Giám đốc Brand Finance lý giải vì sao thương hiệu Việt có giá trị thấp

Phương Anh - 14:50, 05/12/2017

TheLEADERTrong khi các nước như Malaysia, Indonesia, Singapore đều sở hữu các thương hiệu trong top 500 của thế giới thì Việt Nam lại không có đại diện làm.

Giám đốc Brand Finance lý giải vì sao thương hiệu Việt có giá trị thấp
Ông Samir Dixit - Giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương của Brand Finance.

Mới đây, Brand Finance – công ty tư vấn và định giá thương hiệu có trụ sở tại Anh – đã công bố bảng xếp hạng 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam với tổng giá trị thương hiệu là 11.279 triệu USD.

10 thương hiệu dẫn của Việt Nam được định giá tương đương 68% giá trị của top 50 thương hiệu. Trong số này, các công ty nhà nước chiếm phần lớn và chỉ có hai thương hiệu tư nhân góp mặt là Vinhomes và Thaco.

Đáng chú ý, tỷ lệ giá trị thương hiệu trên giá trị doanh nghiệp của các công ty Việt Nam khá thấp và điều này tạo nên bất cập và hạn chế cho các doanh nghiệp khi đàm phán cho các thương vụ mua bán – sáp nhập.

Để làm rõ hơn về bảng xếp hạng này cũng như đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp Việt, TheLEADER đã có cuộc phỏng vấn ngắn với ông Samir Dixit – Giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương của Brand Finance. 

Từ danh sách những thương hiệu đắt giá nhất tại Việt Nam, ông có nhận xét và lời khuyên gì dành cho các doanh nghiệp Việt Nam không, thưa ông?

Ông Samir Dixit: Qua các năm, Brand Finance xem xét tình hình thay đổi giá trị không chỉ của top 10, top 50 mà thậm chỉ còn là sự thay đổi thương hiệu của cả quốc gia.

Theo tôi, các doanh nghiệp Việt Nam hiện chưa tập trung nhiều vào thương hiệu bởi giá trị của chúng không thay đổi nhiều qua các năm.

Các công ty Việt cần có sự quản lý đối với thương hiệu của mình cũng như cần nhiều sự nỗ lực và thúc đẩy hơn nữa chứ đừng dừng lại ở việc tập trung vào nó bởi nhu cầu đối với thương hiệu cũng sẽ tạo ra nhu cầu đối với sản phẩm.

Các doanh nghiệp tại Việt Nam cần định giá được thương hiệu của mình, cần biết mình đang ở đâu và đáng giá bao nhiêu.

Đôi khi thương hiệu còn đáng giá hơn nhiều so với việc kinh doanh. Bạn có thể kinh doanh và tạo ra 10 triệu USD nhưng giá trị thương hiệu đó hoàn toàn có thể lên tới con số 20 triệu USD.

So sánh với một số nước ASEAN tỷ trọng giá trị thương hiệu/giá trị doanh nghiệp lại rất thấp. Theo ông lý do là vì sao?

Ông Samir Dixit: Theo tôi, lý do đơn giản là doanh nghiệp không định dạng được thương hiệu và không biết hiện giá trị thương hiệu của mình đang ở đâu.

Bạn nghĩ việc kinh doanh của mình trị giá 10 triệu USD và nếu có người trả bạn cao hơn một chút, hoặc thậm chí là chỉ trả 9 triệu USD, bạn có khả năng cao sẽ bán đi và cảm thấy như vậy là đủ.

Tuy nhiên, trên thực tế, giá trị của thương hiệu kinh doanh lại cao hơn rất nhiều nhưng bởi vì doanh nghiệp không biết, không hiểu nên trong việc đàm phán và kì vọng, người ta chỉ dừng lại ở ngưỡng 10 triệu USD mà không thể đưa ra mức 30 triệu USD chỉ đơn giản là người ta không biết.

Trong khi các nước như Malaysia, Indonesia, Singapore đều sở hữu các thương hiệu trong top 500 của thế giới thì Việt Nam lại không hề có. Điều này có nghĩa là sức mạnh nội tại của doanh nghiệp Việt vẫn còn thấp.

Các doanh nghiệp nước ngoài có thể thâm nhập vào Việt Nam nhưng ít có khả năng các doanh nghiệp Việt có thể ra nước ngoài cạnh tranh với họ. Cuộc cạnh tranh ấy mới là cuộc cạnh tranh thật sự cho các thương hiệu. Thương hiệu nào có thể cạnh tranh tại thị trường khác mới là thương hiệu mạnh.

Giám đốc Brand Finance lý giải vì sao thương hiệu Việt có giá trị thấp

Thưa ông, lý do nào mà trong danh sách các thương hiệu không có sự xuất hiện của một số thương hiệu như Sun Group?

Ông Samir Dixit: Những công ty được xếp hạng là những công ty đại chúng, do vậy sự thiếu vắng của một số tên tuổi trong bảng xếp hạng này là do họ chưa là các công ty đại chúng.

Ngoài ra, việc xếp hạng cần phải thông qua và dựa trên các thông tin về tình hình tài chính. Những công ty không có mặt trong danh sách là do chúng tôi không thể tiếp cận được thông tin của họ để xây dựng cơ sở dữ liệu.

Hiện nay, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) đang ngày càng gia tăng và bùng nổ tại Việt Nam. Vậy thì có mối liên hệ nào giữa giá trị thương hiệu với hoạt động M&A không thưa ông?

Ông Samir Dixit: M&A bùng nổ tại Việt Nam đơn giản là vì Việt Nam đang phát triển rất nhanh, từ đó thu hút nhiều các nhà đầu tư ngoại.

Ngoài ra thì thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng, nhiều cơ hội, vẫn thiếu những vấn đề cơ bản như công nghệ hay vốn, vì vậy những thương vụ lớn diễn ra là điều dễ hiểu.

Ngoài ra thì ngày càng có nhiều các công ty hợp nhất để lớn mạnh cũng như các thương vụ ngày càng có giá trị lớn hơn. Nhà đầu tư nước ngoài khi nhìn vào sẽ cảm thấy cần phải theo kịp xu hướng này.

Giống như thị trường bất động sản, ai đến trước thì được giá tốt, ai đến sau thì giá tốt sẽ hết đi và quy luật này đang định hướng thị trường M&A Việt Nam. 

Xin chân thành cảm ơn ông!