Đề xuất thành lập hội đồng liên kết vùng miền Tây – TP.HCM

Phạm Sơn - 09:42, 13/03/2023

TheLEADERĐây là đề xuất của lãnh đạo tỉnh Long An, nhằm mục đích tạo sự đồng lòng của các địa phương cũng như của cộng đồng doanh nghiệp để liên kết phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM đạt hiệu quả cao.

Đề xuất thành lập hội đồng liên kết vùng miền Tây – TP.HCM
Lãnh đạo TP.HCM và các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long dự hội nghị. Ảnh: VTV

Tác động từ biến đổi khí hậu cùng hoạt động khai thác, sử dụng nước sông Mê Kông từ phía thượng nguồn là 2 trong số nhiều thách thức khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã, đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt, theo lời Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa.

Trước thách thức đó, miền Tây lại đang thiếu những nội lực cần thiết cho sự phát triển, với nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự hợp tác; cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hệ thống logistics chưa phát triển đồng bộ; các hình thức tổ chức sản xuất lạc hậu, chưa đem lại hiệu quả cao.

Nhận được nhiều sự quan tâm từ phía Trung ương, với phương hướng phát triển mới thích ứng với biến đổi khí hậu được đưa ra tại Nghị quyết 120 hay Quy hoạch tổng thể vùng hay hơn 50 nghìn tỷ đồng đầu tư công trung hạn để phát triển cơ sở hạ tầng nhưng những dự án đầu tư vẫn còn chậm được triển khai, chậm đưa vào khai thác, khiến vùng thiếu đi động lực tăng trưởng.

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sở hữu không ít lợi thế về phát triển kinh tế khi chiếm 12% diện tích, 19% dân số và 32% GDP toàn ngành nông nghiệp của đất nước, đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu nông sản và duy trì an ninh lương thực.

Liên kết phát triển là chìa khóa để hóa giải thách thức và phát huy lợi thế, không chỉ là liên kết nội vùng mà còn với các địa phương khác, đặc biệt là TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Trường Chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright, trong khoảng 10 năm tới, kết nối chính của Đồng bằng sông Cửu Long ra cả nước và thế giới vẫn sẽ phải đi qua TP.HCM và Đông Nam Bộ.

Phát biểu khai mạc hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, thời gian qua, kết quả của mối hợp tác, liên kết giữa TP.HCM và miền Tây đã đạt nhiều kết quả tích cực, trên nhiều mảng như xúc tiến thương mại, đầu tư, nông nghiệp công nghệ cao, văn hóa, an sinh xã hội…

Trong đó, nhiều nguồn lực đầu tư từ TP.HCM đã khai thác được nhiều tiềm năng, thế mạnh của vùng, đặc biệt ở các lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Ở chiều ngược lại, hàng hóa từ miền Tây được tiêu thụ ổn định tại thị trường TP.HCM.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, sự hợp tác giữa thành phố và vùng trong thời gian qua vẫn chưa được quan tâm đúng mức và thường xuyên theo dõi, giải quyết các vấn đề phát sinh, dẫn đến một số vấn đề phát sinh khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ.

Trong bối cảnh mới, kinh tế xanh, bền vững được xác định là kim chỉ nam cho tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương. Liên kết vùng chặt chẽ sẽ là bệ đỡ quan trọng để triển khai giải pháp, phát huy tiềm năng, hóa giải nguy cơ. Trên tinh thần “muốn đi xa phải đi cùng nhau”, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út đề xuất thành lập hội đồng liên kết vùng giữa Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM.

Theo ông Út, đây là điều cần thiết để các địa phương liên kết một cách hiệu quả, chặt chẽ, tạo ra sự đồng lòng giữa các địa phương cũng như trong cộng đồng doanh nghiệp.

Đồng quan điểm về tầm quan trọng của liên kết với Đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị phân cấp cụ thể cho một phó chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo thực hiện chương trình hợp tác, đồng thời chú trọng tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển, đặc biệt là dự án có tác động thúc đẩy năng lực nội tại của các địa phương.

Ông Mãi cũng khẳng định, TP.HCM sẽ chủ động xây dựng kế hoạch triển khai hợp tác cụ thể cho từng năm thực hiện chương trình.