Được Alibaba rót hàng tỷ USD, Lazada vẫn chưa thể làm nên chuyện tại Việt Nam

Trần Dũng - 07:19, 24/03/2018

TheLEADERTrong khi Lazada đã thống lĩnh tuyệt đối thị trường thương mại điện tử tại Thái Lan và Malaysia, thị trường Việt Nam vẫn là chiến trường rất cam go.

Thị trường thương mại điện tử đang phát triển với tốc độ chóng mặt tại Đông Nam Á. Dự báo, tới năm 2025, quy mô thị trường này sẽ vào khoảng 88 tỷ USD, tương đương với 6% tổng doanh số ngành bán lẻ. Tầng lớp trung lưu ngày càng đông và tiếp cận Internet dễ dàng là hai nhân tố chính thúc đẩy thương mại điện tử tại Đông Nam Á phát triển.

Rất nhiều doanh nghiệp nhận ra tiềm năng lớn mạnh của thị trường hơn 600 triệu dân này. Amazon, sau khi tuyến bố chuẩn bị gia nhập thị trường Singapore vào năm 2016, cũng đang 'nghe ngóng' thị trường Việt Nam khi cho biết sẽ đào tạo các doanh nghiệp Việt Nam để hàng hóa Việt Nam có mặt trên Amazon dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, không có doanh nghiệp thương mại điện tử nào đầu tư vào khu vực Đông Nam Á nhiều hơn Alibaba. Kể từ năm 2016 đến nay, gã khổng Trung Quốc đã đổ tổng cộng 4 tỷ USD vào thị trường láng giềng thông qua các khoản đầu tư vào Lazada. 

Được Alibaba rót hàng tỷ USD, Lazada vẫn chưa thể làm nên chuyện tại Việt Nam
Lazada là lựa chọn hàng đầu khi mua hàng qua mạng tại Thái Lan, Malaysia và Việt Nam

Khoản đầu tư lớn mang lại kết quả khả quan tương ứng. Theo thống kê của iPrice, Lazada đang là lựa chọn hàng đầu khi mua hàng qua mạng tại Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. 

Trong đó, tại thị trường Thái Lan và Malaysia, Lazada gần như là người thống trị, khi nắm giữ xấp xỉ 50% lưu lượng truy cập vào, bỏ xa những đối thủ còn lại như 11Street, Shopee hay Chillindo.

Tại Việt Nam, tình hình hoàn toàn thay đổi. Dù Lazada vẫn đứng ở vị trí đầu tiên, doanh nghiệp TMĐT này chỉ mới chiếm 19,9% lượng truy cập. Thế giới di động đứng ở vị trí thứ 2 với 15%, tiếp theo là Sendo (11%) và Tiki (8%). Những con số rất sát nhau cho thấy, thị trường Việt Nam vẫn còn phân mảnh và chưa có dấu hiệu cho thấy Lazada sẽ vươn lên thống trị như tại Malaysia hay Thái Lan.

Sự khác biệt, một phần đến từ việc khách hàng muốn mua hàng online tại Việt Nam có rất nhiều lựa chọn. Thế giới di động là trang bán hàng online số 1 trong ngành hàng công nghệ, nhờ vào uy tín chuỗi Thegioididong.com đã gây dựng. Trong khi đó, Tiki cũng nổi lên nhờ vào chính sách thanh lọc hàng rất kỹ từ phía nhà phân phối. 

Các doanh nghiệp TMĐT tại Việt Nam cũng được hẫu thuận rất lớn về nguồn lực. Thế giới di động là doanh nghiệp bán lẻ quy mô lớn nhất Việt Nam, Sendo thuộc tập đoàn FPT, Adayroi thuộc Vingroup còn Tiki cũng đã gọi được hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ VNG (Việt Nam), JD.com (Trung Quốc) và STIC (Hàn Quốc).

Những yếu tố đó biến thị trường TMĐT Việt Nam thành nơi cạnh tranh khốc liệt nhất Đông Nam Á. Bất chấp việc đã có mặt 5 năm tại Việt Nam, kết hợp với nguồn vốn bổ sung từ Alibaba, Lazada vẫn chưa thể làm nên chuyện tại Việt Nam. 

"Người tiêu dùng sẽ thích kịch bản ở Việt Nam hơn, bởi để cạnh tranh, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ phải nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ", iPrice đánh giá.