Động lực nào cho tăng trưởng kinh tế trước cú sốc Covid-19 thứ hai?

An Chi - 09:31, 07/08/2020

TheLEADERTrong bối cảnh cú sốc Covid-19 trở lại với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, động lực nào cho tăng trưởng kinh tế 2020 vẫn đang là một câu hỏi khó trả lời.

Động lực nào cho tăng trưởng kinh tế trước cú sốc Covid-19 thứ hai?
Kinh tế Việt Nam những tháng còn lại của năm 2020 được đánh giá là tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức khó lường

Theo số liệu thống kê, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam chỉ đạt 1,81%, thấp nhất trong 12 năm trở lại đây. Trong đó, tăng trưởng GDP quý II ở mức 0,36%, thấp nhất trong vòng 30 năm qua.

Đây là mức tăng trưởng thấp hơn mọi dự đoán của các chuyên gia, tổ chức nghiên cứu kinh tế từ trước đó. Nhiều chuyên gia đánh giá, sự suy giảm kinh tế lần này đang ở mức nặng nề nhất trong 30 năm qua. Đặc biệt, khủng hoảng không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà trên toàn thế giới khiến nền kinh tế càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhìn vào mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế 7 tháng đầu năm cho thấy, các lĩnh vực vốn là động lực chính cho tăng trưởng như du lịch, công nghiệp, nông nghiệp đều đang cho thấy một bức tranh không mấy sáng sủa.

Du lịch vốn là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế trong nhiều năm gần đây đang gần như tê liệt do dịch bệnh. Hàng loạt giải pháp kích cầu du lịch nội địa đã được Chính phủ và các địa phương thực hiện không đủ để bù đắp nổi sự sụt giảm của khách du lịch khi Việt Nam chưa mở cửa đón khách quốc tế.

Đối với lĩnh vực tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ vẫn giảm 0,4%, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 4,8% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9%).

Tương tự tại lĩnh vực nông nghiệp, ngoài sự u ám của đại dịch Covid-19, sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện sớm, khoảng 30 nghìn ha lúa và rau màu bị khô hạn. 

Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi dần được kiểm soát nhưng việc tái đàn còn chậm. Sản xuất thủy sản tiếp tục gặp khó khăn do xuất khẩu giảm mạnh và giá cá, tôm nguyên liệu giảm.

Sản xuất công nghiệp cũng tiếp tục gặp khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 chỉ tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6%, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. 

Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2020 đạt 285,12 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu đạt 145,79 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2%; nhập khẩu đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9%. 

Trước những khó khăn trên, kinh tế Việt Nam những tháng còn lại của năm 2020 được đánh giá là tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức khó lường.

Mới đây, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ đã điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP xuống 3 - 4% trong năm 2020. Song, theo một số tổ chức dự báo, mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể sẽ còn thấp hơn con số này. 

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa qua đã đưa ra hai kịch bản dự báo cho kinh tế Việt Nam năm 2020 với mức tăng trưởng có thể đạt mức 2,1% theo kịch bản 1 và 2,6% trong kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo giảm 3,1% trong kịch bản 1 và giảm 1,9% trong kịch bản 2 (so với năm 2019). Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 1,7 tỷ USD và 2,1 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2020 lần lượt là 4,3% và 4,5%.

Các kịch bản trên của CIEM thậm chí còn thận trọng hơn mức dự báo GDP Việt Nam tăng 2,8% năm 2020 của các chuyên gia quốc tế đến từ Bloomberg.

Còn theo nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu được kiểm soát ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, Việt Nam là một nền kinh tế mở, tăng trưởng GDP phụ thuộc lớn vào FDI và tăng trưởng xuất khẩu, mục tiêu tăng trưởng trong năm 2020 là vô cùng khó khăn.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, còn quá sớm để có thể đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020. Nếu kiểm soát được dịch bênh trong tháng 8, tiến trình phục hồi của nền kinh tế sẽ tiếp tục, khi đó, hy vong Việt Nam có thể đạt được mục têu tăng trưởng 3 - 4% là khả thi. Song, có lẽ cao nhất cũng chỉ ở mức 3%. Mức tăng trưởng 4% là rất cao, gần như không thể đạt được.

Trong trường hợp không kiểm soát được dịch bệnh, khó có thể dự đoán được tác động của nó đến nền kinh tế. Khi đó, tăng trưởng GDP có thể sẽ xuống rất thấp và không ngoại trừ khả năng tăng trưởng âm.

