Doanh nghiệp gặp khó trong tận dụng ưu đãi từ FTA

Nguyễn Cảnh - 19:45, 03/10/2021

TheLEADERQuy mô, trình độ, năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, nhận thức về hội nhập quốc tế… là một số khó khăn, vướng mắc của phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khi tận dụng ưu đãi từ các FTA (Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới).

Doanh nghiệp gặp khó trong tận dụng ưu đãi từ FTA
Toàn tỉnh Hưng Yên có khoảng 226 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, có 36 dự án của các nhà đầu tư đến từ các nước trong CPTPP với tổng vốn đăng ký đạt 235,7 triệu USD (ảnh minh họa)

Theo Sở Công thương tỉnh Hưng Yên, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản đã nắm bắt được tình hình ký kết, thực thi các FTA nhưng tỷ lệ tìm hiểu kỹ và sâu về FTA còn hạn chế (do quy mô các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản còn nhỏ, việc quan tâm khai thác ưu đãi từ các FTA còn thấp). Một số doanh nghiệp FDI lớn đã quan tâm và hiểu biết rõ về FTA, giúp tận đụng được các ưu đãi về thuế quan khi xuất nhập khẩu hoặc những lợi ích về thể chế hay những kỳ vọng tương lai mà các FTA mang lại.

Cơ quan chức năng tổng hợp về một số khó khăn, vướng mắc khi tận dụng ưu đãi từ các FTA thời gian qua như sau.

Quy mô và trình độ của phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, số lượng các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu chủ yếu thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và một số doanh nghiệp sản xuất gia công nên mức độ quan tâm, sự chủ động trong hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế chưa mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp chưa cao. Công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu cao nên các doanh nghiệp thường gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, làm tăng chi phí sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực vẫn còn mang tính gia công và còn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu như ngành may, điện tử... Các mặt hàng nông sản của tỉnh được xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế, cho giá trị gia tăng thấp.

Đồng thời, đội ngũ doanh nhân, nhất là chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa có trình độ quản trị, tiềm lực tài chính còn hạn chế, chưa mạnh dạn và khát khao mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, chưa xây dựng được chiến lược phát triển phù hợp trong thời kì hội nhập kinh tế quốc tế.

Đáng chú ý, nhận thức về hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ở một bộ phận dân cư và doanh nghiệp chưa cao, chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, sự chủ động tham gia thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường chưa tốt, còn hiện tượng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm, hàng hóa thiếu an toàn cho người sử dụng, ảnh hưởng đến uy tín, sức cạnh tranh của sản phẩm.

Kết quả tận dụng ưu đãi từ các FTA của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được thể hiện qua kim ngạch và mặt hàng tận dụng ưu đãi từ các FTA. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước đạt 4.500 triệu USD, đạt 84,9% kế hoạch năm, giảm 5,26% so với năm 2019; nhập khẩu ước đạt 4.000 triệu USD, giảm 13,04% so với năm 2019.

Trên địa bàn tỉnh có khoảng 318 doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu sang các nước thành viên CPTPP. Đối với thị trường các nước tham gia Hiệp định EVFTA, trên địa bàn tỉnh có khoảng 141 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu.

Hiện nay, toàn tỉnh Hưng Yên có khoảng 226 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, có 36 dự án của các nhà đầu tư đến từ các nước trong CPTPP với tổng vốn đăng ký đạt 235,7 triệu USD, sử dụng khoảng 7.000 lao động; có 07 dự án của các nhà đầu tư đến từ các nước thành viên EU với tổng vốn đăng ký đạt 13,64 triệu USD.

Các lĩnh vực mà các nhà đầu tư đến từ các nước trong CPTPP và EVFTA quan tâm chủ yếu gồm: cơ khí, giáo dục, y tế, điện tử, may mặc... Dự án của các nhà đầu tư trong các nước CPTPP và EVFTA đi vào hoạt động đã góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh tăng trưởng nhanh và ổn định trong những năm vừa qua, chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá và đóng góp đáng kể vào ngân sách của tỉnh.

Sở Công thương tỉnh Hưng Yên cho biết, một số dự án quy mô tương đối lớn và hiệu quả của các nhà đầu tư đến từ các nước trong CPTPP và EVFTA như: Các dự án của Công ty sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Việt Nam (VAP) với tổng vốn đầu tư đăng ký 90 triệu USD; dự án “Trường đại học Y khoa Tokyo Việt Nam” của Công ty TNHH Giáo dục y khoa Nhật Bản (Việt Nam) với vốn đăng ký 40 triệu USD; dự án của Công ty TNHH sứ Inax Việt Nam (vốn đầu tư đăng ký 38 triệu USD); Dự án của Chi nhánh Công ty CP Acecook Việt Nam tại Hưng Yên (tổng vốn đầu tư 25 triệu USD); dự án của Công ty TNHH Hutchinson Việt Nam (vốn đăng ký đầu tư 09 triệu USD); dự án của Công ty TNHH Tozen Corporation Việt Nam...