Du lịch Việt và bài toán phụ thuộc khách Trung Quốc, Hàn Quốc

Kiều Mai - 14:15, 07/01/2019

TheLEADERChính sách thị thực là một trong những yếu tố giúp du lịch Việt Nam hóa giải bài toán phụ thuộc vào thị trường khách Trung Quốc và Hàn Quốc.

Du lịch Việt và bài toán phụ thuộc khách Trung Quốc, Hàn Quốc
Du lịch trải nghiệm là một trong những yếu tố thu hút du khách tại Việt Nam

Một điều rõ ràng mà ngay cả những người không rành về du lịch cũng có thể nhìn ra chính là sức hấp dẫn và chỗ đứng của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Mảnh đất hình chữ S có diện tích không quá lớn nhưng lại được thiên nhiên ưu ái địa hình phong phú, từ bờ biển dài đến núi đồi hùng vĩ hay cao nguyên rộng lớn.

Chỉ cần lướt qua các bảng xếp hạng du lịch của thế giới sẽ thấy ngay Việt Nam luôn đứng ở vị trí cao và thậm chí những cái tên như Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng hay Phú Quốc hiếm khi nào khiến người dân thôi tự hào vì sự đánh giá cao của các tổ chức uy tín trên thế giới.

Trong nhiều năm gần đây, ngành du lịch Việt luôn tăng trưởng với tốc độ cao.Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, năm 2018, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 15,5 triệu lượt, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tuy vậy, trong số 15,5 triệu lượt khách quốc tế có tới quá nửa đến từ hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc với con số lần lượt là 5 triệu và 3,5 triệu lượt. Tổng cục Du lịch Thái Lan vừa đón du khách Việt Nam thứ 1 triệu vào ngày 13/12/2017 nhưng ở chiều ngược lại, số du khách Thái Lan tới Việt Nam còn chưa cán mốc 350.000 người.

Hơn 1 triệu người Singapore đến xứ sở chùa vàng năm ngoái, tương đương gần 1/5 dân số nhưng con số này tại Việt Nam chỉ chưa đầy 300.000 người. Hai thị trường có mức tiêu dùng cao là châu Âu và châu Mỹ cộng lại cũng chưa bằng con số du khách Hàn Quốc.

Ngoài số liệu thống kê, việc phụ thuộc lớn vào khách Trung Quốc và Hàn Quốc còn có thể nhìn thấy dễ dàng tại một số địa điểm du lịch nổi tiếng. Hạ Long trước đây chủ yếu sử dụng tiếng Anh giao tiếp và ghi biển, nay đã có thêm tiếng Trung, tiếng Hàn và có xu hướng ngày càng áp đảo.

Đà Nẵng, Nha Trang cách đây vài năm nhiều khách Âu, Mỹ thì giờ phần lớn là khách Trung Quốc và Hàn Quốc, các bảng chỉ dẫn, hướng dẫn, phiên dịch cũng diễn ra tình trạng như trên.

Anh Hoài – một phụ tàu tại Hạ Long cho biết khoảng 2 - 3 năm gần đây, tàu của anh không còn đón nhiều khách Âu, Mỹ nữa mà thay vào đó là số lượng áp đảo du khách Trung Quốc. Vào mùa cao điểm du lịch, tàu ngày nào cũng chạy và chắc có lẽ đến 5 ngày là đoàn khách Trung Quốc.

Thực trạng này đã đặt ra bài toán giảm sự phụ thuộc du lịch vào thị trường trọng điểm, tránh cú sốc do những diễn biến thiếu tích cực từ những “con át chủ bài”.

Làm sao để du lịch Việt bớt phụ thuộc vào khách Trung và Hàn?
Đà Nẵng đang trở thành điểm đến du lịch ưa thích của du khách Trung Quốc

Nhận định với TheLEADER bên lề Diễn đàn Cấp cao du lịch Việt Nam đầu tháng 12, Giám đốc Tiếp thị Hội đồng Du lịch Nam Úc Brent Hill cho rằng, rất nhiều địa điểm hiện nay cũng gặp phải vấn đề phụ thuộc tương tự.

Do đó, “việc tập trung hơn vào các thị trường như châu Âu, Mỹ hay Úc rất quan trọng. Ngày càng nhiều du khách Úc yêu thích Việt Nam bởi không ít người đã tới Thái Lan, tới Bali và dần tìm kiếm địa điểm mới. Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với Phillippines và nhiều quốc gia khác để trở thành một địa điểm mới cho châu Á và tôi nghĩ rằng Việt Nam đang làm rất tốt. Du lịch Việt Nam có thể bay lên nhờ vào lịch sử đất nước bởi lịch sử Việt Nam rất hấp dẫn. Đất nước này là một sự kinh ngạc!”, ông Brent Hill nhấn mạnh.

Tuy vậy, bản thân vị chuyên gia du lịch này cũng có ấn tượng và trải nghiệm không mấy thoải mái tại Việt Nam.

“Người Úc có thể đi vòng quanh thế giới rất dễ dàng. Khi chúng tôi đến Việt Nam và nhập cảnh, chúng tôi được chỉ định đứng ở đâu, được hướng dẫn chụp ảnh và đóng tiền. Đây là trải nghiệm và ấn tượng đầu tiên của tôi về Việt Nam. Việc này có thể diễn ra đơn giản hơn thông qua trực tuyến, du khách sẽ không phải kê khai, trả tiền và từ đó giúp quy trình hiệu quả hơn”, ông Brent Hill phân tích.

