường Hành lang kinh tế Đông Tây, sân bay quốc tế Phú Bài có kết nối trực tiếp đến các nước Đông Nam Á trong vòng 1 - 2 giờ bay, nhưng chưa mạnh mẽ đặt mục tiêu thu hút các bệnh nhân từ các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Chính sách thu hút các bệnh viện thương hiệu quốc tế và y tế tư nhân cũng rất hạn chế. Các bệnh viện y tế tư nhân mạnh nhất tại Việt Nam như Hoàn Mỹ, Vinmec chưa đầu tư tại Huế cũng là một minh chứng thực tiễn cho chính sách thu hút đầu tư y tế. Các dịch vụ bảo hiểm cao cấp cho du khách nước ngoài nếu xảy ra tai nạn tại địa phương cũng được chuyển đi các thành phố lớn hoặc các quốc gia khác.
Dịch vụ bưu chính viễn thông và ngân hàng khá tốt. Ngày bưu chính đã lắp đặt 100% xã, phường có hệ thống băng thông rộng, 90% địa bàn phủ sóng di động 4G. Năm 2020 các doanh nghiệp đang phủ sóng mạng 5G. Thuê bao điện thoại đạt 84 máy/100 dân, internet đạt 51 thuê bao/100 dân. Cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh để xây dựng xã hội số, chính quyền số, áp dụng chuyển đổi số cho khối doanh nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thừa Thiên Huế đang làm tốt mảng này.
Dịch vụ tài chính ngân hàng khá tương đồng với xu hướng phát triển của cả nước. Tăng trưởng tín dụng trung bình giai đoạn 2016 - 2020 bằng với tăng trưởng của quốc gia (15,2%). Hiện tại có 6 chi nhánh ngân hàng nhà nước, 18 chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần, một ngân hàng chính sách xã hội, một ngân hàng phát triển khu vực Thừa Thiên Huế - Quảng Trị.
Dịch vụ tài chính ngân hàng cơ bản đảm bảo dòng tiền lưu thông trong và ngoài nước. Chưa nhận thấy xuất hiện một ngân hàng quốc tế nào tại địa phương, dòng tiền ra và vào chủ yếu qua kênh ngân hàng trong nước, chưa đủ mạnh để một ngân hàng quốc tế nào quan tâm.
Về dịch vụ vận tải, Thừa Thiên Huế nằm trục quốc lộ Bắc Nam, rất thuận lợi cho đường bộ, đường sắt quốc gia. Đường biển có cảng Lăng Cô và đường không có sân bay Phú Bài. Tuy nhiên, các tuyến đường này dường như chưa xúc tiến mạnh để góp phần hỗ trợ cho du lịch tại địa phương. Như sân bay quốc tế Phú Bài đường bay nội địa cũng rất ít, nhiều năm liền không thu hút được chuyến bay quốc tế, trong khi sân bay Đà Nẵng luôn quá tải trước thời điểm dịch Covid-19.
Sân bay Phú Bài sau nhiều năm khai thác công suất 1,5 triệu lượt khách/năm, đã được nâng lên 5 triệu lượt khách/năm vào năm 2021. Gần đây, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch nâng lên 9 triệu lượt khách/năm vào năm 2030. Vietravel Airlines cũng chọn sân bay Phú Bài làm đại bản doanh tại Huế, đây là cơ hội tốt tăng chuyến bay đến/đi từ Huế.
Hiện tại, có bốn hãng hàng không nội địa khai thác tại sân bay, chỉ khai thác bốn tuyến nội địa từ Hà Nội, TP. HCM, Đà Lạt, Phú Quốc, không có bất cứ chuyến bay quốc tế nào kể từ năm 2015 đến nay. Trong khi đó, sân bay Đà Nẵng vẫn nhộn nhịp khách và luôn trong tình trạng hết giờ đẹp trong những mùa cao điểm du lịch.
