Giải quyết nông sản ùn ứ cần chính sách điều tiết

Minh Tuệ - 16:07, 01/01/2022

TheLEADERCâu chuyện hàng nghìn xe nông sản ùn tắc ở các cửa khẩu xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc đang khiến dư luận xôn xao.

Giải quyết nông sản ùn ứ cần chính sách điều tiết
Hàng trăm xe hàng hóa nằm chờ thông quan ở cửa khẩu

Theo số liệu mới nhất do lãnh đạo Sở Công thương Lạng Sơn cung cấp, tổng lượng xe tồn tính đến sáng 28/12 tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma là 3.838 xe. So với một ngày trước, lượng xe tồn đã giảm 154 xe do các chủ hàng lựa chọn giải pháp quay đầu xe, chuyển tiêu thụ nội địa do nhiều lô hàng sắp hết hạn bảo quản nhằm gỡ lại phần nào chi phí.

Hiện, chưa có tính toán chính xác về thiệt hại, song theo một số thông tin ước tính, thiệt hại có thể lên tới 3.000-4.000 tỷ đồng.

Khó chồng khó

Bộ Công thương cho biết, nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu dẫn đến hiện tượng ùn tắc hàng hoá là Trung Quốc dừng hoàn toàn hoạt động thông quan tại cửa khẩu, trong đó có những cửa khẩu quan trọng, lượng hàng hoá xuất khẩu bình thường rất lớn như Kim Thành (Lào Cai), Tân Thanh (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh).

Ngay cả với các cửa khẩu còn tạm thời mở cửa như Hữu Nghị, Chi Ma quy trình giao nhận hàng hoá cũng được siết rất chặt để kiểm soát dịch bệnh dẫn đến việc ùn tắc trên diện rộng. Dù phía Việt Nam cũng đã chủ động giao thiệp ở tất cả các cấp để giữ cho lưu thông hàng hoá được thông suốt nhưng phía Trung Quốc vẫn quan ngại và chủ động tăng cường thêm các biện pháp.

Thời gian thông quan kéo dài lên tới 20-30 ngày/chuyến thay vì 3-4 ngày như trước đây khiến doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí phát sinh với xe lạnh chở nông sản, mất "cả chì lẫn chài" với xe nóng.

Nhiều đơn vị không chịu nổi chi phí và hàng hoá sắp hết hạn bảo quản phải đưa về Hà Nội, các tỉnh phía Nam để tiêu thụ tại các chợ đầu mối với giá "giải cứu" vì không thể chờ đợi thông quan.

Giá vốn thanh long trắng mua tại vườn là 17.000 – 18.000 đồng/kg nhưng đến lúc xả hàng chỉ còn 2.000 – 3.000 đồng/kg; giá thanh long đỏ mua vào 25.000 – 30.000 đồng/kg nhưng bán ra chưa được một nửa.

Hay như mít Thái, dưa hấu cũng được bày bán la liệt tại các tuyến phố của Hà Nội với mức giá dao động từ 5.000 - 15.000 đồng/kg...

Trên nhiều tuyến phố của Hà Nội xuất hiện nhiều điểm bán mít Thái theo dạng "giải cứu" từ các container quay đầu từ cửa khẩu về
Trên nhiều tuyến phố của Hà Nội xuất hiện nhiều điểm bán mít Thái theo dạng "giải cứu" từ các container quay đầu từ cửa khẩu về

Ùn ứ không chỉ ảnh hưởng tới giá trái cây "nằm chờ" tại cửa khẩu mà còn tác động tới giá cả của nhà vườn. Theo đó, giá thanh long mua tại vườn cũng giảm mạnh về còn 4.000-5.000 đồng/kg, mít Thái còn 5.000 đồng/kg, thậm chí nhiều nông dân ở vùng sâu còn phải ra giá mít 2.000-3.000 đồng/kg.

Các loại khác như dưa hấu, thanh long ở các tỉnh miền Tây và Tây Nguyên cũng giảm mạnh từ 8.000 đồng xuống 3.000-5.000 đồng/kg cho hàng xuất khẩu.

Cần nhiều hơn lời kêu gọi

Thực tế tình trạng tắc nghẽn tại cửa khẩu đã xảy ra liên tục từ nhiều năm nay mặc dù giữa hai nước đã làm việc và trao đổi nhiều lần ở các cấp độ khác nhau. Năm nay tình hình diễn ra nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể kéo dài bởi Trung Quốc theo đuổi chiến lược "Zero Covid-19".

Nông sản Việt còn chưa xây dựng được thương hiệu riêng, mang tính quốc tế, cùng với đó là sự thiếu đa dạng trong sản phẩm xuất khẩu, phụ thuộc vào một số thị trường.

Do vậy, muốn giải quyết vấn đề thông thương cửa khẩu trong quan hệ thương mại với Trung Quốc không chỉ là trao đổi liên quan đến thông thương ở cửa khẩu, mà theo chuyên gia, yếu tố sâu xa đó là cần nhìn nhận thẳng vào nội tại nền kinh tế, là cách tổ chức sản xuất và liên kết sản phẩm của Việt Nam.

Có một thực tế là khó có thể thay thế được Trung Quốc trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam bởi đây là thị trường có sức tiêu thụ mạnh nhất. Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu cho biết 11 tháng năm 2021, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 1,7 tỷ USD, chiếm 54% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả.

Đã có rất nhiều các biện pháp đưa ra như UBND các tỉnh sản xuất nông sản lớn phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để nâng tầm nông sản Việt, từ đó đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa phương thức vận chuyển, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cũng như sự phụ thuộc vào hình thức xuất khẩu "tiểu ngạch".

Thế nhưng, cũng như câu chuyện ùn ứ, những biện pháp giải quyết đưa ra cũng không hề mới. Muốn xuất khẩu chính ngạch sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn cao, cần một chương trình quốc gia về sản phẩm nông sản chính ngạch và có biện pháp hạn chế, điều tiết tiểu ngạch.