Forbes gọi tên 3 startup Việt Nam tiềm năng nhất khu vực

Việt Hưng - 17:15, 03/09/2023

TheLEADERLần lượt các startup Việt Nam là Dat Bike, CoolMate và KiotViet ghi dấu ấn trong lĩnh vực xe điện, thương mại điện tử và công nghệ bán lẻ, lọt danh sách danh sách 100 công ty tiềm năng khu vực Châu Á năm 2023 theo Forbes bình chọn.

Năm nay, danh sách Forbes Asia 100 to Watch 2023 tôn vinh các công ty quy mô nhỏ cũng như công ty khởi nghiệp nhắm tới những vẫn đề chưa được quan tâm rộng rãi, hoặc đã áp dụng công nghệ mới trong quá trình sản xuất.

Các doanh nghiệp này thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ công nghệ sinh học cho đến chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử, bán lẻ, tài chính,…

Để chọn ra 100 công ty tiềm năng nhất, Forbes Asia đã gửi danh sách đến các mô hình tăng tốc, ươm tạo startup, các quỹ đầu tư mạo hiểm, trường đại học cũng như nhiều tổ chức có liên quan khác để xây dựng danh sách đề cử. Cuối cùng, Forbes Asia chọn ra 100 cái tên ưu tú nhất từ danh sách 550 ứng viên ban đầu.

Để đủ điều kiện góp mặt trong bảng xếp hạng, các công ty phải có trụ sở chính tại châu Á - Thái Bình Dương, thuộc sở hữu tư nhân, hoạt động vì lợi nhuận, có doanh thu trong năm tài chính gần nhất không vượt quá 50 triệu USD và nhận được tổng nguồn vốn đầu tư không quá 100 triệu USD tính đến ngày 7/8/2023.

Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng được tính đến như sức ảnh hưởng của doanh nghiệp tới ngành kinh doanh hoặc tới địa phương, khả năng tăng trưởng doanh thu và gọi vốn đầu tư, câu chuyện khởi nghiệp thuyết phục,…

Trong bảng xếp hạng năm nay, Singapore tiếp tục là quốc gia đóng góp số lượng lớn nhất với 20 doanh nghiệp. Đứng ở vị trí tiếp theo lần lượt là Hong Kong (15 doanh nghiệp) và Trung Quốc (11 doanh nghiệp).

Các trung tâm khởi nghiệp mới nổi trong khu vực là Indonesia và Philippines cũng đóng góp lần luợt 11 công ty và 9 công ty trong danh sách Forbes Asia 100 to Watch 2023. 

Tại Việt Nam, Forbes Asia 100 to Watch 2023 gọi tên 3 startup Việt tiềm năng trong khu vực gồm: Dat Bike, CoolMate và KiotViet.

Forbes gọi tên 3 startup Việt Nam tiềm năng nhất khu vực
Dat Bike đã gọi vốn thành công 16,5 triệu USD, và phủ sóng hệ thống cửa hàng ở cả ba miền đất nước

Dat Bike là startup về xe máy điện được thành lập bởi CEO 9X Nguyễn Bá Cảnh Sơn. Năm 2019, Sơn từng mang ý tưởng về dòng xe máy điện thân thiện với môi trường lên chương trình Shark Tank Việt Nam.

Sau các vòng gọi vốn đầu tiên, đến nay Dat Bike đã làm chủ công nghệ pin và bộ điều khiển xe điện. Các chi tiết cấu thành sản phẩm đều được Dat Bike thiết kế và đa số do các nhà cung cấp trong nước sản xuất nhằm chủ động nguồn cung và giảm giá thành.

Công ty tuyên bố chỉ trong 12 tháng, doanh thu của họ đã tăng gấp 10 lần. Hiện tại, Dat Bike đã mở ba cửa hàng chính hãng tại TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng.

