'Đùng một cái lại tăng giá' - Bệnh nan y của du lịch Việt

Vi Văn Hưởng * - 08:19, 28/10/2019

TheLEADERMấy ngày qua, báo chí, mạng xã hội và các công ty lữ hành Việt Nam đang phản đối kịch liệt, vì thông báo tăng giá vé tham quan Vịnh Hạ Long.

Với thiên hạ, bất ngờ luôn là yếu tố tích cực trong kinh doanh. Từ sản phẩm mới hoặc được làm mới, giảm giá, khuyến mại cho đến quà tặng, thái độ phục vụ… Ở Việt Nam, nhiều việc bất ngờ lại là tiêu cực, như việc Ban quản lý Vịnh Hạ Long đột ngột trình dự thảo tăng giá vé tham quan từ 22% đến 73% cho từng dịch vụ.

Ban quản lý Vịnh Hạ Long kêu các doanh nghiệp có ý kiến thần tốc. Hạn chót là ngày 25/10, nhưng nhiều đơn vị tới ngày 24/10 mới nhận công văn. Đa phần đều biết thông tin qua báo chí. Các báo đều đưa tin nóng là “Bàng hoàng” (Tuổi trẻ, Văn hóa), “Ngỡ ngàng” (Vov)… 

Có người bảo “hỏi ý kiến cho có ấy mà”. Cứ làm như các doanh nghiệp ngồi không, chỉ mỗi việc chờ công văn Ban quản lý vịnh Hạ Long để góp ý. Mà làm gì có chuyện gửi công văn được cho hàng chục ngàn công ty lữ hành. Cách làm ẩn chứa nhiều bất ổn về văn hóa ứng xử trong du lịch, ngành kinh tế nhưng đậm đặc văn hóa.

Du lịch Hạ Long bất ngờ nối tiếp bất ngờ. Năm 2018, bất chấp dư luận phản đối, Hạ Long đã – đùng một cái - tăng vé từ 20% đến 85% tùy sản phẩm. Năm nay, biên độ tăng ít hơn chút đỉnh, chỉ từ 22% đến 73%, nhưng các doanh nghiệp được hỏi ý kiến, dù chỉ là hình thức. 

Trước áp lực dư luận, UBND tỉnh Quảng Ninh lập tức có công văn hỏa tốc vào ngày 25/10 (hạn chót các doanh nghiệp phản hồi cho Ban quản lý vịnh Hạ Long) “yêu cầu tạm dừng việc triển khai tăng giá vé”. Giá vé tham quan muốn tăng phải trình Hội đồng Nhân dân cùng cấp và do Ủy ban Nhân dân quyết định. Chẳng lẽ Ban quản lý Vịnh Hạ Long vượt quyền nên UBND tỉnh Quảng Ninh mới tuýt còi thần tốc?

Nếu vượt quyền thì phải xử lý kỷ luật và chỉ thị, chứ sao lại yêu cầu như năn nỉ? Là cấp trên trực tiếp, tại sao không ra lệnh theo quy chuẩn của chế độ Thủ trưởng? Yêu cầu là vận động, thuyết phục; không có tính bắt buộc, chỉ dành cho các đoàn thể.

'Đùng một cái lại tăng giá' - Bệnh nan y của du lịch Việt
Tài nguyên du lịch của vịnh Hạ Long có thể nói là dẫn đầu cả nước. Ảnh: Emperor Cruises.

Quảng Ninh có sân bay quốc tế, 3 đường cao tốc, cửa khẩu đường bộ và đường thủy quốc tế, cảng biển, cảng sông; bờ biển dài 250 km, biên giới với Trung Quốc 119 km. Có di sản thế giới Hạ Long với hàng ngàn đảo lớn nhỏ và 4 thành phố trực thuộc… Tài nguyên du lịch, có thể nói là dẫn đầu cả nước. 

Dù đã tăng giá dịch vụ và tham quan kịch trần, nhưng năm 2018, doanh thu trên mỗi đầu khách của Quảng Ninh chỉ đạt 1.967.000 đồng; kém hơn Bình Thuận 2.216.000 đồng; thua xa Lào Cai 3.116.000 đồng và các tỉnh thành Đà Nẵng, Hà Nội, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh.

Nguồn thu chính của du lịch các nước là shopping, các dịch vụ vui chơi giải trí. Làm sao để khách lưu trú lâu hơn và tiêu xài nhiều hơn chứ không chỉ chăm chăm vào vé tham quan. Thái Lan là minh chứng điển hình nhất. Vé tham quan du lịch Thái Lan rất bèo, nhiều nơi còn cho không. 

Năm 2018, lượng khách du lịch Thái Lan xếp thứ 9 thế giới với 38.300.000 khách quốc tế nhưng doanh thu đạt 63 tỷ USD, đứng thứ 4 thế giới. Trong khi Trung Quốc đón 62,9 triệu khách, xếp thứ 4 thế giới nhưng doanh thu chỉ đạt 40,4 tỷ USD; xếp thứ 10 thế giới. 

Các nước xếp danh thắng theo loại và hạng, có mức giá tương ứng do cơ quan chuyên trách quản lý, thực hiện theo quy chuẩn thống nhất. Không có kiểu quản lý như lẩu thập cẩm ở Việt Nam. Có điểm do địa phương từ xã đến tỉnh quản lý. Có điểm do các ban ngành, đoàn thể hoặc tư nhân và cả tôn giáo quản lý. Vì quản lý thập cẩm nên giá vé cũng thập cẩm. Cứ theo cảm tính, từ việc định giá đến tăng giá. Dù phải thông qua Hội đồng nhân dân cũng luôn nhanh chóng và dễ dàng dưới chiêu bài để phát triển kinh tế.

