Doanh nhân Việt trong cuộc chuyển đổi số

Kim Yến - 08:10, 21/02/2018

TheLEADERCuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra những bước chuyển đổi lớn, một trật tự mới đang hình thành, những hệ sinh thái, mô hình kinh doanh đang đồng loạt xuất hiện tạo ra những thách thức cũng như cơ hội lớn cho mỗi cá nhân, doanh nghiệp và cả Việt Nam.

Doanh nhân Việt trong cuộc chuyển đổi số
Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc công nghệ FPT IS.

Xông đất đầu năm với FPT IS, ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc công nghệ FPT IS đã đưa ra nhận định đầy khả quan về cuộc chuyển đổi số của đất nước, của doanh nghiệp.

Ông nhận định thế nào về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tác động đến Việt Nam trong năm mới 2018?

Ông Phan Thanh Sơn: Trên thế giới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra những bước chuyển đổi lớn, một trật tự mới đang hình thành, những hệ sinh thái, mô hình kinh doanh đang đồng loạt xuất hiện tạo ra những thách thức cũng như cơ hội lớn cho mỗi cá nhân, doanh nghiệp và cả Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Chính phủ kiến tạo, hành động với những kết quả bước đầu khả quan trong 2017 tôi kỳ vọng trong 2018 môi trường kinh doanh trong nước sẽ thuận lợi hơn với nhiều chính sách hỗ trợ mới, chiến lược được hiện thực bằng những đầu tư, điều chỉnh, hành động cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp, ngành nghề, cá nhân Việt nam tăng cường năng lực tiến cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.

Từ những hạt nhân đầu tiên trong cộng đồng, doanh nghiệp, tỉnh thành chúng ta đang nhận diện ra ba cuộc chuyển đổi số lớn ở Việt Nam bằng những đầu tư, chiến lược quyết liệt và táo bạo: chuyển đổi số của Chính phủ sang Chính phủ số từ Trung ương đến địa phương, chuyển đổi số của các thành phố sang thành phố thông minh và chuyển đổi số của doanh nghiệp/ ngành sang doanh nghiệp số/ Industry 4.0.

Theo ông, làn sóng tự động hóa và robot hóa sẽ ảnh hưởng trực tiếp thế nào đến các doanh nghiệp Việt?

Ông Phan Thanh Sơn: Tự động hóa không phải là mới mà đã có từ thời cách mạng công nghiệp (lần 1 và lần 2) sử dụng công nghệ cơ khí và điện. Trong cách mạng công nghiệp 3.0, sự phát triển của công nghệ điện tử đã giúp cho tự động hóa phát triển lên một mức mới với các hệ thống điều khiển tự động hóa phức tạp, tinh vi hơn.

Robot cũng đã được nghiên cứu và áp dụng từ trong thời kỳ này. Cách mạng công nghiệp 4.0 là một sự chuyển đổi mô hình tạo ra do sự thay đổi lớn, nhanh, mang tính hệ thống tạo ra bởi các công nghệ mới như AI, IoT, robotics, Big Data/ Analytics, vật liệu mới, sinh học, in 3D, phương tiện tự lái, blockchain … làm mờ đi ranh giới của thế giới số, thế giới sinh học và thế giới vật lý.

Người ta đã xây dựng nên các “bản sao số” trong hình dung (nghiên cứu, phát triển, thiết kế), hiện thực hóa (sản xuất) và vận dụng (vận hành, sử dụng) mà trong đó các hình thái mới khác nhau của robot và tự động hóa tham gia rất sâu và rộng:

Doanh nhân Việt trong cuộc chuyển đổi số
Hình vẽ: minh họa của Siemens về 3 hình thái của bản sao số

Từ đó các thành phần, khái niệm, quan hệ trong toàn bộ chuỗi giá trị sẽ thay đổi từ chuỗi cung ứng, nhà máy/ công xưởng cho đến logistics, hệ sinh thái, mô hình cung cầu. Các mô hình mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế vòng tròn (circular economy), kinh tế nền tảng (platform economy), … sẽ thay thế cho các mô hình truyền thống.

