Doanh nghiệp với CPTPP: Biết nhiều nhưng chẳng được bao nhiêu!

Nhật Minh - 17:39, 07/04/2021

TheLEADERNhiều doanh nghiệp Việt vẫn nằm ngoài vòng lợi ích của CPTPP, một phần vì hiệp định có hiệu lực không lâu trước Covid-19, một phần vì chưa hiểu hết cơ hội từ CPTPP.

Theo kết quả khảo sát mới đây từ Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là hiệp định thương mại tự do (FTA) được doanh nghiệp Việt biết đến nhiều nhất với 69% doanh nghiệp từng nghe nói hoặc biết sơ bộ.

Với một hiệp định đình đám, được nhắc tới nhiều nhất ở Việt Nam trong suốt một thời gian dài từ khi còn là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sự nổi tiếng và phổ biến của CPTPP hoàn toàn có thể lý giải được.

Mặc dù hiểu biết sơ bộ về một FTA phức tạp như CPTPP chưa hẳn đảm bảo rằng doanh nghiệp hiểu và tận dụng được, VCCI đánh giá hiểu biết này vẫn là điểm khởi đầu có ý nghĩa.

Ở mức sâu hơn, cứ 5 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp có hiểu biết nhất định về các cam kết CPTPP. Tuy nhiên, trong 20 doanh nghiệp mới có 1 doanh nghiệp biết rõ về các cam kết liên quan tới hoạt động kinh doanh, VCCI cho biết.

Doanh nghiệp với CPTPP: Biết nhiều nhưng chẳng được bao nhiêu!

Xét theo phân loại doanh nghiệp, các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài có tỷ lệ biết về CPTPP cao nhất, tiếp đến là các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Các doanh nghiệp dân doanh thuộc nhóm ít biết về CPTPP nhất.

Điều này phản ánh thực tế chung trong hoạt động kinh doanh khi các doanh nghiệp FDI là nhóm chiếm tỷ lệ cao nhất về xuất nhập khẩu, có mối quan tâm đặc biệt tới các vấn đề về bảo hộ và mở cửa đầu tư, đồng thời khá bài bản trong các vấn đề về chính sách, pháp lý.

Từ góc độ hiệu quả tổng thể của CPTPP, doanh nghiệp Việt Nam đánh giá tích cực tác động của hiệp định đối với hoạt động kinh doanh.

Cụ thể, ngoại trừ hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và châu Âu (EVFTA) chỉ vừa có hiệu lực vào thời điểm thực hiện khảo sát, CPTPP nằm trong tốp 3 FTA có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá có tác động tích cực nhất. 51% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng hiệp định có tác động tương đối hoặc rất tích cực với hoạt động kinh doanh thời gian qua.

“Với một hiệp định mới chỉ có hiệu lực hơn một năm rưỡi, lộ trình thuế quan hầu như chưa có lợi thế so với các FTA đã có, đây là kết quả lạc quan một cách bất ngờ”, VCCI đánh giá.

Thực tế cho thấy các doanh nghiệp nhìn vào CPTPP không chỉ từ các tác động cụ thể trực tiếp mà còn như một biểu tượng cho thấy Chính phủ Việt Nam nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế theo chiều sâu với các tiêu chuẩn cao, chấp nhận sức ép để cải cách.

Trong khi các doanh nghiệp FDI và dân doanh có cảm nhận rõ nét về tác động của CPTPP (với 51 – 52% doanh nghiệp của các nhóm này cho rằng CPTPP có tác động tích cực và lần lượt 6,8% và 2,2% đánh giá CPTPP có tác động tiêu cực) thì khối doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước phần lớn đứng ngoài những tác động này (với 64% doanh nghiệp nhóm này cho rằng CPTPP không tác động gì).

“Dường như quá trình hội nhập theo chiều sâu thông qua CPTPP và các FTA chưa chạm tới khu vực doanh nghiệp này”, VCCI nhận định trong báo cáo.

Chỉ 1 trong 4 doanh nghiệp nhận được lợi ích trực tiếp từ CPTPP

Mặc dù đa số doanh nghiệp có đánh giá tích cực về tác động chung của CPTPP, chỉ có 24,7% doanh nghiệp cho biết đã từng hưởng các lợi ích cụ thể từ hiệp định này. Nói cách khác, trong 4 doanh nghiệp được khảo sát thì có tới 3 doanh nghiệp chưa từng nhận được lợi ích trực tiếp nào từ CPTPP ngoài các tác động chung.

