Dòng vốn đầu tư đổ vào ngành công nghiệp pin và chất bán dẫn

Phạm Sơn - 18:11, 25/01/2022

TheLEADERSản xuất pin và chất bán dẫn đang là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn đối với các ông lớn công nghệ toàn cầu, tranh dụng lợi thế từ xu thế chuyển đổi sang xe điện.

Dòng vốn đầu tư đổ vào ngành công nghiệp pin và chất bán dẫn
Lễ khởi công nhà máy pin của VinFast. Ảnh: Báo giao thông.

Mới đây, trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Ông Choi Joo-ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết đang tìm kiếm địa điểm cho dự án sản xuất pin công nghệ cao tại Việt Nam. Nội dung cụ thể về dự án chưa được tiết lộ.

Trước đó, vào tháng 10 năm 2021, Samsung cũng đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy pin tại Mỹ, hợp tác với hãng Stellantis. Nhà máy này sẽ chuyên sản xuất pin sử dụng cho xe điện, với công suất dự kiến là 23GWh mỗi năm và nâng lên 40GWh mỗi năm trong tương lai.

Một hãng công nghệ châu Á khác là Panasonic mới đây cũng đã công bố kế hoạch trị giá hơn 700 triệu USD để mở rộng, nâng cấp nhà máy ở quận Wakayama, hướng tới sản xuất hàng loạt pin dùng cho xe điện của hãng Tesla. Pin của Panasonic dự kiến cho phép xe Tesla chạy được khoảng 750km mỗi lần sạc.

Đầu tư vào pin đang lĩnh vực hấp dẫn các ông lớn về công nghệ, đặc biệt nhờ vào sự trỗi dậy của ngành công nghiệp xe điện. Theo kịch bản của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), 80% pin toàn cầu sẽ được sử dụng cho xe điện cá nhân.

Lĩnh vực này được dự đoán sẽ tạo ra lợi nhuận khổng lồ khi nhiều chính phủ và nhà sản xuất xe hơi đưa ra cam kết chuyển đổi sang xe điện hoàn toàn trong 20 – 30 năm tới. Mới đây, đơn vị sản xuất pin của LG là LG Energy đang chuẩn bị niêm yết, với giá trị kỳ vọng khoảng 10 tỷ USD, mức kỷ lục tại Hàn Quốc.

Cùng với ngành pin xe điện, lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn cũng trở nên hấp dẫn, khi cuộc khủng hoảng nguồn cung chất bán dẫn toàn cầu vẫn còn tiếp diễn và chưa rõ khi nào mới có thể kết thúc.

Mới đây nhất, tập đoàn Intel công bố kế hoạch đầu tư 20 tỷ USD vào nhà máy chất bán dẫn tại Ohio, Mỹ, mong muốn xây dựng nơi đây thành điểm sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới.

Ông Pat Gelsinger, Giám đốc điều hành Intel cho biết, dự án này sẽ “rất quan trọng đối với ngành công nghiệp xe hơi”.

Không chỉ những ông lớn công nghệ mà nhiều hãng xe cũng rót hàng tỷ USD vào pin và chất bán dẫn, với mong muốn tự chủ được nguồn cung, khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Hãng xe Nhật Honda mới đây đã ký kết thỏa thuận chung với công ty khởi nghiệp SES Holdings của Mỹ để mở nhà máy tại Thượng Hải vào năm tới. Ngoài ra, Honda cũng mua lại 2% cổ phần của SES AI, một công ty con của SES.

VinFast, thương hiệu xe hơi đầu tiên của Việt Nam vào cuối năm ngoái cũng khởi công một nhà máy sản xuất pin mang tên VinES tại khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là khoảng 4 nghìn tỷ đồng.

Đại diện VinFast cho biết, nhà máy này nằm trong chiến lược 3 chân kiềng về phát triển pin cho xe điện, là mua pin từ các nhà sản xuất tốt nhất thế giới; hợp tác với các đối tác để sản xuất các pin tốt nhất thế giới; tự nghiên cứu, phát triển sản xuất pin.