Giải pháp căn cơ cho du lịch Quảng Trị

An Chi - 08:16, 12/05/2021

TheLEADERMột trong những giải pháp quan trọng nhất do du lịch Quảng Trị phát triển trong thời gian tới là cần có kế hoạch thu hút đầu tư phát triển một số dự án lớn, khu nghỉ dưỡng, dịch vụ, vui chơi giải trí chất lượng cao để tạo động lực cho phát triển du lịch.

Giải pháp căn cơ cho du lịch Quảng Trị
Thành Cổ Quảng Trị - Di tích quốc gia đặc biệt

Trăn trở đầy tâm huyết của ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đối với giải pháp do du lịch Quảng Trị cũng là bài toán mà địa phương này cần sớm tháo gỡ để phát triển du lịch.

Thực tế cho thấy, một trong những yếu tố quan trọng nhất khiến du lịch Quảng Trị chậm phát triển trong suốt thời gian vừa qua là do cách làm, sản phẩm, dịch vụ du lịch thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Quảng Trị đang rất thiếu vắng các dự án nghỉ dưỡng lớn, cơ sở lưu trú chất lượng cao. Cả bờ biển Cửa Việt dài mấy km, chỉ có một khu nghỉ dưỡng 3 sao, không thể phục vụ đủ nhu cầu và hấp dẫn khách du lịch đến với vùng đất này. 

Sản phẩm du lịch của Quảng Trị đang rất đơn điệu, nghèo nàn; số lượng cơ sở lưu trú và cơ sở lưu trú cao cấp còn rất hạn chế. Trong khi đó, giao thông lại khó khăn, bất tiện đang khiến du lịch không thể phát triển.

Đây chính là lý do khiến nơi đây vẫn đang là cái tên bị nhiều du khách bỏ qua trên bản đồ du lịch. Du khách thường chỉ đi qua Quảng Trị mà không lưu trú lại. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2018, khách du lịch đến Quảng Trị là 1,82 triệu lượt, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng doanh thu du lịch xã hội ước đạt 1.624 tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2017.

Tính đến tháng 10/2019, tổng lượng khách đến tham quan lưu trú tại Quảng Trị ước đạt hơn 2 triệu lượt, tổng doanh thu kinh doanh du lịch xã hội ước đạt hơn 1.700 tỷ đồng, tăng 9,7% so với năm 2018.

Mặc dù, khách du lịch đến Quảng Trị vẫn tăng đều qua các năm, tuy nhiên, con số này là quá nhỏ bé so với các địa phương khác của cả nước. 

Đơn cử như tại Đà Nẵng, theo thông tin từ sở du lịch thành phố này, trong năm 2019, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch Đà Nẵng ước đạt gần 8,7 triệu lượt, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2018 và gấp hơn 4 lần lượng khách du lịch đến Quảng Trị.

Trong đó, khách quốc tế ước đạt 3,5 triệu lượt, tăng 22,5% so với cùng kỳ 2018, khách nội địa ước đạt 5,2 triệu lượt, tăng 8% so với cùng kỳ 2018. Đáng chú ý, tổng thu du lịch tại Đà Nẵng ước đạt 30.973 tỷ đồng (gấp 18 lần doanh thu từ du lịch tại Quảng Trị) , tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 113% kế hoạch.

Ngay một địa phương rất gần Quảng Trị là Quảng Bình, năm 2019, trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, lượng khách và doanh thu từ du lịch của Quảng Bình đã gần gấp 3 lần Quảng Trị. 

Cụ thể, lượng khách du lịch đến Quảng Bình đạt khoảng 5 triệu lượt với tổng thu ước đạt 5.570 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch và tổng thu từ ngành này đạt lần lượt là 16,1% và 17%.

Như vậy, xét trên cả lượt khách, doanh thu và tốc độ tăng trưởng ngành du lịch của Quảng Trị đều đang cho thấy sự thua kém rất lớn so với các địa phương khác.

Hiện trạng của du lịch Quảng Trị ở thời điểm hiện tại đang có khá nhiều nét tương đồng với Quảng Bình, Bình Định, Quảng Ninh... hơn 5 năm trước.

Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, nhiều di tích, thắng cảnh đẹp, lại có bờ biển dài, là cửa ngõ ra biển của khu vực Tây Nguyên, Bình Định có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Song sau 30 năm đổi mới, tiềm năng của du lịch Bình Định dường như vẫn chưa được đánh thức. Thời điểm cuối năm 2016, tổng doanh thu toàn ngành du lịch cả năm chưa tới 1.500 tỷ đồng, ngang với mức của Quảng Trị.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, tỉnh này đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho hàng loạt dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Đáng chú ý là nhiều dự án lớn, trọng điểm như quần thể resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Nhơn Lý; Crown Retreat Quy Nhon Resort (Cát Tiến, Phù Cát); Resort cao cấp Anatara, Casa Marina Resort (Bãi Xếp, Ghềnh Ráng)... đã làm thay đổi bộ mặt của địa phương này. 

Hay như tại Quảng Ninh, sau khi sự xuất hiện của các chủ đầu tư lớn như Vingroup, Sun Group... cùng các dự án nghỉ dưỡng, du lịch giải trí đẳng cấp, ngành du lịch của địa phương này đã có bước phát triển đột phá. 

