Địa phương chú trọng xanh hóa nền kinh tế

Phạm Sơn - 17:40, 11/06/2023

TheLEADERCác dự án đầu tư quy mô lớn là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương. Tuy nhiên, vào năm 2018, tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ nhằm từ chối một dự án trị giá đến 400 triệu USD, là dự án xây dựng nhà máy dệt – nhuộm của TAL.

Nguyên nhân được ông Vũ Chí Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ ra là Vĩnh Phúc kiên quyết từ chối những dự án đầu tư có nguy cơ gây tổn hại tới môi trường. Đây là chủ trương thể hiện nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường đối với phát triển bền vững của tỉnh.

Ông Giang cho biết, Vĩnh Phúc đã trình Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó nhấn mạnh phương án gắn chặt nhiệm vụ bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế, xã hội. Hòa chung xu thế mới, tỉnh Vĩnh Phúc tập trung đẩy mạnh thu hút những nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, ô tô, dược phẩm… gắn với thực hiện hóa cam kết phát thải ròng bằng 0.

Nhờ những nỗ lực xanh hóa nền kinh tế, vừa qua, Vĩnh Phúc đã trở thành địa phương xếp thứ 9/63 tỉnh thành cả nước về chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá và công bố. Lãnh đạo Vĩnh Phúc khẳng định, đây là động lực to lớn để tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động phát triển kinh tế xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường.

Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ bảo vệ môi trường cũng là định hướng của Bắc Ninh trong thời gian qua, theo TS. Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh. Một số hoạt động nhằm xanh hóa nền kinh tế được Bắc Ninh triển khai có thể kể đến như xây dựng các dự án logistics xanh hay gây sức ép buộc các làng nghề thay đổi công nghệ, chuyển đổi sản xuất theo hướng ít phát thải.

Về phía Quảng Ninh, thời gian qua, tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch triển khai kết quả dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Bà Vũ Thị Kim Chi, Phó trưởng ban thường trực, Ban Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh, cho biết, hàng năm, Quảng Ninh chi không dưới 3% tổng chi ngân sách địa phương cho công tác bảo vệ môi trường, đồng thời tận dụng hiệu quả nguồn tài chính đến từ thuế, phí bảo vệ môi trường. Tính trong giai đoạn 2016 - 2020, Quảng Ninh đã bố trí đến hơn 36 tỷ USD để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về công nghệ bảo vệ môi trường.

Nhờ đó, dù là trung tâm sản xuất điện than lớn nhất cả nước nhưng Quảng Ninh đã có những bước đi đột phá để chuyển nền kinh tế “từ nâu sang xanh”, bền vững với 3 trụ cột là môi trường, con người và văn hóa.

Địa phương chú trọng xanh hóa nền kinh tế
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch VCCI, tại Hội thảo vùng về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và giới thiệu Chỉ số Xanh cấp tỉnh do VCCI và UBND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp tổ chức. Ảnh: PLVN

Nói về những bước tiến trong chuyển đổi xanh, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch VCCI, cho biết, hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang phải chuyển đổi để thích ứng với những xu thế toàn cầu, bao gồm xu thế thích ứng tốt hơn với những nguy cơ mới, ví dụ như biến đổi khí hậu và xu thế kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường.

Ông Vinh nhấn mạnh, Việt Nam đang rất quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững, thông qua các luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường cùng nhiều văn bản pháp luật khác định hướng cho nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải. Đặc biệt, cam kết tại COP26 của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện cam kết và quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Việt Nam nhằm xanh hóa nền kinh tế và giải quyết thách thức biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh đó, chỉ số PGI đã lần đầu được giới thiệu và công bố trong Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022. Chỉ số có vai trò đánh giá, xếp hạng các địa phương về sự thân thiện với môi trường dưới góc nhìn thực tiễn kinh doanh cũng như mức độ tuân thủ pháp luật môi trường, thực trạng ứng dụng công nghệ, trình độ quản trị về môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm và chính sách khuyến khích đầu tư kinh doanh thân thiện với môi trường của chính quyền…

Phó chủ tịch VCCI kỳ vọng, chỉ số PGI sẽ cổ vũ các địa phương quan tâm hơn nữa tới phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh, định hướng nhà đầu tư theo hướng xanh và bền vững.