Cảng Chân Mây cũng là một lợi thế lớn để đón các tàu biển du lịch quốc tế, khách thu nhập cao từ các quốc gia châu Âu. Mặc dầu đón lượng tàu ít hơn Đà Nẵng, như số lượng khách quốc tế đi đường biển cập cảng Chân Mây tương đương với số lượng khách tàu biển vào Đà Nẵng vào năm 2018 và 2019. Trong năm 2020, nếu không bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì Chân Mây có thể đón nhiều lượng khách tàu biển hơn Đà Nẵng. Việc quan trọng của chính quyền địa phương là làm sao lượng khách tàu biển cập cảng Chân Mây phải đi du lịch tại Huế nhiều hơn, chứ không phải điểm dừng chân và sau đó khách đi du lịch Đà Nẵng và Hội An.
Dịch vụ lữ hành
Theo số liệu của Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, trên địa bàn có 78 đơn vị lữ hành trên toàn tỉnh trong đó có 35 đơn vị lữ hành quốc tế, 15 chi nhánh và đại diện công ty lữ hành lớn Việt Nam tại Huế, 23 doanh nghiệp lữ hành nội địa và 5 văn phòng đại lý du lịch tại Thừa Thiên Huế. Quy mô doanh nghiệp lữ hành còn rất nhỏ, đa số làm dịch vụ tại chỗ và cung cấp dịch vụ nối tour cho các công ty lữ hành hai đầu đất nước. Doanh nghiệp lữ hành chưa chủ động khai thác khách trực tiếp đến Huế.
Dịch vụ lưu trú
Thừa Thiên Huế đến năm 2020 có 667 cơ sở lưu trú, 11.508 phòng, trong đó có 62 khách sạn được xếp hạng, trong đó có 6 khách sạn 5 sao, 10 khách sạn 4 sao, 7 khách sạn 3 sao, còn lại khách sạn 1 - 2 sao. Tỉnh chưa thu hút được các tập đoàn khách sạn thương hiệu lớn thế giới như Accor, Hilton, Hyatt, Sheraton, Marriott, Six Senses.
Giá phòng lưu trú tại các khách sạn 5 sao hiện tại không phải là thực sự cao cấp (giá tương đương 100 - 300 USD/phòng/đêm). Việc này cần đặt câu hỏi, du lịch Thừa Thiên Huế chưa thực sự hấp dẫn để thu hút các tên tuổi khách sạn lớn trên thế giới hay chính quyền Thừa Thiên Huế không có cơ chế chính sách thu hút các thương hiệu này vào đầu tư và khai thác? Trong tương lai cần nghiên cứu chính sách thu hút dòng nhà đầu tư dịch vụ cao cấp có giá phòng lưu trú từ 500 – 1000 USD/đêm.
Dịch vụ ăn uống
Theo khảo sát trên mạng Tripadvisor, mạng xã hội thu hút đông đảo nhất nhà cung cấp dịch vụ du lịch trên thế giới. Bên cạnh hệ thống nhà hàng trong khách sạn thì bên ngoài còn có 390 nhà hàng tại thành phố Huế, với nhiều loại thức ăn phong phú như Việt Nam, hải sản, món Nhật, BBQ, pizza, món châu Âu, Trung Quốc, Sushi Nhật Bản, Pháp và 35 quán café, nhiều loại món ăn phong phú cho từng quốc tịch khách.
Hình như chính quyền chưa có định hướng và công bố các nghiên cứu về thị trường khách đến để cho các doanh nghiệp kinh doanh ăn uống phát triển hệ thống nhà hàng phù hợp với số lượng quốc tịch khách tại địa phương. Ví dụ, lượng khách Hàn Quốc đến Huế tăng trưởng cao nhiều năm liền nhưng chưa thấy nhà hàng nào bán món ăn Hàn Quốc, hệ thống spa, mát-xa cũng là dịch vụ khách Hàn Quốc ưu chuộng sau mỗi chuyến đi. Cũng chưa thấy nhà hàng Halal/Muslim cho thị trường khách Malaysia, Ấn Độ hoặc Trung Đông trong khi lượng khách này bắt đầu rục rịch đến miền Trung trước dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, các món ăn cung đình cũng được các nhà hàng, khách sạn khai thác tuy nhiên giá bán còn rẻ, chất lượng tổ chức chưa cao, dịch vụ chưa đúng với đẳng cấp của vua chúa triều Nguyễn.
