'Du lịch vắc xin' và nguy cơ bất bình đẳng sâu sắc

Phạm Sơn - 16:46, 06/02/2021

TheLEADERNhiều doanh nghiệp đang chào bán gói du lịch kèm dịch vụ tiêm phòng Covid-19, cướp đi mất cơ hội tiêm phòng của nhóm người yếu thế nhất trên thế giới.

'Du lịch vắc xin' và nguy cơ bất bình đẳng sâu sắc
Vắc xin Covid-19 cũng đang trở thành nguy cơ gây ra bất bình đẳng.

Theo Oxfam, đại dịch Covid-19 với những tác động đa chiều làm gia tăng nguy cơ bất bình đẳng trên toàn cầu khi đẩy hàng trăm triệu người rơi vào cảnh nghèo đói, trong khi các tỷ phú chỉ cần mất 9 tháng để khôi phục lại tài sản bị tổn thất.

Hiện tại, các quốc gia đang ưu tiên đầu tư vào nghiên cứu, phát triển cũng như phân phối vắc xin như một biện pháp hàng đầu trước mắt để ngăn ngừa sự lây lan của vi rút, đảm bảo tiến trình phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, vắc xin Covid-19 cũng đang trở thành nguy cơ gây ra bất bình đẳng khi các nước phát triển và giới nhà giàu có xu hướng sẵn sàng chi trả để được phân phối vắc xin.

“Du lịch vắc xin”

Theo The Guardian, một câu lạc bộ dịch vụ du lịch tại Anh quốc vừa qua đã rao bán gói dịch vụ trị giá 25.000 bảng Anh để du lịch và tiêm phòng vắc xin Covid-19 Pfizer tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Đại diện câu lạc bộ cho biết, gói dịch vụ này chỉ dành cho các thành viên và khách hàng là công dân của UAE. Tuy nhiên, The Guardian bình luận, không rõ tại sao các công dân UAE lại cần sử dụng một dịch vụ du lịch để được tiêm vắc xin, trong khi vắc xin được cung cấp miễn phí tại quốc gia này.

Câu lạc bộ cũng cho biết đang đề nghị hợp tác với UAE để kích cầu du lịch thông qua việc cho phép du khách được tiêm phòng vắc xin Sinopharm của Trung Quốc, loại vắc xin chưa được chấp thuận tại Anh. 

Nguồn tin từ đài ABC của Tây Ban Nha cho biết, UAE trong thời gian gần đây đã thu hút được không ít khách du lịch với lý do mong muốn được tiêm phòng vắc xin. Mặc dù chính quyền UAE khẳng định chỉ cung cấp vắc xin cho người dân của mình, theo các “du khách vắc xin”, nhiều phòng khám “chui” đang tiêm phòng cho khách du lịch với giá cao.

Trước đó, The Economic Times đưa tin, một số công ty du lịch tại Ấn Độ cũng đã đưa ra gói du lịch kèm tiêm phòng ngay từ khi các quốc gia châu Âu phê duyệt một số loại vắc xin phòng Covid-19.

Thực tế, nhiều chuyên gia đã dự báo, vắc xin có thể trở thành công cụ hút khách du lịch trong thời gian tới, tuy nhiên cần phải được tư nhân hóa, tức là khiến vắc xin trở nên đắt đỏ và khan hiếm.

Vắc xin cho người giàu?

“Sự phân phối vắc xin Covid-19 có nguy cơ trở thành một bức tường cho sự bất bình đẳng”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO đưa ra cảnh báo khi toàn thế giới đang lo ngại về biến chủng Covid-19 với tốc độ lây lan nhanh hơn, khiến nhu cầu triển khai vắc xin ngày càng trở nên quan trọng.

Theo báo cáo của WHO, trong khi hơn 39 triệu liều các loại vắc xin đã được sử dụng tại 49 quốc gia phát triển, trong khi ở một số quốc gia thu nhập thấp nhất chỉ có 25 liều được triển khai.

Thậm chí, nhiều quốc gia trước đó đã tuyên bố sẽ đảm bảo sự công bằng của hoạt động phân phối vắc xin nhưng lại tiếp tục thúc đẩy những giao dịch song phương với vắc xin Covid-19, làm giá cả được đẩy lên cao.

Ông Tedros gọi đây là “chủ nghĩa dân tộc vắc xin”, có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng hơn 9 nghìn tỷ USD do công tác kiểm soát dịch bệnh không đạt được hiệu quả, trong đó quá nửa phần thiệt hại đến từ phía những nước phát triển.

“Cách tiếp cận bất bình đẳng này không chỉ khiến những người nghèo nhất tiếp tục bị tổn thương mà còn gây ra thiệt hại nặng cho các nước giàu”, lãnh đạo WHO nhấn mạnh.

Các chuyên gia y tế cộng đồng trên thế giới nhấn mạnh, vắc xin Covid-19 cần được ưu tiên cho nhóm người lao động yếu thế, nhân viên y tế nhằm mục đích kiểm soát hiệu quả dịch bệnh hoặc nhóm người cao tuổi, sức khỏe suy giảm nhằm mục đích giảm thiểu tỷ lệ tử vong, chứ không phải những thanh niên hay người dân có thu nhập tốt và điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế đầy đủ.