Giải bài toán nguồn nhân lực lĩnh vực trí tuệ nhân tạo

Việt Hưng - 09:08, 14/11/2020

TheLEADERCông nghệ trí tuệ nhân tạo đang góp mặt vào nhiều lĩnh vực quan trọng như y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, thương mại điện tử…

Từ năm 2014, trí tuệ nhân tạo (AI) được đưa vào danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển của Việt Nam. Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và đầu tư xây dựng "Chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0", xác định AI là một trong những công nghệ đột phá, mũi nhọn, cần được ưu tiên tập trung các nhóm chính sách để thúc đẩy phát triển.

Nhiều lĩnh vực có sự góp mặt của AI như: y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông và thương mại điện tử… Có thể kể đến hệ thống giao thông thông minh tại TP.HCM, xe tự hành cấp độ 3 sử dụng ở các khu đô thị, hệ thống giám sát hành trình do Tổng cục Đường bộ đặt hàng hiện theo dõi khoảng 1 triệu xe khách và xe kinh doanh vận tải…

Trong lĩnh vực y tế, ứng dụng AI giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả khám chữa bệnh, khắc phục các rủi ro và sự cố y khoa, giảm tải các bệnh viện. 

Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh viện Gia An 115 TP.HCM và bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ là ba bệnh viện đầu tiên ứng dụng AI trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ.

Với sự trợ giúp của AI, ngành du lịch cũng tạo ra nhiều sản phẩm mới hấp dẫn. Vinpearl là một trong những hệ thống khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt giúp giảm thiểu tối đa thời gian chờ đợi thủ tục và quá trình di chuyển giữa các khu vực nội bộ của Vinpearl.

Cơ sở hạ tầng phục vụ công tác nghiên cứu và ứng dụng AI cũng được chú trọng đầu tư, như dự án khu công nghệ cao Hoà Lạc với tổng số vốn 450 triệu USD. Theo định hướng, đây sẽ là nơi ươm tạo công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản xuất, cung ứng sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao…

Giải bài toán nguồn lực lĩnh vực trí tuệ nhân tạo
AI được đưa vào danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển của Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo toàn cầu đã có bước phát triển vượt bậc. Việt Nam xác định công nghệ AI là một trong các công nghệ đột phá, mũi nhọn.

Trong đó, nguồn nhân lực là một trong những ưu tiên hàng đầu gồm: nâng cao chất lượng đào tạo; xây dựng trung tâm đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0; khuyến khích ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; ưu tiên đầu tư nghiên cứu phát triển thông qua các quỹ khoa học công nghệ và các trung tâm đổi mới sáng tạo.

Theo đó, Việt Nam có những thuận lợi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực AI. Thời gian qua, tại Việt Nam, với môi trường kinh doanh mở và nguồn nhân lực đam mê công nghệ, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực đã có bước phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy mối liên kết giữa các thành tố trong hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo trên cả nước.

Ông Kyoo Sung Noh, Chủ tịch Trung tâm Năng suất Hàn Quốc cho biết, từ kinh nghiệm vận dụng AI tại Hàn Quốc, ông đề xuất các ý tưởng hợp tác trong lĩnh vực AI giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Ví dụ, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng thành phố thông minh trong tương lai. Hàn Quốc đã xây dựng thành phố thông minh từ năm 2000 với tổng vốn đầu tư 200 tỷ USD. 

Do đó, những kinh nghiệm trong lĩnh vực này của Hàn Quốc sẽ giúp ích cho Việt Nam thời gian tới. Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG... đều áp dụng dây chuyền hiện đại trong sản xuất, không ít doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư tại Việt Nam và gặt hái nhiều thành công.

Giải bài toán nguồn lực lĩnh vực trí tuệ nhân tạo 1
Việt Nam có những thuận lợi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực AI

Ông Tuấn Cao, CEO Genetica giới thiệu ứng dụng vi sinh của startup. Giải mã gen là xu hướng đã có tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới nhưng còn khá mới ở các nước Đông Nam Á. Cụ thể, ứng dụng giải mã gen của Genetica không chỉ giúp giải trình tự gen mà còn phân tích kết quả mã gen cho người dùng một cách dễ hiểu, dễ ứng dụng. Nếu 2 - 3 năm nữa, tại các bệnh viện có thể cung cấp bản đồ gen cho người bệnh thay vì phát các mẫu khám, bệnh nhân vẫn có thể hiểu được phương pháp và thuốc chữa.

Ông Lê Hồng Việt, đại diện Tập đoàn FPT cho biết, đây đang là thách thức với FPT khi thị trường khan hiếm nhân lực AI. Những người xuất sắc nhất Việt Nam thường đi nước ngoài và không trở về. FPT tìm hiểu lý do thì thấy rằng các nhân lực hầu hết học part-time nên chất lượng nghiên cứu không cao. Do đó FPT mong muốn các đơn vị đào tạo thay đổi và FPT sẵn sàng tài trợ học bổng để họ chuyên tâm học tập nghiên cứu.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel bổ sung thêm dẫn chứng ở 14 quốc gia có nền AI phát triển nhất thế giới, điểm chung là họ đều tập trung đầu tư nguồn nhân lực. 

Do đó theo ông Vinh nên tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ tại đại học, giải quyết vấn đề vừa đào tạo vừa không lãng phí nguồn sinh viên của đơn vị đào tạo. Việc chia sẻ dữ liệu, hỗ trợ các nhóm nghiên cứu nhỏ lẻ sẽ là viên gạch để phát triển cộng đồng AI Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Bùi Hải Hưng, đại diện VinAI cho rằng, đào tạo tại các trường đại học là cơ sở nòng cốt, mấu chốt để giải quyết vấn đề nhân lực. Việt Nam nên tập trung vào vấn đề con người - trước hết là giáo viên. VinAI có định hướng hỗ trợ các trường đại học về lĩnh vực nghiên cứu, giúp các giảng viên hứng thú với vấn đề nghiên cứu, tiếp cận với thế giới.