Các công ty công nghệ sẽ thay thế các công ty truyền thống không chỉ trong ngành tài chính (fintech), ngành taxi/ logistics (Uber, Grab), ngành hospitality (AirBnB), … mà còn cả trong y tế (medtech), bảo hiểm (insutech), nông nghiệp (agritech), … 

 Sẽ không còn là thế mạnh cho các quốc gia có lao động phổ thông giá rẻ nữa, sẽ không còn cơ hội cho “xây dựng công xưởng của thế giới nữa” mà thay vào đó là thế mạnh của lực lượng lao động mới bao gồm các nhân công “new collar” (so với “blue collar” trong cách mạng công nghiệp 2.0 và “white collar” trong cách mạng công nghiệp 3.0) cùng làm việc (có thể là từ xa) hay dạy cho các robot (hữu hình hoặc vô hình) trong những “công xưởng số” (có thể không ánh đèn, hoạt động 24/24), …

Một điều chắc chắn là làn sóng này sẽ tạo ra những ảnh hưởng lớn cho các doanh nghiệp Việt vì sự thay đổi lớn, sự sắp xếp lại của chuỗi giá trị. Nếu không kịp nắm bắt và thay đổi doanh nghiệp sẽ bị trôi xuống đáy chuỗi giá trị hay bị đào thải bất kỳ lúc nào vì quy luật mới có thể được lập trình sẵn, được phân tích và ra quyết định trong tích tắc.

Chiến lược của FPT IS trong năm 2018 có gì thay đổi, để giúp cho các doanh nghiệp Việt đón đầu những thách thức lớn này từ cuộc cách mạng 4.0?

Ông Phan Thanh Sơn: Sứ mệnh của FPT IS là “Tiên phong chuyển đổi số để kiến tạo một quyền năng số cho khách hàng của mình”. Điều đó được thể hiện trong chiến lược dài hạn từ 2018-2020, tập trung vào phát triển các giải pháp cho chuyển đổi số cho cả khối Chính phủ, nhà nước và doanh nghiệp. Từ đó giúp các doanh nghiệp có cơ hội chuyển đổi số thành công góp phần vào hưng thịch quốc gia.

Ông chia sẻ điều gì với doanh nhân nhân dịp Tết Mậu Tuất này?

Ông Phan Thanh Sơn: Nâng cao nhận thức luôn là một điều quan trọng, từ nhận diện rõ cách mạng công nghiệp 4.0 các doanh nhân sẽ có những chiến lược, quyết định phù hợp và đúng đắn nhất cho doanh nghiệp của mình. 

Nếu chưa có dịp các doanh nhân nên tìm đọc cuốn “The Fourth Industrial Revolution” của Giáo sư Klaus Shwab - Chủ tịch WEB xuất bản đầu 2016 và tiếp đó là cuốn “Shaping the Fourth Industrial Revolution” của ông vừa xuất bản đầu 2018.

Để hình dung vào thực tiễn Việt nam, hãy tìm đọc thêm cuốn “Việt nam với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư” do NXB Kinh tế quốc dân xuất bản cuối 2017 do TSKH. Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban kinh tế Trung ương chỉ đạo với sự tham gia của gần 20 tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên gia hàng đầu trong nhiều cơ quan Trung ương, viện nghiên cứu, lĩnh vực.

Tôi vẫn thường nói trong các buổi nói chuyện về cách mạng công nghiệp 4.0 với các lãnh đạo doanh nghiệp là trước đây các khái niệm, cuốn sách về cách mạng công nghiệp thường được viết sau khi các cuộc cách mạng công nghiệp này đã xảy ra hoặc được nhận diện rõ rệt. Lần này khái niệm được đưa ra sớm khi cách mạng công nghiệp 4.0 mới hình thành nên không thể tránh các hồ nghi, chủ quan.

Một đặc điểm chính của cách mạng công nghiệp 4.0 là sự thay đổi xảy ra với tốc độ chưa từng có nên khi tự thấy chậm thì có nghĩa là quá chậm rồi. Tổng thống Ambraham Lincon có nói: “cách tốt nhất để dự báo tương lai là tạo ra nó”. 

Có những thế hệ được lịch sử gia cho sứ mệnh tiếp bước một cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra, thế hệ hiện tại là là thế hệ được lịch sử giao cho sứ mệnh lao vào cuộc cách mạng công nghiệp mới. Hãy hành động từ việc nâng cao nhận thức, đừng quá cầu toàn quá và nhanh chóng có những hành động chiến lược để tạo tương lai cho doanh nghiệp của mình.

