'Đột phá trong đột phá' để phát triển Đồng bằng sông Hồng

Phạm Sơn - 20:20, 10/02/2023

TheLEADERTập trung huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông, giáo dục, đô thị thông minh là những mũi nhọn mang tính “đột phá trong đột phá” để giải quyết tình trạng chậm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vùng Đồng bằng sông Hồng.

'Đột phá trong đột phá' để phát triển Đồng bằng sông Hồng
Quảng Ninh sẽ công bố quy hoạch tỉnh và quy hoạch TP. Hạ Long trong hội nghị triển khai nghị quyết phát triển Đồng bằng sông Hồng.

Giai đoạn 2005 – 2020, khu vực Đồng bằng sông Hồng có mức tăng trưởng bình quân đạt 7,94% mỗi năm, cao hơn so với mức bình quân của cả nước. Tính đến năm 2020, quy mô kinh tế của vùng chiếm gần 30% GDP cả nước. Trong đó, Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành 3 cực tam giác động lực phát triển kinh tế vùng, với nhiều thành tựu về thu hút đầu tư, phát triển bền vững.

Cùng với những kết quả tích cực thể hiện qua mức thu ngân sách, phát triển kinh tế tư nhân, xây dựng nông thôn mới…, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Duy Đông, vùng Đồng bằng sông Hồng đã phát huy được nhiều tiềm năng, lợi thế cũng như vai trò đặc biệt đối với đất nước xuyên suốt quá trình phát triển.

Tuy nhiên, nhìn nhận lại thực tế, những tiềm năng, lợi thế ấy vẫn chưa thực sự được phát huy một cách tối đa, đi kèm với đó là nhiều khó khăn, thách thức đã và đang bắt đầu bộc lộ. Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, chuyển dịch kinh tế vùng vẫn còn chậm, các địa phương phát triển thiếu đồng đều và kinh tế vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhóm doanh nghiệp FDI.

Bên cạnh đó, khoa học công nghệ chưa trở thành động lực cho tăng trưởng, quy hoạch chậm, thiếu hợp lý, thiếu bền vững, đầu tư công dàn trải, thiếu liên kết cụm ngành và liên kết khu công nghiệp… cũng là những thách thức lớn đối với vùng Đồng bằng sông Hồng.

Từ thực tế trên, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặt ra nhiều hướng đi, tầm nhìn mới để phát triển Đồng bằng sông Hồng. Dựa trên Nghị quyết 30, Chương trình hành động của Chính phủ được xây dựng theo nguyên tắc bám sát quan điểm, mục tiêu, đồng thời cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp, xác định rõ các nhiệm vụ chủ yếu, các giải pháp cụ thể gắn với kế hoạch tổ chức theo lộ trình phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết.

Đặc biệt, Chương trình hành động đề ra những giải pháp mang tính “đột phá trong đột phá”, với quyết tâm cao độ giải phóng tiềm năng của vùng. Trong đó, đối với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết sẽ tập trung nguồn lực, huy động vốn ngân sách, vốn vay ưu đãi phát triển chính thức (ODA), kết hợp với các giải pháp huy động vốn tư nhân để triển khai đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Bên cạnh các tuyến cao tốc đang nghiên cứu và sẽ sớm được triển khai như cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình, Nội Bài – Bắc Ninh – Hạ Long…, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đoạn Hà Nội – Vinh đang trong quá trình thẩm định, các tuyến Metro trên địa bàn Hà Nội đã được phê duyệt, dự án cảng biển, cảng hàng không… được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực lớn thúc đẩy liên kết vùng, liên kết liên vùng, hướng ra khu vực và thế giới.

Ngoài hạ tầng giao thông, theo Thứ trưởng Đông, giải pháp đột phá cho Đồng bằng sông Hồng còn thể hiện qua việc phát triển hệ thống đô thị thông minh, phát triển giáo dục, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là những giải pháp riêng biệt, phù hợp với nền tảng về tiềm năng của vùng.

“Chính phủ đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tuy nhiên, nhiệm vụ “Phát triển bền vững hệ thống đô thị bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại” và “Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số” là 2 mũi đột phá quan trọng cho vùng”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư thông tin với báo chí.

Với chủ đề “Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững”, Hội nghị công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được tổ chức vào ngày 12/02/2023 tại tỉnh Quảng Ninh sẽ được tổ chức tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo Chính phủ và Lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trong vùng, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dự kiến khoảng 900 đại biểu sẽ tham dự Hội nghị.

Đây là Hội nghị “ba trong một”, được tổ chức không chỉ với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mà còn bao gồm các hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng Sông Hồng và công bố quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040.