Động lực thúc đẩy dịch vụ công thanh toán không tiền mặt

Việt Hưng - 15:35, 23/10/2023

TheLEADERMuốn phát triển thanh toán điện tử trong khu vực công thì cần triển khai hiệu quả đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư và tăng cường phối hợp với các cơ quan để thực hiện thu ngân sách nhà nước.

Nhận xét về quá trình thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động chuyển đổi số tại Việt Nam, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - ông Phạm Tiến Dũng cho biết dữ liệu và việc phân tích, khai thác, kết nối dữ liệu là yếu tố quan trọng nhất.

Trong thời đại kỹ thuật số, dữ liệu có thể dùng để hiểu và để nắm hành vi tiêu dùng của khách hàng, giúp các ngân hàng, các tổ chức tài chính, doanh nghiệp xác định các cơ hội mới, đưa ra các quyết định đúng đắn hơn và nâng cao hiệu quả hoạt động.

"Triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia 2025, định hướng 2030, và đề án 06, Thủ tướng Chính phủ cũng chọn năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia với mục tiêu tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới", ông Dũng nói.

Chính vì thế Ngân hàng Nhà nước đề ra nhiệm vụ đồng bộ và chuẩn hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhằm tạo thuận lợi cho việc kết nối liên thông, liền mạch giữa ngành ngân hàng với các lĩnh vực khác, đặc biệt là khu vực hành chính công, y tế, giáo dục để tạo hệ sinh thái số, cung ứng dịch vụ đa tiện ích cho khách hàng.

Tuy nhiên, trong thực tế triển khai tại các địa phương, hoạt động thúc đẩy dịch vụ công thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn nhiều trở ngại. Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công thương TP. HCM cho biết, vướng mắc lớn nhất của Sở này chính là vấn đề nhân lực thực hiện.

Ông Phương nêu thực tế, một số tỉnh thành ở Việt Nam có quy mô kinh tế chỉ bằng một quận của TP. HCM cũng có 1 Giám đốc Sở và 3 Phó giám đốc. Còn TP. HCM là nơi có quy mô kinh tế rất lớn cũng chỉ có 1 Giám đốc và 3 Phó giám đốc.

Chính vì vậy, có những công việc lãnh đạo Sở thực hiện rất tốt nhưng cũng có những việc không có thời gian đào sâu nghiên cứu và thực hiện. Điển hình như công tác triển khai áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, lãnh đạo Sở còn ít kinh nghiệm trong việc xử lý vấn đề này.

"Chúng tôi biết đây là hoạt động rất có ích cho xã hội, cho nền kinh tế và cần tập trung thúc đẩy, triển khai. Thế nhưng, năng lực có giới hạn, điều kiện không cho phép. Do đó, việc triển khai cũng chưa đạt hiệu quả cao", ông Phương nói.

Động lực thúc đẩy dịch vụ công và thanh toán không tiền mặt
Người trẻ là động lực chính thúc đẩy dịch vụ công và thanh toán không dùng tiền mặt

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước đánh giá, một bộ phận người dân vẫn chưa tiếp cận được với việc thanh toán không dùng tiền mặt vì phương thức thanh toán này ở một số tỉnh miền núi phát triển khá chậm.

Bên cạnh đó, nhiều người cao tuổi cũng không muốn sử dụng phương thức thanh toán qua ngân hàng vì sợ rủi ro. Trong khi hành lang pháp lý cho thanh toán không dùng tiền mặt vẫn đang trong quá trình được bổ sung, hoàn thiện.

Chính vì vậy, ông Tuấn cho rằng, việc nâng cấp hạ tầng thanh toán điện tử, đẩy mạnh dịch vụ thanh toán mới trên thiết bị di động là những giải pháp hết sức cần thiết. Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tử cũng rất cấp bách.

"Muốn phát triển thanh toán điện tử trong khu vực công thì cần triển khai hiệu quả đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư; tăng cường phối hợp với các cơ quan để thực hiện thu ngân sách nhà nước, điển hình như lĩnh vực y tế, giáo dục…" ông Tuấn chia sẻ.

Cũng theo ông Tuấn, Ngân hàng Nhà nước luôn quan tâm nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác.

Việc này cho phép các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán cung ứng các dịch vụ, phương tiện thanh toán hiện đại, đa dạng, tiện lợi, mở rộng phạm vi cung ứng trên toàn quốc để giảm thời gian và chi phí giao dịch cho người dân, doanh nghiệp.

Ông Đặng Hoài Đức, Phó tổng giám đốc ngân hàng Vietcombank cho biết, với định hướng của Chính phủ 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với 80% dân số có tài khoản thanh toán điện tử, ngân hàng này cũng đang nỗ lực triển khai nhiều phương án cho việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiện nay, khoảng 10 triệu khách hàng của Vietcombank đã sử dụng ứng dụng ngân hàng điện tử, tỷ trọng giao dịch trên kênh số đạt hơn 97%. Ngân hàng này cũng đang cung cấp giải pháp thanh toán số toàn diện cho Bộ Công an áp dụng việc thu các loại phí, lệ phí cho người dân trong nước và khách du lịch nước ngoài.

Động lực thúc đẩy dịch vụ công và thanh toán không tiền mặt 1
Ông Nguyễn Bá Diệp - đồng sáng lập MoMo

"Hiện MoMo là kênh thanh toán đứng top 1 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, chiếm 47% tổng số giao dịch trên Cổng theo số liệu quý 3/2023", ông Nguyễn Bá Diệp - đồng sáng lập MoMo thông tin.

Ông cũng cho biết thêm, TP. HCM hiện đang dẫn đầu trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ công, với tỷ lệ lên tới 45,4% trên hành chính công và 39,86% trên dịch vụ công.

Có khoảng 2,5 triệu người dùng thanh toán qua MoMo cho hơn 90% dịch vụ hành chính công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và 1 triệu người dùng cho các dịch vụ công.

Đáng chú ý, ông Diệp chia sẻ hiện có khoảng 51,3% khách hàng từ 18-27 tuổi đã chọn MoMo là phương thức thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, và 45,8% khách hàng trẻ trong độ tuổi này cũng sử dụng MoMo thanh toán các dịch vụ hành chính công.

Dựa trên dữ liệu trên, ông Diệp nhấn mạnh vai trò của người trẻ việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.

Theo ông, giới trẻ là lực lượng nòng cốt trong việc thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả, thông qua việc thay đổi thói quen sống, lan tỏa các thông điệp mới của Chính phủ, từ đó dẫn dắt cả xã hội theo xu hướng mới.

"Tôi tin rằng, trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là dịch vụ công, giới trẻ chính là nhóm người dùng chủ lực và là trụ cột trong việc phát triển lĩnh vực này dựa trên 3 yếu tố", đồng sáng lập MoMo nhấn mạnh.

Thứ nhất, giới trẻ có khả năng tiếp thu thông tin công nghệ nhanh chóng. Thứ hai, giới trẻ thường xuyên sử dụng dịch vụ trực tuyến. Và thứ ba, giới trẻ có xu hướng chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội và hướng dẫn người thân sử dụng.

"Do đó, nếu chúng ta tập trung vào khách hàng từ 18-27 tuổi, quá trình chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực sẽ tiến triển nhanh hơn", ông Diệp nói.