Ông sẽ hưởng một cái Tết như thế nào?

Ông Phan Thanh Sơn: Tết này lần là năm đầu tiên con trai lớn 18 tuổi của tôi phải đón Tết xa nhà do trường ở nước sở tại chỉ cho nghỉ một ngày đón Tết âm lịch. Tuy vậy cháu đã được hưởng cái Tết sớm ấm áp với các gia đình người Việt là bạn bè của chúng tôi. 

Hai vợ chồng và cậu con trai út cũng sẽ chuẩn bị một cái Tết đơn giản nhưng đầy đủ theo truyền thống Việt Nam. Mùng ba Tết sau khi cúng đưa ông bà xong chúng tôi xuất hành đi khám phá đất nước Kenya ở châu Phi xa xôi.

Lời chúc nào ông muốn gửi đến bạn bè, đồng nghiệp, và nhân viên của mình?

Ông Phan Thanh Sơn: Tôi xin chúc mọi người một năm mới 2018 sức khỏe dồi dào; tràn đầy niềm tin vào tương lai của mình, doanh nghiệp mình và đất nước mình; biến được những đam mê, khát vọng cùng tiên phong trong cuộc chuyển đổi số mới thành những nền tảng, bước đi, hành động vững chắc cho chặng đường dài không ít khó khăn nhưng đầy cơ hội và những điều thú vị.

Ông hy vọng điều gì ở năm mới với riêng mình?

Ông Phan Thanh Sơn: Cũng như lời chúc, trước hết tôi hy vọng mình và gia đình sẽ có một sức khỏe tốt (tất nhiên cũng phải đi kèm với sự rèn luyện, tuân thủ kỷ luật). Có sức khỏe tốt thì sau đó mới có thể làm được những gì mình mong muốn hay có trách nhiệm được. Với công việc, năm 2018 sẽ là năm của các hành động chiến lược của công việc tôi phụ trách. 

Tôi hy vọng mình sẽ có đủ trí lực, nhiệt huyết, đam mê và sự hợp lực, hỗ trợ, đồng hành của các lãnh đạo, đồng nghiệp, đối tác, khách hàng cho những hành động chiến lược quan trọng cho chặng đường phía trước của công ty.

Ông có tự tin với con đường phía trước, với những đầu tư tâm huyết vào công nghệ chuyển đổi số của công ty không? Điều gì giúp ông có được niềm tin ấy?

Ông Phan Thanh Sơn: Tuy không tham gia FPT IS từ những ngày đầu (1994) nhưng tôi có may mắn được biết, được cùng dự các khóa đào tạo, làm việc trong các dự án ICT để đời với những thế hệ lãnh đạo đầu của FPT, FPT IS từ 1992 cho đến 25 năm sau khi tôi có dịp chính thức trở thành FPTer trong hàng ngũ những người dám nhận sứ mệnh tiên phong.

Từ những bàn tay trắng, những nhà khoa học bằng ý chí, khát vọng và trí tuệ đã xây dựng lên một tập đoàn tỷ đô với hơn 30 nghìn người trên hơn 20 quốc gia, với một kho kinh nghiệm và hệ thống quan hệ đối tác chiến lược là tài sản, nguồn vốn vô cùng quý giá cho chặng đường mới.

Ông Trương Gia Bình nói trong lễ phát động “FPT 30 năm tiên phong” ở FIS có nói: “FIS là nơi khởi đầu của FPT, là tiên phong của tiên phong”. Đó là “Địa lợi”. 

“Thiên thời” đó là thời điểm bắt đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra trên toàn cầu, được Việt nam đón nhận với một khát khao, quyết tâm cao độ; trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình vào “cuộc đổi mới lần 2” với sự lãnh đạo của chính phủ kiến tạo và hành động.

Yếu tố “nhân hòa” cũng thuận lợi hơn ban giờ hết khi từ con người, doanh nghiệp, quốc gia và ngay chính FPT, FPT IS đang có những quan hệ chiến lược, cùng hợp tác tiên phong trong chuyển đổi số để kiến tạo tương lai mới tốt đẹp hơn. Tất cả thiên thời, địa lợi, nhân hòa của FPT IS đều liên quan đến, được tạo cảm hứng, tạo tiền đề bởi công nghệ số.

Xin cám ơn ông!