Giấc mơ hơn hai thập kỷ của TP. HCM

Hứa Phương - 10:14, 19/10/2019

TheLEADERMặc dù có nhiều điều kiện nhưng dự án phát triển TP. HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế từ năm 1996 vẫn chưa trở thành hiện thực.

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường chính sách công và quản lý Fulbright, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định, TP. HCM có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. 

Lợi thế đầu tiên theo ông Tự Anh đó là vị trí kinh tế nổi trội của TP.HCM so với cả nước. Cụ thể, TP.HCM chiếm 9,4% dân số nhưng giá trị xuất khẩu chiếm 13,9%, GRDP chiếm 24%, thu ngân sách chiếm 26,6%, dư nợ cho vay 28,1% và số lượng doanh nghiệp chiếm tới 51,8% của cả nước. Số công ty và tổ chức niêm yết tính đến ngày 10/5/2019 là 432 so với 377 của Hà Nội, quy mô vốn hóa đạt 3,176 triệu tỷ đồng so với 219 nghìn tỷ đồng của Hà Nội.

‘TP.HCM sẽ trở thành trung tâm tài chính quốc tế nếu...’ 1
Vị thế kinh tế TP.HCM so với cả nước năm 2018 (Nguồn GSO)

Tỷ trọng đóng góp cho quốc gia rất nổi trội như trong lĩnh vực xuất khẩu chiếm 40%, thu ngân sách 42%, đầu tư FDI 45%, số lượng doanh nghiệp chiếm 52%, kiều hối 65%, giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán chiếm 94%...

TP. HCM còn có vị trí đặc biệt quan trọng và là địa điểm thuận lợi để kết nối với các đô thị lớn trong khu vực. Nếu lấy TP. HCM làm tâm, trong bán kính 3 giờ bay có thể tiếp cận được tất cả thủ đô của các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Một lợi thế nữa đó là TP. HCM nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Khu vực này chiếm 45% GDP, 40% xuất khẩu, 42% thu ngân sách, 45% đầu tư FDI của cả nước.

Dù có nhiều thuận lợi nhưng theo ông Tự Anh, TP. HCM có xuất phát điểm thấp nên dù có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhưng vị thế so sánh quốc tế về năng lực cạnh tranh của thành phố với nhiều đô thị lớn khác trong khu vực còn hạn chế. Hiện TP. HCM chỉ đang đứng thứ 55 trên thế giới về thu hút thương mại và xếp thứ 128 về quy mô kinh tế năm 2018.

‘TP.HCM sẽ trở thành trung tâm tài chính quốc tế nếu...’
Chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh

Cuộc đua trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế theo ông Tự Anh là một cuộc đua đường trường, TP. HCM còn nhiều khó khăn thách thức trong cuộc cua này. Quan trọng nhất là TP.HCM phải duy trì tốc độ tăng trưởng như hiện tại trong một thời gian dài. 

Điển hình như việc, tỷ lệ ngân sách được giữ lại giảm đang làm giảm động lực phát triển của địa phương. Năm 2004, tỷ lệ ngân sách được giữ lại của TP. HCM là 32% nhưng con số này hiện tại đã giảm xuống còn 18%. 

Bên cạnh đó những đặc trưng của hệ thống tài chính Việt Nam cũng làm ảnh hưởng đến tiến trình TP. HCM trở thành trung tâm tài chính. Hệ thống tài chính của Việt Nam do các ngân hàng đóng vai trò chủ đạo, đặc biệt là ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước.

Các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công có quy mô lớn hoặc vẫn chưa cổ phần hóa hoặc đã cổ phần hóa nhưng tỷ lệ thấp.

Nhiều chính sách liên quan đến môi trường kinh doanh ở tầm quốc gia chưa thực sự tạo điều kiện cho sự phát triển năng động của thị trường tài chính. Đồng tiền Việt Nam chưa có khả năng chuyển đổi và tài khoản vốn chưa được tự do hóa.

Hay các luật liên quan như luật ngân hàng nhà nước, luật các tổ chức tín dụng, luật chứng khoán chưa giúp cho thị trường tiền tệ và thị trường vốn hoạt động hiệu quả, theo đúng chuẩn mực của các thị trường tài chính quốc tế.

Ngoài ra, một trong những thách thức lớn nhất để TP. HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế là nhiều chính sách của thành phố phụ thuộc vào Trung ương.

Do đó, ông Tự Anh khuyến nghị, lấy khu vực Thủ Thiêm làm trung tâm, xem xét các vấn đề giao thông công cộng, giao thông kết nối nội vùng và quốc tế nhằm giảm thiểu chi phí ùn tắc, tăng cường mức độ tiếp cận thuận lợi giữa TP.HCM và các trung tâm kinh tế, tài chính khu vực và toàn cầu.

‘TP.HCM sẽ trở thành trung tâm tài chính quốc tế nếu...’ 2
Tỷ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại giảm qua các thời kỳ

Đồng thời TP. HCM phải là địa phương thực hiện chính sách của Trung ương một cách sáng tạo nhất, được thử nghiệm những chính sách mới nhất để trở thành trung tâm tài chính của quốc gia trước khi trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế.

"TP. HCM có thể trở thành trung tâm tài chính quốc tế nếu có sự ủng hộ và hậu thuẫn tối đa của Chính phủ. Chính sách phát triển TP. HCM thành trung tâm tài chính cần trở thành chính sách quốc gia. Điều kiện cơ chế chính sách vĩ mô là bệ đỡ không thể thiếu với sự phát triển của thành phố", ông Tự Anh nhấn mạnh.

Ông Tự Anh nhắc lại, TP. HCM đã từng có chuyến đi học tập kinh nghiệm tại Thượng Hải (Trung Quốc). Thượng Hải bắt đầu chương trình phát triển trung tâm tài chính từ năm 1992, đến năm 1996 TP. HCM cũng đã có dự án phát triển. Nhưng đến thời điểm hiện tại, Thượng hải đã có trung tâm tài chính khu vực, thậm chí đang tiến sát gần với tầm quốc tế.

"Thời gian 2 thành phố đưa ra chương trình cũng gần như nhau nhưng họ đã tiến rất nhanh, rất xa và chắc chắn, còn chúng ta thời điểm này mới mang ra thảo luận vấn đề đã nêu ra cách nay 20 năm. Phải nói rằng, quãng thời gian kéo dài vừa qua là do chúng ta quyết định chứ không phải do các yếu tố khách quan nào", ông Tự Anh nhấn mạnh thêm.

Do xuất phát điểm sau các trung tâm tài chính lớn trên thế giới nên ông Tự Anh cho rằng TP. HCM cần tìm đường ngách để phát triển. Hiện nay công nghệ đang phát triển mạnh nên TP. HCM cần dựa vào fintech (công nghệ tài chính) và tận dụng vị trí giao thương giữa vùng công nghiệp Đông Nam Bộ và vùng nông nghiệp Tây Nam Bộ chứ không thể đi theo con đường truyền thống như các thành phố khác.