Giải pháp nào cho du lịch Quảng Trị?

Quảng Trị sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, không chỉ ở các danh lam thắng cảnh mà còn có cả yếu tố lịch sử, văn hoá. Lịch sử của mảnh đất này đã để lại những di sản, địa danh ghi dấu nhiều sự kiện oanh liệt, hào hùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Điều này đã tạo nên những lợi thế du lịch độc đáo của riêng Quảng Trị mà không phải địa phương nào cũng có được. 

Có thể kể đến như Thành Cổ Quảng Trị; cụm di tích đôi bờ cầu Hiền Lương - Bến Hải; Địa đạo Vịnh Mốc… Bên cạnh đó là các địa thắng cảnh đẹp như động và thác Tà Puồng, động Brai, đặc biệt là biển Cửa Tùng từng là “hoàng hậu Đông Dương”.

Nhiều năm qua, Quảng Trị đã quyết tâm xây dựng một thương hiệu du lịch kết hợp giữa văn hoá, lịch sử và tâm linh với vẻ đẹp nguyên sơ của những bãi biển như cửa Tùng, cửa Việt và đảo Cồn Cỏ. 

Tuy nhiên, thực tế thời gian vừa qua cho thấy, Quảng Trị vẫn là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế tương đối chậm. Du lịch Quảng Trị chưa thực sự phát triển một cách tương xứng với tiềm năng sẵn có. 

Bàn về giải pháp cho du lịch Quảng Trị phát triển, tại hội nghị hợp tác phát triển du lịch với chủ đề “Du lịch Quảng Trị - Liên kết khai thác giá trị tiềm năng", ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, du lịch Quảng Trị cần một giải pháp toàn diện để có thể bứt phá, trở thành một điểm đến du lịch văn hoá, lịch sử hấp dẫn, nổi bật của miền Trung. Đặc biệt, trước những tác động của Covid-19 thì ngành Du lịch Quảng Trị cần có những cách làm hiệu quả để thu hút và giữ chân du khách tại địa phương.

Để làm được việc này, thứ nhất, du lịch Quảng Trị cần chú trọng xây dựng và quản lý triển khai các chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch với tầm nhìn cả trung hạn và dài hạn, để đảm bảo việc khai thác hiệu quả, bền vững những giá trị tài nguyên tự nhiên, lịch sử tỉnh Quảng Trị hiện có.

Thứ hai, tăng cường các hoạt động liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong vùng đặc biệt là tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Bình. Trong đó, Huế với đặc trưng là di sản văn hoá thế giới, Quảng Bình với đặc trưng là di sản thiên nhiên thế giới sẽ tương hỗ cho Quảng Trị với đặc trưng là các di tích lịch sử, văn hoá cách mạng. 

Việc kết nối chặt chẽ giữa ba địa phương sẽ góp phần định hướng, thu hút khách du lịch. Đây sẽ là một sản phẩm du lịch vùng độc đáo và mang tính cạnh tranh cao.

Thứ ba, theo ông Khánh, Quảng Trị cần có kế hoạch thu hút đầu tư phát triển một số dự án lớn, hình thành các khu nghỉ dưỡng, dịch vụ, vui chơi giải trí chất lượng cao để tạo điểm nhấn, tạo động lực phát triển du lịch của tỉnh. 

Cùng với đó, Quảng Trị cần sớm có sân bay, thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để kết nối các điểm du lịch, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại địa phương.

Thứ tư, Quảng Trị cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, số hóa các thông tin, tài liệu, hướng tới hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh. Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, quản lý chất lượng, phát triển sản phẩm du lịch văn hoá, lịch sử theo hướng bảo tồn, nâng cao hiệu quả các hoạt động du lịch.

Trong tương lai, Quảng Trị sẽ có những khởi sắc mới, phát triển tương xứng với những lợi thế tài nguyên đa dạng và độc đáo của mình, đưa du lịch Quảng Trị sớm trở thành điểm đến an toàn và hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế, ông Khánh nhấn mạnh.

Giải pháp trước mắt cho du lịch của địa phương này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho rằng, với những thế mạnh và hạn chế hiện nay, liên kết và hợp tác với các tỉnh trong khu vực là xu thế tất yếu của Quảng Trị. 

Trong thời gian tới, theo ông Hưng, Quảng Trị sẽ có nhiều lợi thế hơn để phát triển du lịch. Đơn cử như về đường hàng không, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép Quảng Trị nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng cảng hàng không Quảng Trị. Tỉnh đang quyết tâm khởi công xây dựng sân bay ngay trong năm 2021 và sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Ngoài ra tỉnh đang xúc tiến với các nhà đầu tư lớn để xây dựng cảng nước sâu Mỹ Thủy, lập kế hoạch đầu tư xây dựng đường ven biển, kết nối tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên Huế; mở đường từ thành phố Đông Hà về biển Cửa Việt.

Những thuận lợi về giao thông này sẽ giúp du khách tiết kiệm được thời gian di chuyển, từ đó tạo điều kiện cho du lịch Quảng Trị tăng trưởng mạnh mẽ.