Nhìn chung, dịch vụ ăn uống tại Thừa Thiên Huế chỉ đang ở mức trung bình. Dù các nhà hàng và món ăn đa dạng nhưng lại đang tập trung ở phân khúc thấp và trung bình, thiếu hụt phân khúc cao cấp tương tự như dịch vụ lưu trú.
Hiệp hội du lịch Thừa Thiên Huế
Hiệp hội Du Lịch Thừa Thiên Huế thành lập vào ngày 08/01/2016 theo Quyết định 21 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, dưới sự hợp nhất của Hiệp hội Du lịch và Hiệp Hội Khách sạn. Mặc dù là tổ chức đóng vai trò điều phối hoạt động, làm cầu nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp du lịch, nhưng vai trò của hiệp hội là khá mờ nhạt.
Hiệp hội chưa kiểm soát được tình trạng cạnh tranh bằng cách phá giá, bất chấp chất lượng dịch vụ của một số cơ sở lưu trú và lữ hành, chưa làm tốt vai trò kiến tạo sản phẩm mới, hạn chế xúc tiến quảng bá du lịch tại địa phương.
Ngành nông nghiệp nuôi trồng đánh bắt thuỷ sản
Thừa Thiên Huế có diện tích tự nhiên khá thuận lợi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng thuỷ sản chất lượng cao. Tỉnh đã có 55.000ha đất trồng lúa, 6.500ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản, diện tích đất có rừng 298 nghìn ha. Tỉnh nên đặt hàng cho Trường đại học Nông Lâm nghiên cứu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, phục vụ cho đời sống người dân địa phương, xuất khẩu và phục vụ dịch vụ du lịch.
Các tổ chức quốc tế
Thừa Thiên Huế được sự ưu ái kể cả về tài chính và chuyên môn hỗ trợ xây dựng di sản văn hoá vật thể và phi vật thể từ các tổ chức quốc tế như UNESSCO, JICA, UNDP, các Đại sứ quán các nước Mỹ, Pháp, Ý, Nhật, Hàn Quốc. Các tổ chức quốc tế đóng vài trò khá quan trọng trong việc tư vấn bảo tồn trùng tu các di tích, danh lam thắng cảnh tại Huế, các giá trị di sản phi vật thể như nhã nhạc cung đình. Các tổ chức quốc tế, các đoàn biểu diễn nghệ thuật nhiều quốc gia đều tham gia lễ hội Festival hằng năm tại Huế, góp phần đa dạng sự kiện văn hoá tại TP. Huế kể từ 1995 đến nay.
Môi trường đầu tư
Trong bảng xếp hạng PCI tỉnh Thừa Thiên Huế tăng ba bậc, đứng hạng 17 trong năm 2020 và nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có chỉ số PAPI hiệu quả. Tuy liên tục được cải thiện trong những năm qua và không bị ảnh hưởng đáng kể do tình hình Covid-19 (điểm PCI năm 2020: 65,03, năm 2019: 66,50; năm 2016: 59,68), nhưng Thừa Thiên Huế vẫn chỉ được đánh giá là khá và đứng sau hai tỉnh lân cận có tính liên kết và cạnh tranh cao với cụm ngành du lịch Thừa Thiên Huế là Đà Nẵng và Quảng Nam.
Trong số 10 chỉ tiêu cấu thành năng lực cạnh tranh cấp tỉnh phản ảnh trong chỉ số PCI, tỉnh Thừa Thiên Huế có 6 chỉ tiêu giảm điểm so với 2019 và 4 chỉ số còn lại là “chi phí thời gian”, “chi phí không chính thức”, “cạnh tranh bình đẳng”, và “thiết chế pháp lý” có sự cải tiến, tuy vẫn chưa cân xứng với nỗ lực nâng cao hiệu quả của các sở, ban ngành của tỉnh trong những năm qua.
