Động cơ cho xe điện tăng tốc kịp cam kết COP26

Phạm Sơn - 08:32, 22/10/2022

TheLEADERTheo Bộ Giao thông vận tải, Việt Nam có xuất phát điểm thấp hơn nên Việt Nam cần tăng tốc trong chuyển dịch năng lượng và chuyển đổi sang xe điện để đạt được mục tiêu cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Cuối năm 2021, sau khi kéo dài thêm một ngày đàm phán, COP26 đã đạt được sự đồng thuận về hiệp ước khí hậu Glasgow, với nội dung đột phá là tất cả các bên tham gia đều cam kết giảm dần nhiệt điện than.

Tuy nhiên, bên cạnh hiệp ước khí hậu Glasgow, một thỏa thuận mang tính đột phá khác cũng đạt được đồng thuận của nhiều bên liên quan, bao gồm cả chính phủ và doanh nghiệp, đó là cam kết xóa bỏ xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2040.

Cùng với sự tham gia của các ông lớn toàn cầu, cuộc cách mạng xe điện dường như đang là một xu thế tất yếu không thể bị đảo ngược. Đáng chú ý, trong cuộc cách mạng này, Việt Nam không đứng ngoài cuộc khi hãng xe hơi VinFast cũng quyết định tham gia vào đường đua xe điện.

Tuy nhiên, thị trường xe điện Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn. Ông Đào Công Quyết, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cho biết, 8 tháng đầu năm, có khoảng hơn 260 nghìn xe ô tô được bán ra tại Việt Nam, trong đó chỉ có khoảng chưa đầy 2.000 xe điện, bao gồm xe thuần điện chạy pin và xe lai (hybrid).

Theo ông Quyết, một trong những yếu tố khiến xe điện chưa thể phổ biến ở Việt Nam là hầu hết gia đình không có điều kiện lắp đặt trạm sạc riêng, trong khi trạm sạc công cộng chưa được bao phủ rộng rãi. Mặt khác, chi phí sản xuất xe điện cũng cao hơn nhiều so với xe xăng, dẫn đến giá bán ra cũng cao hơn.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn nhận định, Việt Nam cũng như một số quốc gia đang phát triển khác có xuất phát điểm tương đối thấp, do đó lộ trình chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi sang xe điện trong giai đoạn đầu thường chậm hơn các nước phát triển khoảng 5 – 10 năm.

Đây cũng chính là lý do ngành xe điện cần được tăng tốc ở giai đoạn sau, đặc biệt khi Việt Nam đưa ra cam kết mạnh mẽ là đưa mức phát thải ròng về không vào năm 2050.

Quyết tâm đóng góp mạnh mẽ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thực hiện hóa cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26, chuyển đổi sang xe điện là một trong những ưu tiên quan trọng. Thời gian qua, một loạt chính sách khuyến khích xe điện đã được ban hành, có thể kể đến như miễn lệ phí trước bạ trong vòng 3 năm kể từ ngày 1/3/2022 cho các loại ô tô điện chạy pin, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô điện…

Bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng chính sách thuế xuất nhập khẩu (Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính) cho rằng, với những chính sách trên, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều, do đó có động cơ để chuyển đổi sang xe điện.

Tuy nhiên, để việc chuyển đổi sang xe điện được tăng tốc sao cho “theo kịp” cam kết phát thải ròng bằng không, chính sách khuyến khích và hỗ trợ xe điện cần được hoàn thiện hơn nữa, thay vì mới chỉ tập trung vào thuế, phí như hiện nay.

Ông Vũ Thắng, Giám đốc Trung tâm phát triển trạm sạc của VinFast cho biết, dù đang có những bước đầu thành công trong chiến lược phủ trạm sạc điện nhưng việc xây dựng trạm sạc của VinFast vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một trong số đó là chưa có quy chuẩn về xây dựng trạm sạc và hệ thống bảo vệ trạm sạc.

Ông Thắng đề xuất Bộ Khoa học và công nghệ sớm ban hành quy chuẩn để tạo thuận lợi cho việc xây dựng trạm sạc điện. Mặt khác, quy chuẩn cũng là yếu tố cần thiết để nâng cao niềm tin của người dân đối với xe điện.

Nói về trạm sạc điện, ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết, Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng dự thảo quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho mạng lưới quốc lộ để trình Chính phủ, trong đó có nội dung coi trạm sạc điện là một kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, từ đó giúp việc tiếp cận trạm sạc trở nên dễ dàng hơn khi lưu thông.

Bên cạnh đó, tại hội thảo về Phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh, một số chuyên gia cũng đề xuất các chính sách khuyến khích xe điện như quy hoạch lưới điện riêng cho trạm sạc điện; chuẩn bị nguồn lực về con người và công nghệ để đáp ứng cuộc cách mạng xe điện…

Theo Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 (EOR21), giảm khí thải từ ngành giao thông là một trong những giải pháp giảm phát thải nhanh và “rẻ” nhất. Do đó, để đạt được cam kết đầy tham vọng tại COP26, các chính sách hỗ trợ xe điện cần phải được sớm ban hành để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện tại Việt Nam.