Gần đây nhất, Dat Bike cũng ra mắt Dat Charge, trạm sạc siêu tốc dành cho xe 2 bánh giúp giảm 1/3 thời gian sạc, khi sạc 100 km trong 20 phút, so với 60 phút trở lên của trạm sạc EV thông thường.

Từ khi thành lập đến nay, Dat Bike đã cho ra đời ba phiên bản xe máy. Tính đến hết năm 2022, doanh nghiệp này đã gọi vốn thành công 16,5 triệu USD, và phủ sóng hệ thống cửa hàng ở cả ba miền đất nước.

Dat Bike đặt tham vọng trở thành nhà sản xuất Việt Nam dẫn đầu trong khát vọng "xanh hóa" thị trường xe hai bánh có giá trị 25 tỷ USD tại khu vực Đông Nam Á.

Cùng ra đời vào năm 2019, Coolmate đi theo mô hình thương mại điện tử D2C (cung cấp sản phẩm trực tiếp qua kênh trực tuyến), nhằm cắt giảm chi phí phân phối trong bán lẻ truyền thống.

Sản phẩm Coolmate được sản xuất 100% tại Việt Nam từ vải và phụ liệu chất lượng cao. Mô hình này cho phép Coolmate thường xuyên kết nối và lắng nghe những nhu cầu của khách hàng, từ đó mang đến trải nghiệm mua sắm tốt nhất.

Forbes gọi tên 3 startup Việt Nam tiềm năng nhất khu vực 1
Ra đời vào năm 2019, Coolmate đi theo mô hình thương mại điện tử D2C

Sau ba năm hoạt động, với doanh thu tăng gấp 3-4 lần mỗi năm, Coolmate mong muốn trở thành một điển hình về doanh nghiệp có trách nhiệm bằng việc kinh doanh bền vững, có lợi nhuận, mang lại giá trị thiết thực cho khách hàng, nhân viên, đối tác, và cổ đông.

Tính đến năm 2022, startup này đã đạt doanh thu gần 290 tỷ đồng với 530.000 khách hàng và hơn 1 triệu đơn hàng được giao thành công. Riêng website đạt mức 1,5 triệu lượt truy cập một tháng.

Đáng chú ý, Coolmate ghi dấu ấn đặc sắc trong năm 2022 khi huy động vốn thành công liên tiếp 2 lần với tổng số tiền lên đến 4,3 triệu USD.

Trong bối cảnh thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, cùng với việc ngành dệt may nước nhà có cơ hội chuyển biến tích cực bằng việc quy tụ chuỗi giá trị thay vì hoạt động rời rạc, Coolmate sẽ tiến tới IPO vào năm 2025.

Còn KiotViet ra đời năm 2014, là sản phẩm của Công ty Cổ phần Phần mềm Citigo, xác định sứ mệnh phổ cập công nghệ cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, cung cấp trọn bộ giải pháp quản lý cho hơn 150.000 tiểu thương ở Việt Nam.

Năm 2021, KiotViet đã huy động 45 triệu USD trong vòng Series B từ quỹ đầu tư quốc tế KKR. KiotViet hướng tới việc cung cấp giải pháp kinh doanh toàn diện cho các tiểu thương, từ phần mềm quản lý bán hàng tới sàn kết nối nguồn hàng giá tốt, và giải pháp thanh toán, vay vốn.

Với sự trợ giúp của KiotViet, ước tính chủ cửa hàng đã tiết kiệm được 30-50% chi phí nhân viên, mỗi ngày bớt từ 1-3 giờ phải có mặt ở cửa hàng, đồng thời giảm tối đa tỉ lệ thất thoát ở cửa hàng.

Startup đồng thời mở rộng cung cấp dịch vụ B2B, logistics tích hợp cho các nhà bán hàng, đồng thời có kế hoạch cung cấp các giải pháp thanh toán và cho vay.

Trước khi có sự tham gia của KKR, KiotViet từng nhận vốn các nhà đầu tư như Quỹ đầu tư mạo hiểm Jungle Ventures, Công ty CVM, ngân hàng Kasikorn (Thái Lan).