Hà Nội tổ chức giải đua xe Công thức 1: Đâu chỉ Vingroup được lợi!

Tô Lan - 17:22, 28/03/2019

TheLEADERGiải đua F1 được tổ chức tại Hà Nội từ năm 2020 có thể đem đến nhiều cảm hứng và cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp nhưng cũng cho thấy không ít các thách thức, rủi ro.

“Đường đua” không chỉ của Vingroup

“Không chỉ Vingroup được lợi mà các doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng không, du lịch, khách sạn và nhiều ngành dịch vụ khác cũng có thêm cơ hội kinh doanh”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách chia sẻ với TheLEADER.

Hà Nội tổ chức giải đua xe Công thức 1: Đâu chỉ Vingroup được lợi!
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách.

Theo ông Thành, giải đua xe F1 sẽ thu hút một lượng khách du lịch rất lớn đổ đến Hà Nội với sự có mặt của nhiều đội đua xe cùng hàng nghìn nhân viên phục vụ và đặc biệt còn kéo theo hàng triệu cổ động viên đến từ khắp nơi trên thế giới. Vì vậy, F1 không chỉ đem lại lợi nhuận trực tiếp cho đơn vị đăng cai tổ chức là Công ty Việt Nam Grand Prix thuộc Vingroup mà còn đem đến nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác.

Đây là cơ hội cho các hãng hàng không Việt Nam mở rộng nhiều chuyến bay ngoài nước để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách. Lượng người đổ về Hà Nội không chỉ có du khách nước ngoài mà còn có nhiều du khách trong nước. Vì vậy hàng không nội địa cũng có cơ hội làm ăn rất tiềm năng trong năm 2020, ông Thành nhấn mạnh.

Các khách sạn trên địa bàn Hà Nội cũng dự kiến đón lượt khách lưu trú tăng nhanh đầu năm 2020 và ngành du lịch Hà Nội cũng có thời cơ để quảng bá các sản phẩm du lịch sẵn có phục vụ nhu cầu thăm thú của du khách. Bên cạnh đó, nhu cầu du lịch tại các địa phương lận cận Hà Nội như Hạ Long, Ninh Bình, Sa Pa cũng tăng giúp nhiều tỉnh thành được thụ hưởng ảnh hưởng kinh tế lan tỏa.

“Khi nghiên cứu vấn đề này tại Singapore, Monaco… tôi thấy rằng, giải đua F1 sẽ giúp gia tăng nhiều tuyến hàng không đến nơi diễn ra giải đấu; hệ thống phòng nghỉ, khách sạn, nơi lưu trú sẽ đầy ắp khi diễn ra sự kiện. Lượng khách từ các nước đến không chỉ xem giải đua mà còn tham quan các vùng miền trong cả nước, kích thích trung chuyển kinh tế trong nước”, ông Thành nhận xét.

Việc xây dựng chặng đua F1 quy mô lớn cùng nhiều công trình hiện đại xung quanh cũng đang tạo sức hút đầu tư mạnh mẽ cho các dự án xây dựng bất động sản tại Hà Nội.

Hầu hết các dự án bất động sản nằm liền kề với Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình - địa điểm xây dựng trường đua F1, đều coi F1 là điểm nhấn cho sức hấp dẫn.

Tập đoàn Hòa Bình cũng đang xây dựng một khách sạn dát vàng ở khu vực hồ Giảng Võ với kỳ vọng hưởng lợi từ F1. Chủ đầu tư dự án xây dựng khách sạn Hà Nội Golden Lake này đã khẳng định dù mới xây dựng xong 4 tầng hầm song công trình sẽ sớm hoàn thành đầu năm tới để kịp chào đón du khách đến với giải đua F1.

Hà Nội tổ chức giải đua xe Công thức 1: Đâu chỉ Vingroup được lợi!
Sơ đồ đường đua F1 tại Mỹ Đình.