Điều kiện gia nhập thị trường, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động/sáng tạo của bộ máy công quyền là những yếu tố quan trọng trong chỉ số PCI mà chúng nghiên cứu đánh giá có ảnh hưởng lớn đến việc cấu thành năng lực cạnh tranh của tỉnh Thừa Thiên Huế, do đó tập trung phân tích trong phần này nhằm nhận diện bối cảnh cạnh tranh có phải là lực cản hay góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Điều kiện gia nhập thị trường
So với 4 năm trước, chỉ tiêu này đang giảm (2020: 7,09 so với 2019: 7,11 và 2016: 8,63). Tuy có độ giảm do ảnh hưởng của đại dịch, chỉ tiêu này luôn được đánh giá cao trong những năm gần đây so với Quảng Nam và Đà Nẵng, chủ yếu là nhờ sự cải thiện đáng kể chi phí giao dịch liên quan đến cơ hội đầu tư và các thủ tục đăng ký doanh nghiệp thông qua bộ phận/cơ chế một cửa được triển khai hiệu quả.
Tuy nhiên tư duy cục bộ địa phương, cơ hội kinh doanh dựa trên những quan hệ mật thiết với các quan chức, nhiều khu đất vàng bị thanh tra gần đây tại địa phương vẫn được xem là cản trở lớn khi tham gia thị trường trong cụm ngành du lịch.
Cạnh tranh bình đẳng
Chỉ số con “cạnh tranh bình đẳng” trong PCI tăng đáng kể so với những năm trước đây và cho thấy các doanh nghiệp tại địa phương đánh giá rằng chính quyền không còn quá ưu ái đối với các doanh nghiệp FDI và công ty nhà nước như những năm trước đây.
Trong ngành du lịch khách sạn cũng như các cụm ngành khác, nguồn lực kinh tế (đất đai, cơ hội ưu đãi đầu tư...) chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp lớn có liên kết chặt chẽ với chính quyền tỉnh. Phần đông các doanh nghiệp du lịch địa phương là các doanh nghiệp vốn nhà nước với vốn và năng lực cạnh tranh rất hạn chế nên gặp nhiều trở ngại khi chính quyền ưu đãi đối với các công ty lớn.
Hầu hết doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Thừa Thiên Huế có quy mô nhỏ, cung cấp những sản phẩm và dịch vụ du lịch không có sự khác biệt nhiều và thường là các công ty quản lý điểm đến cung cấp dich vụ cho các công ty ở Hà Nội, TP. HCM hay nước ngoài nên thiếu khả năng tự khai thác nguồn khách và cạnh trạnh chủ yếu về giá.
Tính năng động
Các doanh nghiệp địa phương cũng như ngoài tỉnh đánh giá khá thấp tính năng động của chính quyền địa phương. Tuy đã có những cải tiến đáng kể trong những năm qua, bệnh quan liêu vẫn được xem là một nút thắt lớn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của tỉnh. So với tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng, bộ máy công quyền Thừa Thiên Huế vẫn được xem là kém hiệu quả và thiếu sáng tạo trong việc giải quyết công việc và thực thi chính sách. Các doanh nghiệp còn mất khá nhiều thời gian với thủ tục giấy tờ, đối phó với các cơ quan ban ngành.