Đồng quan điểm, TS. Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam đang đối diện với rất nhiều khó khăn. Hoạt động của tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế đều đang sụt giảm mạnh.

Theo ông Doanh, nếu không có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và thúc đẩy tăng trưởng, GDP của Việt Nam trong năm 2020 sẽ rất khó có thể đạt mức 3% như mục tiêu mà Chính phủ kỳ vọng.

Đầu tư công có phải là cứu cánh?

Tại buổi làm việc với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đầu tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho thấy quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh, dù tình hình thế nào cũng phải bình tĩnh với ý chí và quyết tâm vượt qua khó khăn, bằng mọi giải pháp để tăng trưởng dương.

Trong bối cảnh, tất cả các lĩnh vực đều đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, chìa khoá cho tăng trưởng kinh tế cũng được Thủ tướng chỉ ra là đầu tư công, "bằng mọi biện pháp giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%".

Chỉ đạo này một lần nữa được Thủ tướng nhắc lại tại hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các địa phương trên toàn quốc về công tác giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, Thủ tướng nêu rõ nhân dân đang gặp khó khăn về thu nhập do ảnh hưởng của dịch bệnh, công nhân mất việc làm, người lao động có tiền lương thấp, đất nước đạt tăng trưởng thấp trong 6 tháng đầu năm. 

Nguyên nhân chính của thực trạng này là do các dòng vốn đầu tư, kể cả đầu tư xã hội và đầu tư Nhà nước, đều chậm, thấp so với nhiệm vụ kế hoạch. Do đó, đầu tư công là một trong các cứu cánh quan trọng để chúng ta vượt qua khó khăn. Đầu tư sẽ giải quyết được rất nhiều việc làm, đầu tư thì giải quyết thu nhập cho người lao động, đầu tư góp phần cho tăng trưởng. 

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ 1% đầu tư thì sẽ góp phần tăng GDP 0,06%. Trách nhiệm Chính phủ, các địa phương là phải phải tập trung giải ngân đầu tư công gần 28 tỷ USD, tương đương với 633.000 tỷ đồng.

Từ sự phân tích, nhận định tình hình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định, tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Đầu tư công vừa giúp kích cầu nền kinh tế, tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm. 

Đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, có tác động lan tỏa còn giúp nước ta tạo nền tảng tăng trưởng bền vững trong tương lai, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong bối cảnh dịch bệnh, dư địa tăng trưởng của nền kinh tế rất khó khăn, có thể thấy Chính phủ đang đặt kỳ vọng vào đầu tư công sẽ làm cứu cánh cho tăng trưởng kinh tế. Song theo nhiều chuyên gia, điều này là không đơn giản. 

Nguyên nhân được TS. Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra là do nếu chỉ dựa vào đầu tư công sẽ không thể đưa nền kinh tế trở lại như trước đây. Cả nền kinh tế phải dựa vào tăng trưởng của tất cả các lĩnh vực như tiêu dùng, xuất nhập khẩu, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ... Không thể phủ nhận đầu tư công đóng góp vai trò đáng kể trong tăng trưởng kinh tế nhưng rõ ràng nó không thể thay thế hoàn toàn cho các lĩnh vực khác. 

Mặt khác, theo ông Hiếu, đầu tư công tại Việt Nam hiện đang đối diện với nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu. Các công đoạn này cần thời gian để thực hiện theo đúng quy định, không thể một sớm một chiều.

Hơn nữa, để đẩy mạnh đầu tư công cần có vốn từ Chính phủ. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay, nếu Chính phủ không đủ lượng vốn tự có thì cũng không thể thực hiện. 

Đưa ra giải pháp cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, ông Hiếu cho rằng, bên cạnh việc quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, các bộ, ngành, cần tiếp tục tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, nghiên cứu mở rộng thị trường xuất khẩu để đóng góp cho tăng trưởng.

Bên cạnh đó, tiêu dùng của người dân chiếm tỷ trọng rất lớn trong GDP. Vì vậy, muốn tăng trưởng GDP thì tiêu dùng phải được đẩy mạnh. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các công ty tài chính, ngân hàng kiểm soát cho vay tiêu dùng khiến mức tăng trưởng tín dụng cho vay tiêu dùng bị hạn chế, Chính phủ cần có giải pháp cần đẩy mạnh tiêu dùng trong nước.

Theo ông Hiếu, mức tăng trưởng 6 tháng cuối năm có thể đạt được ở mức kịch bản lạc quan hay không phụ thuộc lớn vào điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ và đầu tư công.