Lý do chủ yếu là các doanh nghiệp này là không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào liên quan tới thị trường hay đối tác ở khu vực CPTPP trong hai năm vừa qua.

VCCI phân tích rằng thực tế này không gây ngạc nhiên khi CPTPP không phải là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam khi khối này chỉ chiếm chưa đầy 15% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019.

Tuy nhiên, kết quả này lại là gợi ý quan trọng cho thấy cần thiết phải quảng bá về các cơ hội mới từ CPTPP, những lợi ích cụ thể có thể có, để các doanh nghiệp biết và nghĩ tới việc tận dụng, đặc biệt là với các thị trường mới, chưa thực sự quen thuộc với doanh nghiệp trong CPTPP.

Doanh nghiệp với CPTPP: Biết nhiều nhưng chẳng được bao nhiêu! 1
Những lý do cản trở doanh nghiệp hưởng lợi từ CPTPP thời gian qua. Nguồn: VCCI.

Trong số các doanh nghiệp đã từng có giao dịch với các thị trường này nhưng chưa hưởng lợi CPTPP, lý do được phần lớn (75%) doanh nghiệp đề cập là họ không biết có cơ hội nào từ CPTPP. Cũng có một tỷ lệ đáng kể (60%) không thấy có cam kết CPTPP liên quan hoặc do đã hưởng ưu đãi khác phù hợp hơn.

Một số ít doanh nghiệp (14 – 16%) nêu các lý do khác như các văn bản hướng dẫn ban hành chậm, thủ tục hưởng ưu đãi phức tạp, quy trình cấp phép khó khăn, hay khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu của doanh nghiệp còn hạn chế.

Về mức độ tận dụng các ưu đãi thuế quan trong trường hợp có hoạt động xuất nhập khẩu với các đối tác trong CPTPP, lý do khiến doanh nghiệp không tận dụng được ưu đãi thuế quan CPTPP tập trung ở hai nhóm chính.

Một là các lý do “tích cực”, như thuế MFN đã là 0% nên không cần thiết sử dụng ưu đãi thuế quan (43% doanh nghiệp đề cập), hay đã sử dụng ưu đãi thuế theo các FTA khác (37%).

Hai là các nguyên nhân “tiêu cực”, như không đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ (40%), gặp vướng mắc về thủ tục hay để lỡ hạn xin cấp chứng nhận xuất xứ (20%), thiếu các giấy tờ vận chuyển cần thiết (15%).

Đáng chú ý, lý do lớn nhất mà cũng gây tiếc nuối nhiều nhất, là việc doanh nghiệp không biết về ưu đãi thuế CPTPP cho lô hàng của mình (45% nêu lý do này).

Điều chỉnh để thích ứng

Về tác dụng của CPTPP và FTA trong tương lai hậu Covid-19, các doanh nghiệp tỏ ra lạc quan một cách bất ngờ khi 60% cho rằng CPTPP và các FTA sẽ tương đối hoặc rất hữu ích cho họ trong giai đoạn “bình thường mới”, lớn hơn mức 47% doanh nghiệp đánh giá CPTPP và các FTA có tác động tích cực trong thời gian đã qua.

Trong một tương lai xa hơn, doanh nghiệp cũng tỏ ra rất lạc quan về các tác động tích cực của CPTPP và các FTA. 91,5% doanh nghiệp kỳ vọng ở mức độ khác nhau vào một/các lợi ích CPTPP và các FTA có thể mang lại cho hoạt động kinh doanh của họ.

Không chỉ đơn giản là “có kỳ vọng”, có tới 57,7% doanh nghiệp tham gia khảo sát lựa chọn đặt kỳ vọng cao vào các hiệp định này và sự kỳ vọng này đồng đều ở tất cả các nhóm doanh nghiệp dù là FDI, dân doanh hay 100% vốn Nhà nước.

Để chuẩn bị cho một tương lai xa mà ở đó CPTPP và các FTA có thể là một trợ lực hiệu quả, 3/4 doanh nghiệp cho biết họ đã/đang có kế hoạch điều chỉnh kinh doanh để tận dụng các hiệp định này.