Dù tăng 12 bậc so với 2019, kết quả khảo sát chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) được UBND Thừa Thiên Huế công bố ngày 19/1/2021 cho thấy khả năng điều hành và hỗ trợ doanh nghiệp của các sở, ban, ngành, địa phương chưa được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Dưới tác động của dịch Covid-19 và hậu quả của thiên tai bão lũ mà tỉnh Thừa Thiên Huế phải đối đầu, công tác hỗ trợ doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, nên phần nào giải thích sự chưa hài lòng của các doanh nghiêp. Nhìn chung, bộ máy công quyền của Thừa Thiên Huế vẫn bị đánh giá là thiếu năng động, bảo thủ, co cụm và do đó được xem là lực cản của năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Sơ đồ cụm ngành
Sau khi phân tích từng lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Thừa Thiên Huế, nền tảng phát triển năng lực cạnh tranh địa phương. Chúng tôi đã đánh dấu lĩnh vực thiếu cạnh tranh, trung bình và cạnh tranh cao để xác định rõ hơn bức tranh năng lực cạnh tranh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua. Dựa trên bản đồ này đề xuất các khuyến nghị chính sách trong thời gian đến.
Khuyến nghị chính sách
Mặc dầu, dữ liệu phân tích chưa đầy đủ, dựa trên các cơ sở phân tích của từng lát cắt bên trên, áp dụng khung phân tích của Micheal E.Porter, chúng tôi mạnh dạn đưa ra các khuyến nghị chính sách cho cụm ngành du lịch Thừa Thiên Huế, vừa tạo lực kéo các ngành kinh tế chưa phát triển, vừa tạo động lực đẩy cho các ngành đang có thế mạnh, để tạo ra phát triển kinh tế xã hội bao trùm, góp phần phát triển bền vững địa phương.
Một là, chính quyền Thừa Thiên Huế với vai trò chỉ đạo và thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội địa phương cần quan tâm đến cụm ngành du lịch. Nên bổ sung định nghĩa cụm ngành du lịch trong các văn bản chính sách phát triển kinh tế xã hội của địa phương, để tạo sự nhận thức sâu sắc và nhất quan từ các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện/thành phố, thôn/xã về cụm ngành du lịch.
Do nguồn lực có hạn nên cần ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển cụm ngành du lịch, nhanh chóng tạo điều kiện cho cụm ngành phát triển đồng bộ, tạo lực đẩy lớn, lôi kéo các ngành khác phát triển.
Sở Du lịch Thừa Thiên Huế là đơn vị tham mưu chính trong lĩnh vực du lịch cần tham gia sâu hơn vào thị trường. Chính quyền cần can thiệp mạnh mẽ vào thị trường bằng các chính sách pháp luật, quy hoạch cụm ngành, lộ trình thực thi, dự báo, cảnh báo, định hướng phát triển, dẫn dắt doanh nghiệp đầu tư đúng hướng, nhằm tránh thất bại của thị trường, gây ra tổn thất vô ích cho xã hội.
Hai là, nhanh chóng xây dựng chính sách thu hút lao động, phát triển và thu hút nhân tài làm việc tại địa phương hiệu quả và thiết thực. Khai thác thế mạnh của hai ngành y tế và giáo dục, tạo ngành kinh tế mới đóng góp tăng trưởng kinh tế cho địa phương, tạo cơ hội việc làm cho lao động.
Chính quyền cần thiết lập ngay liên kết cụm ngành du lịch bằng các lĩnh vực du lịch – y tế - giáo dục, nhằm xây dựng các sản phẩm dịch vụ có tính liên kết, tạo ra sản phẩm dịch vụ mới gắn kết tài nguyên du lịch tại địa phương. Mở rộng khách hàng mục tiêu là người nước ngoài sử dụng dịch vụ y tế, hay sinh viên nước ngoài đến du học và làm việc, người lao động từ địa phương khác đến làm việc và khởi nghiệp.
Ba là, nhanh chóng hoàn thiện, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, khai thông các tuyến bay trực tiếp trong nước và nước ngoài. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư và du lịch hiệu quả trong thời gian đến. Quy hoạch khu vực phát triển kinh tế đêm, đa dạng hoá dịch vụ cho từng nhóm khách quốc tịch khác nhau, tránh sự xung đột thị hiếu tiêu dùng giữa du khách khác nhau.
