Giải pháp tình thế để hạ nhiệt giá xăng dầu

An Chi - 08:40, 25/05/2022

TheLEADERTrong bối cảnh giá xăng dầu liên tục tăng cao gây ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần sớm có giải pháp giảm giá xăng dầu, kiểm soát đà tăng của lạm phát.

Giải pháp tình thế để hạ nhiệt giá xăng dầu

Liên Bộ Công thương - Tài chính vừa thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ chiều 23/4 vừa qua. Đây là kỳ tăng giá xăng dầu thứ ba liên tiếp kể từ cuối tháng 4.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng bán lẻ đã 9 lần tăng, 3 lần giảm. Mặc dù từ ngày 1/4, chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chính thức có hiệu lực, tuy nhiên, đà giảm của giá xăng dầu vẫn khá "nhỏ giọt".

Theo Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), việc giá xăng dầu liên tục điều chỉnh tăng có tác động rất lớn đến mọi mặt, đặc biệt là đến vấn đề lạm phát.

Trước diễn biến tình hình kinh tế - chính trị thế giới trở nên phức tạp, xung đột Nga - Ukraine và những biện pháp trừng phạt tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu; trực tiếp là giá nhiên liệu, năng lượng, lương thực, kéo theo lạm phát toàn cầu có xu hướng tăng cao. Tại Mỹ, lạm phát lên đến 8,5% cao gấp 4 lần lạm phát mục tiêu hay tại châu Âu, lạm phát ở mức cao nhất trong vòng 30 năm qua.

Trong bối cảnh đó, nếu Việt Nam không sớm có giải pháp điều chỉnh, kìm chế đà tăng của giá xăng dầu sẽ tác động tới tất cả các ngành hàng hóa và khi đó sẽ khó kiềm chế, kiểm soát lạm phát. 

Việc giá xăng ngày một tăng cao sẽ khiến giá các hàng hóa, dịch vụ khác tăng và đối mặt với nỗi lo lạm phát. Trong trường hợp lạm phát tăng cao, Chính phủ buộc phải sử dụng công cụ lãi suất để kiểm soát sẽ để lại những hậu quả tiêu cực cho cả nền kinh tế.

Ông Ngân phân tích thêm, nếu giá cả tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân trong tình trạng người dân đã rất khó khăn sau 2 năm đại dịch lấy đi phần tích lũy của người dân. Nay lại gặp “bão giá”, người dân sẽ hết sức vất vả. 

Đối với doanh nghiệp, các chi phí đầu vào cũng tăng cao như chi phí vận chuyển, logistic… Đối với ngân sách nhà nước, khi đặt vấn đề giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều người lo ngại sẽ gây thất thu ngân sách, nhưng thực tế nếu giảm thuế đó sẽ kéo giảm được lạm phát và chi ngân sách giảm theo. Giá cả tăng lên thì chi ngân sách tăng lên, ngay cả dự án đầu tư đang chuẩn bị thông qua hoặc đã thông qua rồi, các dự toán sẽ tăng lên thì sẽ rất nguy kịch, công trình dự án sẽ đội vốn và lãng phí.

Đại biểu dẫn chứng, những năm lạm phát cao như năm 1986, 1987, 1988 là thời điểm Việt Nam mới chuyển sang nền kinh tế thị trường, hạch toán kinh doanh, quy định tỷ giá sát thị trường và chấp nhận cơ chế giá thị trường. 

Bài học gần nhất là năm 2008, lúc đó biến động xăng dầu trên thế giới tăng tới 141 USD/thùng, cộng với giá lương thực thực phẩm tăng, lạm phát tăng nhanh và khi lạm phát tại Việt Nam lên tới 23%, lúc đó tất cả các chi phí giá cả hàng hóa và đời sống người dân vô cùng khó khăn. 

Khi lạm phát cao ở mức độ 2 con số, liều thuốc các nước buộc phải chọn là thắt chặt chính sách tiền tệ. Hay nói cách khác, khi lạm phát cao thì phải “uống thuốc” liều cao. Việt Nam phải dùng lãi suất cao, có lúc lãi suất thị trường lên tới trên 20%. 

Nền kinh tế lúc đó đang tăng trưởng 7,5 – 8,4% thì còn 6% và nặng nhất 2011-2012, Việt Nam phải chấp nhận không quan tâm tới tăng trưởng kinh tế, ưu tiên hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội.

Chính vì vậy, theo ông Ngân, Chính phủ cần sớm có giải pháp chặn ngay vấn đền này. Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, ngay từ trước khi có xung đột tại Nga - Ukraine, nhiều nước đã có dấu hiệu của lạm phát do chính sách kích cầu của chính phủ sau khi kiểm soát được dịch bệnh, các nước bắt đầu thắt chặt, tăng lãi suất.

Do đó, Việt Nam cũng cần phải hành động gấp để kiểm soát lạm phát. Trong đó, giải pháp tình thế là cần tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt để hạ nhiệt giá xăng dầu, "tránh để khi bệnh nặng lại phải dùng liều thuốc nặng", đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Thanh Vân (Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội) cũng cho rằng, giá xăng tăng do nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân do xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn tới biến động địa chính trị toàn cầu, đứt gãy nguồn cung xăng dầu. Giá xăng dầu đẩy lên cao dẫn tới tác động đầu vào của hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Liên quan tới việc kiểm soát giá xăng dầu, Chính phủ đã sử dụng những công cụ như giảm tới 50% mức thu thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu diesel và sử dụng quỹ bình ổn. Những công cụ dự trữ về dư địa chính sách đã được áp dụng. Tuy nhiên, mức giá xăng dầu giảm không đáng kể. Bởi việc giảm không bù đắp lại tỉ lệ phần trăm tăng giá.

Chính vì vậy, theo đại biểu Vân, Chính phủ cần phải tính tới các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, tương ứng với các kịch bản điều chỉnh các chỉ tiêu trong đó có chỉ tiêu lạm phát để giảm đà tăng của giá xăng dầu.