Cuộc chơi mới không ít những rủi ro

Tuy nhiên, ông Thành cũng khẳng định việc đầu tư vào tổ chức giải đua xe tốc độ quy mô lớn này “không phải là một cuộc chơi bất tận”. Bên cạnh những kỳ vọng về kinh tế là những thách thức, rủi ro cần phải tính toán từ trước.

Giải đua xe F1 từng được tổ chức ở nhiều quốc gia châu Á như Ấn Độ, Hàn Quốc nhưng không đem lại hiệu quả vì lượng vé bán ra kém, thu không bù đắp được chi dẫn đến thua lỗ. Ngay tại Đức, một quốc gia có truyền thống tổ chức giải F1, rủi ro kinh tế cũng xảy ra khi đơn vị tổ chức không thu hút được khán giả đến xem.

Ông Thành cho rằng Việt Nam nên rút kinh nghiệm từ một quốc gia Đông Nam Á khác là Malaysia. Malaysia là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên tổ chức giải đua quy mô này nhưng đã dừng tổ chức F1 từ chặng đua năm 2018 với lý do chi phí đầu tư quá tốn kém, không đáng để tiếp tục. 

Quan chức Malaysia lý giải, F1 hiện nay không còn quá mới mẻ trong khi du khách càng ngày càng khó tính hơn, thường tìm đến những trường đua hiện đại và quy mô hơn nên đầu tư của Malaysia không mang lại hiệu quả, thu không đủ bù chi.

Từ bài học kinh nghiệm của các quốc gia này, Hà Nội có thể rút ra nhưng rủi ro kinh tế dễ thấy như việc không đủ lượng khách ghé thăm như dự kiến, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ liên quan không đáp ứng được nhu cầu của du khách, lợi nhuận không đủ để bù đắp các chi phí đầu tư khổng lồ.

Trong bối cảnh phải cạnh tranh với trường đua đường phố Marina Bay Street rất mới lạ của Singapore, Hà Nội cần đầu tư hơn nữa về cơ sở hạ tầng và các dịch vụ để biến những tiềm năng kinh tế thành lợi ích có thật. Nếu Hà Nội không đủ khả năng để phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, dịch vụ khách sạn, du lịch và các dịch vụ khác thì cơ hội phát triển kinh tế sẽ không đến, thậm chí gặp phải thua lỗ, vị chuyên gia này cảnh báo.

“Nếu nguồn cung từ các dịch vụ không đủ, Việt Nam phải đi nhập khẩu hoặc thuê của nước ngoài thì lợi nhuận thu được từ chuỗi giá trị đó không nhiều, thậm chí lợi nhuận không đủ bù đắp chi phí đầu tư và phí giấy phép. Điều này cũng đòi hỏi mở Đường đua phải tính đến việc mở đường cho doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi xây dựng và vận hành càng nhiều càng tốt”, ông Thành chỉ ra.

Theo hãng tin Raconteur, trung bình chi phí xây dựng đường đua và đóng phí tổ chức giải lên tới 1,35 tỉ USD. Mức phí ban đầu để xây dựng một chặng đua F1 dựa trên đường phố có sẵn rơi vào khoảng 57,5 triệu USD hàng năm. Sau khi quá trình xây dựng đường đua hoàn tất, khoản vốn tiếp theo ban tổ chức phải bỏ ra là tiền xây dựng khán đài vào khoảng 14 triệu USD. Các công trình liên quan như hàng rào bảo vệ, trạm dừng, các phương tiện và thiết bị khác cũng có chi phí lớn.

Đường đua F1 dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2020 và giải đua diễn ra vào 4/2020, tức chỉ còn một năm nữa tính từ thời điểm hiện nay. Nguồn chi phí đầu tư dự kiến là không hề nhỏ song Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết nguồn lực của Tập đoàn Vingroup và Hà Nội hoàn toàn đủ điều kiện tổ chức giải đua F1 và điều này đã được tổ chức F1 thẩm định.