Chúng tôi quan sát rằng Thừa Thiên Huế sinh ra rất nhiều người nổi tiếng như thiền sư Thích Nhất Hạnh, cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, nhà triết học Thái Kim Lan, Hoàng Phủ Ngọc Tường… và nhiều người nổi tiếng khác, nhưng rất ít người làm kinh tế thành công tại Thừa Thiên Huế. Những người làm kinh tế giỏi có gốc Huế như doanh nhân Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình hay ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thacocũng chọn nơi khác lập nghiệp. Trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế cần cởi mở nghiên cứu chính sách thu hút đầu tư là người địa phương, hoặc người địa phương khác đến thông thoáng hơn, đúng nghĩa "lót ổ cho đại bàng".
Bốn là, quy hoạch phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch cao cấp, đẳng cấp thế giới nhằm thu hút các tập đoàn doanh nghiệp có thương hiệu đẳng cấp quốc tế đến đầu tư, thu hút khách hàng là giới tỷ phú, người nổi tiếng… tạo ra thị trường mới cho du lịch địa phương. Khai thác, xây dựng các sản phẩm du lịch cao cấp từ văn hoá cung đình, các món ăn, ẩm thực tiến vua, với quy mô tuỳ biến, tổ chức phù hợp cho các đoàn MICE lớn nhỏ hoặc riêng biệt cho người nổi tiếng. Khai thác không gian thiền, ẩm thực chay vào sản phẩm dịch vụ du lịch, kết hợp đa dạng các tài nguyên vật thể và phi vật thể tại địa phương, tạo ra các sản phẩm dịch vụ khác biệt.
Năm là, cần khuyếch trương rộng rãi các chủ trương phát triển chiến lược mới như định vị kinh đô ẩm thực, kinh đô áo dài, chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhận thức sâu sắc, nhằm tạo cơ hội khởi nghiệp, ra dư địa mới cho cơ hội đầu tư và phát triển nền tảng kinh tế mới trong tương lai.
(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Nguyễn Sơn Thuỷ - Học viên cao học chính sách công Fulbright Việt Nam.
Thế khó của du lịch Hội An
Giải bài toán chuyển đổi số ở Thừa Thiên Huế
Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng tỉnh Thừa Thiên Huế có thể tự xem mình là một quốc gia thu nhỏ để có những định hướng chuyển đổi số phù hợp, kịp thời từ cấp chính quyền cũng như triển khai các chương trình hỗ trợ cho đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bắc Ninh, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương
Việt Nam sẽ có thêm 3 tỉnh là thành phố trực thuộc Trung ương gồm Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa.
Khu nghỉ dưỡng tắm khoáng nóng kiểu Nhật ở Thừa Thiên Huế
Công ty Kawara đến từ Nhật Bản hôm nay đã ký hợp đồng quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng tắm khoáng nóng Kawara Mỹ An Onsen Resort với Công ty Cổ phần Du lịch Mỹ An.
Thừa Thiên Huế sẽ có casino tầm cỡ quốc tế với 200 bàn chia bài
Laguna Lăng Cô sẽ xây dựng thêm vài khách sạn hạng sang, chuỗi căn hộ và biệt thự nghỉ dưỡng cùng với casino.
Diễn giả quốc tế: VinFuture thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ toàn cầu
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank ưu đãi lãi suất 0% cho khách mua căn hộ Newtown Diamond
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Mù Cang Chải sẽ có thêm khu nghỉ dưỡng thương hiệu quốc tế
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.
SHB trong Top 10 có báo cáo thường niên tốt nhất ngành tài chính
SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.
Hà Nội thống nhất xây 3 cầu mới qua sông Hồng
Hà Nội đã họp bàn triển khai đầu tư xây dựng một số cầu lớn qua sông Hồng bằng nguồn vốn công.
Kiến tạo nền quản trị hiện đại: Nền móng vững chắc cho khát vọng vươn mình
Xây dựng một nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, linh hoạt chính là nền móng để hiện thực hóa khát vọng phát triển của Việt Nam.
Bamboo Capital thắng lớn tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024
Bamboo Capital được vinh danh là doanh nghiệp có báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tốt nhất tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024.