Đã qua thời tùy hứng, đùng một cái - lái xe hoặc đón xe đi du lịch. Tới nơi, nhẹ thì bị ép giá, nặng thì bị chặt chém, có khi vật vờ vì không còn phòng ngủ. Người trong nước cũng chuẩn bị trước năm bảy tháng, có khi cả năm để đi du lịch. Người nước ngoài thường cả năm. Hợp đồng đã ký, tiền đã cọc. Đùng một cái, tăng giá vé. Doanh nghiệp khóc ròng. Làm thì lỗ, không làm bị khách kiện, càng chết. Lỗ thì ráng tìm nguồn khác bù đắp chứ chết là sập tiệm, phá sản. Không có nước nào mà doanh nghiệp khổ như Việt Nam.

Tăng giá vé tham quan và dịch vụ các điểm du lịch chỉ là tập 1, còn vô vàn các tập tiếp theo. Nào là vé máy bay, vé xe lửa. Nào là giá phòng, giá ăn. Sợ nhất là cặp đôi giá điện, giá xăng dầu. Cứ như “song kiếm hợp bích”. Cặp đôi này chỉ cần nhảy lò cò là xã hội cuống cuồng bứt phá. Rồi các trạm BOT thập diện mai phục… 

Tất cả cứ thi đua – đùng một cái – hành doanh nghiệp và hạ người dân, không thương tiếc. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho kinh tế Việt Nam nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng, không chịu lớn.

Các nước tăng giá để tăng chất lượng dịch vụ hoặc do lạm phát. Lý do tăng giá của Ban quản lý Vịnh Hạ Long rất vô lý. Chỉ ở du lịch Việt Nam mới có văn hóa – “đùng một cái - tăng giá” như vậy. Có người nói bệnh nan y rồi, khó chữa lắm. 

Hồi nào tới giờ, Ninh Bình vô địch với Tràng An, Bái Đính, Tam Cốc. Gần đây thì Hạ Long soán ngôi. Tham gia câu lạc bộ “đùng một cái – tăng giá” còn có các địa phương như Quảng Bình, Quảng Trị, Huế…

Có người thắc mắc “bệnh nặng như vậy sao chưa thấy Tổng cục du lịch chỉ định điều trị và kê toa trị dứt điểm. Hay là chờ bệnh tự sinh thì tự chết? Các Hiệp hội du lịch, lữ hành trung ương và 63 hiệp hội các tỉnh thành cũng án binh bất động, giữ thái độ “Im lặng là vàng”, mặc doanh nghiệp kêu trời. Nếu không có báo chí và mạng xã hội, doanh nghiệp và cả người dân không biết còn khốn đốn cỡ nào.

Thầy tôi kể: “Cách đây mấy năm, khi Khu du lịch Tràng An tăng giá 60% mà không thèm thông báo, dù công ty đã ký hợp đồng và đặt vé trước hai tháng. Lúc đi, giá tăng, té ngửa. Cự cãi cũng vô ích, tốn thêm mấy triệu tiền chênh lệch cho sinh viên du lịch đi thực tập. Các em có thêm thực tế về bất cập dịch vụ của du lịch Việt Nam. Tức vì tour lỗ thì ít, mà vì cách làm tùy tiện thì nhiều”. Thôi đành tập chịu đựng, cứ “sống chung với lũ”, có lụt bất thường cũng không ngạc nhiên quá đáng.

Ông kể tiếp: “Cũng năm đó, Ban quản lí di tích Tháp Bà (Nha Trang, Khánh Hòa) tăng giá vé từ 21.000 đồng lên 22.000 đồng. Chỉ tăng 1.000 đồng nhưng thông báo được gởi trước mấy tháng và ghi rõ mục đích là để tăng mức bảo hiểm cho du khách. Dù chỉ 1.000 đồng nhưng thông báo ghi “Nhằm giúp các doanh nghiệp chủ động đưa vào giá thành sản phẩm. Rất mong nhận được sự thông cảm, tiếp tục nhận được sự hợp tác và hỗ trợ của các doanh nghiệp lữ hành”. Đọc xong, ông bảo muốn rơi nước mắt vì mừng, vì mình được tôn trọng thật sự.

Nếu bế tắc trước bài toán doanh thu, từng địa phương sao không mời các doanh nghiệp lữ hành cùng ngồi lại, kiếm lối ra, tìm tiếng nói chung, hợp lực giải quyết. Bài học nhỏ của Ban quản lý di tích Tháp Bà rất cần được các địa phương lấy đó làm chuẩn mực để hành xử khi tăng giá tham quan, dịch vụ. Cách làm vừa rồi của Ban quản lý Vịnh Hạ Long vừa thiếu tôn trọng doanh nghiệp, vừa xem thường khách hàng.

Nghe Ban quản lý Vịnh Hạ Long dừng tăng giá, nhiều doanh nghiệp hí hửng. Đừng vội mừng, công văn chỉ “yêu cầu tạm dừng”. Nghĩa là có thể tăng trở lại bất cứ lúc nào. Lúc đó, không chỉ “Đùng một cái - tăng giá” mà là “Đùng đùng tăng giá”.

Có vẻ các doanh nghiệp lữ hành hiền quá. Bị ép và xem thường cỡ đó mà vẫn cố chịu đựng. Sao không liên kết lại, tẩy chay, chuyển khách sang nơi khác, xem ai thiệt hại hơn thì biết. Cũng là cách chữa bệnh “Đùng một cái – tăng giá” và răn đe các địa phương khác.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Vi Văn Hưởng, Giám đốc Bảo hành dự án CBT phía Bắc