GS. Đặng Hùng Võ: "Chắc chắn có lợi ích nhóm trong các dự án BT"
Kiều Mai
Thứ tư, 22/11/2017 - 09:43
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, các dự án đổi đất lấy hạ tầng hay các dự án BT hiện nay còn nhiều vấn đề như trục lợi, không minh bạch, xác định giá trị chưa rõ ràng, gây ra nhiều thiệt hại là do khung pháp lý chưa phù hợp cũng như xảy ra tình trạng lợi ích nhóm.
BT là một dạng đầu tư hạ tầng theo hình thức xây dựng - chuyển giao. Khi thi công một dự án hạ tầng, nhà đầu tư được giao đất để thực hiện dự án khác và nộp vào ngân sách số tiền chênh lệch giữa giá trị quyền sử dụng đất của dự án và tổng vốn đầu tư xây dựng công trình BT.
Theo Kiểm toán Nhà nước, hiện nay ở cấp Bộ Giao thông vận tải quản lý, chỉ có bốn dự án BT với tổng mức đầu tư 16.035 tỷ đồng đã và đang triển khai.
Các dự án BT hầu hết nằm ở các địa phương tuy nhiên chưa có một thống kê nào cho thấy tại 63 tỉnh, thành trên cả nước hiện nay có bao nhiêu dự án BT và hiệu quả “đổi đất lấy hạ tầng” đến nay ra sao.
Trên lý thuyết, hình thức BT là hình thức ít rủi ro bởi nhà đầu tư triển khai dự án xong là bàn giao ngay cho Nhà nước và được thanh toán bằng quyền sử dụng đất sạch. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng phải trải qua nhiều quy trình phức tạp khó khăn, nhất là khi phải đấu giá cạnh tranh.
Thế nhưng trên thực tế lại không như vậy khi đa số các dự án BT đều chỉ định thầu hoặc đấu thầu đối phó, để cho nhà đầu tư đề xuất dự án thực hiện. Bên cạnh đó, các dự án lại nổi lên sự thiếu nghiêm túc, minh bạch trong việc thẩm định khiến một số dự án sau khi hoàn thành lại trở thành biểu tượng của sự lãng phí nguồn lực nhà nước như Bảo tàng Hà Nội hay dự án xử lý nước thải Yên Sở.
Để làm rõ hơn vấn đề này, TheLEADER đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Hiện nay, trong các dự án đổi đất lấy hạ tầng phát sinh ra nhiều bất cập như thiếu minh bạch, phi hiệu quả và lãng phí tài nguyên đất. Vậy theo ông nguyên nhân từ đâu dẫn tới tình trạng này?
GS. Đặng Hùng Võ: Theo tôi nguyên nhân chính dẫn tới những bất cập hiện nay là việc xây dựng pháp luật cho cơ chế đổi đất lấy hạ tầng quá lỏng lẻo, khung pháp lý chưa phù hợp nên để lại quá nhiều khoảng trống, tạo ra nguy cơ tham nhũng.
Để có thể thấy được bức tranh toàn cảnh về vấn đề này, chúng ta cần nhìn lại cả quá trình sử dụng quỹ đất để làm hạ tầng. Câu chuyện này bắt đầu từ giữa những năm 1990 khi lãnh đạo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu sử dụng cơ chế đổi đất lấy hạ tầng với mục đích xây dựng con đường ven biển. Tại thời điểm đó, đây là cách thức được ca ngợi khi địa phương thiếu ngân sách nhưng lại xây dựng được một con đường rất đẹp, tạo tiền đề hạ tầng để phát triển đô thị.
Tuy nhiên sau đó, khi tiến hành kiểm tra lại, rất nhiều lãnh đạo của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã bị kỉ luật vì vấn đề tham nhũng trong cơ chế đó. Vì vậy tôi cho rằng đây là một cơ chế luôn chứa đựng nguy cơ tham nhũng rất cao.
Năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị định 181 về việc thi hành luật đất đai và đưa ra một lời khai tử đối với cơ chế đổi đất lấy hạ tầng, theo đó cơ chế này sẽ được áp dụng theo hình thức Nhà nước đấu giá đất rồi lấy tiền xây dựng hạ tầng.
Thế nhưng sau đó, rất nhiều nhà đầu tư đã muốn quay lại cơ chế này và tìm kiếm các dự án BT của các công ty đối tác. Xét về nội dung, dự án BT giống như cơ chế đổi đất lấy hạ tầng và chỉ có sự khác biệt về mặt tên gọi. Nhưng nhắc đến dự án BT thì không mấy ai biết tới trong nội dung của nó có chuyện đổi đất.
Cho đến nay, khi Nghị định 181 vẫn còn hiệu lực, nghĩa là cơ chế đổi đất xây dựng hạ tầng không được tồn tại thì các dự án BT vẫn cứ được triển khai và sự thật là cứ kiểm tra dự án BT nào thì cũng thấy hổng chỗ này chỗ kia hay thất thoát chỗ này chỗ kia.
Tóm lại một cơ chế có thể phù hợp trong một hoàn cảnh này nhưng có thể trở nên không phù hợp vào hoàn cảnh khác. Vấn đề nằm ở chỗ khung pháp luật chưa chặt chẽ, chưa phù hợp dẫn tới việc để lại quá nhiều khoảng trống.
Ông có thể nói rõ thêm về những khoảng trống trong các dự án đầu tư theo hình thức BT?
GS. Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng kẽ hở lớn nhất trong cơ chế BT chính là vấn đề xác định giá trị. Hiện chưa có quy định rõ ràng về việc xác định chất lượng hạ tầng cũng như quy định về giá đất được đem đổi, đặc biệt là những khu vực đất gắn với hạ tầng là con đường. Tất cả chỉ dừng lại ở mức chung chung là phù hợp với giá trị trường.
Vấn đề thứ hai: chọn nhà đầu tư hay đấu thầu. Theo luật hiện hành của nước ta, mọi dự án đều phải mang ra đấu thầu, trừ những dự án có hoàn cảnh riêng đặc biệt. Vậy thì ta cứ theo đúng luật mà làm và dự án BT cũng như vậy chứ không có gì đặc ân hơn để không phải áp dụng cơ chế đấu thầu. Những trường hợp được chỉ định thầu là những trường hợp rất đặc biệt và phải xem xét, cân nhắc rất kĩ lưỡng.
Thế nhưng trên thực tế, các dự án BT đều chỉ định thầu hoặc đấu thầu đối phó, để cho nhà đầu tư đề xuất dự án thực hiện và việc này tạo ra kẽ hở thứ hai trong cơ chế BT.
Đặc biệt còn xảy ra việc chủ đầu tư dự án được giao đất trước sau đó đem bán cho người khác rồi mới làm dự án. Vậy tại sao Nhà nước không đem ra đấu giá ngay từ đầu mà lại để cho chủ đầu tư chuyển nhượng cho người khác?
Vì vậy theo tôi, những khoảng trống trong các dự án BT đã trở nên rất lớn và đã đến lúc chúng ta phải dừng các dự án BT lại cũng như xem xét khung pháp luật để điều chỉnh cho phù hợp.
Theo ông có lợi ích nhóm ở đây không ạ?
GS. Đặng Hùng Võ: Chắc chắn là có. Dựa vào những gì đang vận hành trên thực tế thì chắc chắn phải có một liên kết trực tiếp hoặc gián tiếp nào đó giữa nhà quản lý các dự án BT với các chủ đầu tư đề xuất dự án.
Có lợi ích nhóm thì mới có thể xảy ra tình trạng nội dung của hợp đồng BT rất trống, không mạch lạc, rõ ràng và khi triển khai thì gây ra thiệt hại rất nhiều.
Trước những bất cập trên thì ông có đề xuất gì không, thưa ông?
GS. Đặng Hùng Võ: Theo tôi, những thành phố có trình độ phát triển cao như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh không dùng các dự án BT nữa. Cơ chế này chỉ nên áp dụng tại những khu vực có điều kiện hạ tầng thấp, ví dụ như các tỉnh miền núi hay là các tỉnh còn phải nhận trợ cấp nhân sách từ trung ương. Tuy nhiên, việc sử dụng cũng phải trong điều kiện cho phép.
Bên cạnh đó, khung pháp luật cần phải xây dựng lại, phải có nghị định riêng về các dự án BT để quản lý tất cả những nơi có nguy cơ tham nhũng. Còn những nơi tự chủ được về ngân sách thì không áp dụng BT nữa.
Nghị định số 181/2004/NĐ-CP về thi hành luật đất đai đưa ra những quy định đối với các vấn đề liên quan tới đất như sử dụng, quản lý đất. Tại điều 10 của Nghị định về Tổ chức phát triển quỹ đất, Nghị định này quy định “Tổ chức phát triển quỹ đất hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu hoặc doanh nghiệp nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập để quản lý quỹ đất đã thu hồi và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với diện tích đất được giao quản lý”. Quy định này gần như đặt dấu chấm hết đối với cơ chế đổi đất lấy hạ tầng.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc giao đất cho các nhà đầu tư trong đặc khu kinh tế với chu kỳ dài hơn sẽ làm cho đặc khu có nhiều bất động sản có giá trị trên thế giới nhiều hơn.
Đất đai là câu chuyện bất bình đẳng trong thị trường hiện nay. Kinh doanh đàng hoàng chỉ lãi 2 - 4%, trong khi chi phí không chính thức lên đến 10%, vậy sao mọi việc vẫn ngon lành, GS. Đặng Hùng Võ đặt câu hỏi tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2017.
Theo GS,TSKH Đặng Hùng Võ, thay vì đánh thuế tài sản trên đất, chúng ta nên tập trung cải cách thuế sử dụng đất để tránh đất bỏ hoang, hình thành các khu đô thị ma.
Lựa chọn thuê môi trường rừng làm du lịch phù hợp với các dự án có quy mô lưu trú nhỏ, tập trung khai thác các hoạt động trải nghiệm trong rừng với vốn đầu tư không quá lớn.
Quản trị số sẽ không chỉ là một công cụ hỗ trợ, mà còn là "linh hồn" của nền kinh tế số Việt Nam, giúp đất nước chuyển mình mạnh mẽ trong bối cảnh mới.
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.