Chia sẻ về thực trạng này, ông Lê Quốc Việt, chủ khách sạn Santa Villas Hội An cũng cho rằng chính sách và thủ tục thị thực là một điểm nghẽn khiến khách Âu, Mỹ đến Việt Nam không nhiều.

“Khách Trung và Hàn đến Việt Nam nhiều do sự thuận tiện về chuyến bay và chính sách visa thông thoáng trong khi với khách Âu, Mỹ thì có sự chặt chẽ hơn. Những vị khách đến đây từng chia sẻ rằng họ mong muốn được ở Việt Nam khoảng 5 – 6 ngày nhưng do thị thực của Việt Nam chỉ cho 30 ngày nên thời gian còn lại họ buộc phải chuyển sang các nước xung quanh như Lào, Campuchia hay Thái Lan. 

Dù vậy, họ cho biết rất muốn khám phá ở Việt Nam nhiều hơn. Thủ tục xin visa tại Việt Nam đối với khách du lịch lần đầu khó và hạn chế chứ không thông thoáng”, ông Việt nói.

Không chỉ vậy, thông qua đại sứ quán, sử dụng quảng bá cũng như chiến dịch tiếp thị rõ ràng về những gì Việt Nam sở hữu sẽ giúp du khách bớt “rối”. Việt Nam sở hữu rất nhiều điểm ấn tượng nhưng chưa có trụ cột nào thật sự rõ ràng và được đầu tư lớn. “Thái Lan rõ ràng đã dành rất nhiều tiền cho một số khu vực trọng điểm. Do đó Úc, Mỹ và châu Âu hiểu được Thái Lan là gì”. 

Chuyên gia của Hội đồng Du lịch Nam Australia cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần tập trung vào việc khẳng định hình ảnh của mình trên toàn cầu, xác định đâu là sản phẩm đặc thù muốn truyền tải, từ đó nâng cao sự hiện diện hữu hình với thế giới.

Chia sẻ cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng nhận định: “Ở Việt Nam mọi thứ na ná nhau, ví dụ như Đà Nẵng thì cũng giống giống Nha Trang, Phú Quốc và không có điểm gì độc đáo hẳn. Du lịch Việt Nam hầu như tự phát, không có định hướng rõ ràng, do đó cần có quy hoạch cụ thể hơn về dịch vụ nào, giải trí nào hay khu nào làm cái gì”.

Bên cạnh đó, việc chi thêm tiền cho quảng cáo từ bài học của Thái Lan cũng là một giải pháp giúp du lịch Việt “cất cánh” hơn nữa.

Du lịch Việt giải bài toán phụ thuộc khách Trung Quốc, Hàn Quốc 1
Các sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng và mang đặc trưng, độc đáo riêng khiến du khách khó định hình rõ về Việt Nam

Theo vị Phó tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng, không ít người vẫn nghĩ Việt Nam là một đất nước chưa phát triển, vẫn còn lay lắt bởi chiến tranh và do đó, việc quảng cáo nhiều hơn sẽ giúp định hình cái nhìn tốt hơn.

“Thái Lan có sự đa dạng và họ chi trả cho quảng bá du lịch rất lớn. Trong khi Việt Nam chỉ chi khoảng 2 triệu USD thì con số này của Thái Lan lên tới 80 triệu USD. Đất nước này có dịch vụ đa dạng, ẩm thực tốt, chương trình biểu diễn hoành tráng và mỗi thành phố lại phát triển những đặc trưng khác nhau”, ông Quỳnh cho biết.

Nhận định về bài học từ du lịch Thái Lan với TheLEADER bên lề Diễn đàn Cấp cao du lịch Việt Nam đầu tháng 12, CEO AirAsia Tony Fernandes cho rằng: “Thái Lan đang làm tốt hơn những người khác nhưng họ không làm du lịch trong 1 năm, họ đã làm trong 50 năm nay. Trong khi đó Việt Nam cách đây hơn một thập kỷ, hầu như không ai nghĩ đến việc tới đây du lịch.

So sánh với Thái Lan sẽ là điều rất khó cho Việt Nam khi đầu tư của Việt Nam mới dừng lại ở mức 2 triệu USD. Thế nhưng điều này không có nghĩa là không thể và Việt Nam sẽ cần nỗ lực hơn nữa. Chúng ta đều thấy rằng du lịch hiện nay đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế, do đó, cần một cái nhìn nghiêm túc về du lịch và điều này cần thời gian, cần sự chăm chỉ.

Thái Lan không thể có hiện tại nếu không có sự chăm chỉ. Khi mọi người đều muốn làm du lịch, nói về du lịch, sự khác biệt sẽ tạo ra thành công. Điểm mấu chốt là chiến lược, đầu tư và chăm chỉ”.

Việt Nam có lợi thế về thiên nhiên hoang sơ, đồ ăn ngon, con người thân thiện, cùng nhiều lễ hội địa phương đặc sắc – những xu hướng du lịch mới và khách hàng sẵn sàng bỏ tiền để có được trải nghiệm chân thật.

Vấn đề đặt ra cho du lịch Việt Nam là phải tìm ra được những sản phẩm đặc trưng, chỉ có thể tìm thấy ở Việt Nam và quảng bá rộng rãi đến du khách khắp thế giới.