Đề xuất: Chuyển nhượng từ 1% cổ phần ngân hàng phải được NHNN chấp thuận

Minh An - 00:00, 19/07/2017

TheLEADERTrước đây, chỉ các giao dịch của cổ đông sáng lập và cổ đông lớn (sở hữu từ 5% cổ phần) mới cần được NHNN phê duyệt

Đề xuất: Chuyển nhượng từ 1% cổ phần ngân hàng phải được NHNN chấp thuận

Trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng trình Quốc Hội tại kỳ họp lần này, NHNN đề nghị bổ sung điều 29 về những thay đổi phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Theo đó, NHNN bổ sung trường hợp mua bán, chuyển nhượng cổ phần có giá trị từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trở lên phải được cơ quan này chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện.

Trường hợp này, bên mua, bên nhận chuyển nhượng phải kê khai cụ thể các nguồn vốn sử dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần và có văn bản cam kết không sử dụng nguồn vốn do tổ chức tín dụng cấp tín dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần.

Liên quan đến nguồn vốn trong các giao dịch này, dự Luật nêu rõ: Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho khách hàng để góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng (sửa đổi khoản 6 điều 126).

Tờ trình của Ngân hàng Nhà nước giải thích các quy định này nhằm minh bạch nguồn vốn góp của cổ đông, ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo, tăng vốn ảo.

Báo cáo tại Quốc Hội chiều 22/5, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, tình trạng sở hữu, sở hữu chéo, nhóm cổ đông, chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình trạng chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng chưa được xử lý triệt để.

Thực tiễn cho thấy rất khó phát hiện và kiểm soát đối với trường hợp cố tình sở hữu hộ hoặc sở hữu che giấu qua nhiều chủ thể.

Các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo mặc dù đã dần được xử lý nhưng một số tổ chức tín dụng vẫn đang có sở hữu cổ phần lẫn nhau hoặc sở hữu qua lại với doanh nghiệp.

Một số tổ chức tín dụng vẫn còn tình trạng cổ đông là tổ chức sở hữu trên 15% vốn điều lệ, cổ đông và người có liên quan sở hữu trên 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, trong đó tỷ lệ sở hữu lớn chủ yếu tại một số doanh nghiệp nhà nước chưa khắc phục xong.

Trước đó, Luật tổ chức tín dụng 2010 quy định: Chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên góp vốn; chuyển nhượng cổ phần của cổ đông lớn, chuyển nhượng cổ phần dẫn đến cổ đông lớn trở thành cổ đông thường và ngược lại phải được NHNN chấp thuận.

Cổ đông lớn theo Luật Chứng khoán năm 2006 quy định, là cổ đông sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành