GS. Đặng Hùng Võ: 'Hệ thống pháp luật chưa sẵn sàng đón đại bàng'

Thu Phương - 16:19, 19/06/2020

TheLEADERGS. Đặng Hùng Võ cho rằng, hệ thống pháp luật hiện nay đang cản trở các nhà đầu tư nước ngoài lớn dịch chuyển chuỗi cung ứng vào Việt Nam.

GS. Đặng Hùng Võ: 'Hệ thống pháp luật chưa sẵn sàng đón đại bàng'
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, cơ hội để Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển từ Trung Quốc đã manh nha từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát và ngày càng xuất hiện rõ nét hơn.

Ông Võ cho rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội "vàng" trong thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng làm thế nào để nắm bắt được điều này lại là câu hỏi lớn, không dễ trả lời.

Nguyên nhân ông Võ chỉ ra là do cách quản lý các khu công nghiệp ở Việt Nam vẫn nặng tính nhà nước. Một khu công nghiệp muốn hình ra đời phải qua ba lần Thủ tướng Chính phủ ký, bốn lần xin các bộ, ban, ngành.

Nhà nước quan niệm khu công nghiệp là rất quan trọng nên cần phải quản chặt. "Song, thực tế là càng quản chặt càng "teo" lại, các khu công nghiệp cần phải đẩy ra thị trường mới lớn được".

"Nhà nước chỉ cần có quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, sau đó đẩy nó ra thị trường, tự nó sẽ phát triển. Còn nếu để như hiện nay, nếu không thay đổi sẽ lệch về tư duy, cản trở các nhà đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam", ông Võ nhận định.

Cũng theo vị chuyên gia này, hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa chuẩn bị sẵn sàng để đón các nhà đầu tư "đại bàng" đến làm tổ. "Hiện Luật Đầu tư, Luật PPP đã được sửa đổi nhưng Luật Đất đai vẫn nằm chình ình ra đấy thì làm sao các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng được để vào đầu tư tại Việt Nam".

Đồng quan điểm, ông Dương Nguyên Thành, Phó chủ tịch Công ty BSM cũng cho rằng, trở ngại của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài là lực lượng lao động địa phương, nguồn lao động, chất lượng lao động lành nghề còn thiếu. 

Sự tương tác, liên kết giữa các chủ đầu tư khu công nghiệp với các trường nghề, các chính quyền địa phương để tạo điều kiện để nâng cao tay nghề của lao động còn hạn chế.

Còn theo ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc Asean, Trưởng đại diện Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Asean, Việt Nam đang đứng trước sự cạnh tranh rất lớn với các nước khác trong khu vực và ngay với chính Trung Quốc trong thu hút đầu tư nước ngoài. 

Để khắc phục điều này, các địa phương trong cả nước cần kết nối với nhau để tạo được sự đồng bộ trong quy trình sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhằm hấp dẫn họ dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc vào Việt Nam.

Nhìn nhận về cơ hội trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2020, ông Phạm Minh Phương, Chủ nhiệm CLB ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế cũng cho rằng, Việt Nam đang trong thời kỳ “dọn tổ đón đại bàng”. Đây là thời cơ để Việt Nam chuẩn bị tốt để trở thành điểm sáng thu hút nhiều dòng vốn đầu tư.

Tuy nhiên, hiện nay quy mô của nhiều khu công nghiệp còn nhỏ. Để thu hút được những doanh nghiệp lớn kèm theo các doanh nghiệp phụ trợ, Việt Nam cần phải có nhiều quỹ đất sạch.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, ông Phương cho rằng, đây chính là cơ hội cho bất động sản công nghiệp phát triển.

Theo đó, nhà nước cần quan tâm đến các chính sách thu hút các nhà đầu tư vào bất động sản công nghiệp. Đối với các nhà đầu tư, phải chọn được các doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính để giải quyết được vấn đề giải phóng mặt bằng, từ đó mới có thể tận dụng được triệt để những cơ hội trong thu hút đầu tư nước ngoài mà Việt Nam sắp được nhận.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, để thu hút đầu tư nước ngoài, một yêu cầu quan trọng là Việt Nam phải cải thiện hạ tầng phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, phát triển hạ tầng khu công nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. 

Theo bà Minh, trong hơn 30 năm qua, phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế chính là một trong những điểm đột phá trong quá trình xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển sản xuất công nghiệp. 

Nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, phát triển các khu chức năng trong khu kinh tế huy động vốn xây dựng kết cấu hạ tầng các khu này để kết nối đồng bộ với các khu chức năng khác trong khu kinh tế, với kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp.

Với hạ tầng sẵn có, các khu công nghiệp, khu kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án. 

Song, theo ông Phương, để làm được điều này là không đơn giản, bởi thực tế, làm bất động sản công nghiệp khác với bất động sản nhà ở. Nhà đầu tư bất động sản công nghiệp phải bỏ vốn lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng, khu sản xuất nhưng việc thu hồi vốn lại nhỏ giọt, nhà đầu tư gặp áp lực với tỷ lệ lấp đầy.