Hai bài toán lớn của thị trường thương mại điện tử

Việt Hưng - 14:27, 30/10/2022

TheLEADERNhiều công ty khởi nghiệp hay doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn loay hoay với hai bài toán lớn: công nghệ hay vốn.

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), ước tính năm 2021 lĩnh vực thương mại điện tử đạt tốc độ tăng trưởng trên 20%, đạt quy mô trên 16 tỷ USD và tốc độ này được dự đoán sẽ cao hơn nhiều trong năm 2022.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 7 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.205 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Các số liệu cho thấy thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định.

Nguồn từ Cục quản lý Đăng ký kinh doanh cũng cho thấy tín hiệu tích cực trong 9 tháng đầu năm qua. Chỉ tính riêng con số doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng 2022 cũng cao hơn tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Cụ thể, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 9 tháng đầu năm là 163.300 doanh nghiệp. Trong đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 112.791 doanh nghiệp.

Tuy vậy, nhiều công ty khởi nghiệp hay doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn loay hoay với hai bài toán lớn: công nghệ hay vốn?

Hai bài toán lớn của thị trường thương mại điện tử
Ông Huỳnh Lâm Hồ, đồng sáng lập và CEO Haravan

Tính cấp thiết của chuyển đổi số

Ông Huỳnh Lâm Hồ, đồng sáng lập và CEO Haravan cho biết nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa dù nhận thấy tính cấp thiết của chuyển đổi số và áp dụng công nghệ trong sản xuất, vận hành, bán hàng nhưng lại hạn chế ở việc nắm bắt được những thông tin, các giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng TMĐT để có thể nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Ngoài việc giải quyết bài toán tuyển dụng, đào tạo nhân sự mới, công nghệ là một yếu tố hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thích ứng nhanh với xu thế.

Trên thực tế, công nghệ là lĩnh vực luôn đòi hỏi sự cập nhật liên tục, các chủ doanh nghiệp TMĐT cần bắt kịp sự phát triển các giải pháp công nghệ để thích nghi với những biến chuyển ngày càng nhanh của các thị trường thương mại điện tử bán lẻ.

Theo ông Huỳnh Lâm Hồ, dưới sự tác động của Covid-19 và sự thúc đẩy các tập đoàn công nghệ, hành vi của người tiêu dùng đã dịch chuyển sang mua hàng đa kênh, thị trường thương mại điện tử đang có sự tăng trưởng vượt bậc, đến 2025 quy mô có thể đạt đến 52 tỷ USD, gấp 4 lần năm 2020.

"Tuy nhiên để doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số trong bán hàng đa kênh và thương mại hiệu quả, thì việc đưa các giải pháp công nghệ vào việc vận hành, kinh doanh là điều tất yếu. Song song với đó, cần phải có việc đào tạo, trang bị kiến thức nền tảng cho các doanh nghiệp, người kinh doanh địa phương, từ đó doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng vững chắc", CEO Haravan chia sẻ.

Thực tế, người kinh doanh và doanh nghiệp bán lẻ ở Việt Nam hiện đang trong thời kỳ TMĐT phát triển bùng nổ, đi kèm theo đó là xu hướng chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, để nâng cao hiệu quả kinh doanh và giảm các chi phí trong vận hành, bán hàng. 

Vị CEO đánh giá, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp trẻ biết nắm bắt xu hướng và ứng dụng công nghệ để khởi nghiệp, kinh doanh phát triển thần tốc chỉ trong 5 năm vừa qua.

Hai bài toán lớn của thị trường thương mại điện tử 1
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp trở ngại trong việc tìm kiếm nguồn vốn vay

Doanh nghiệp nhỏ khó tìm nguồn vốn vay

Khảo sát PCI 2021 chỉ ra gần 47% doanh nghiệp Việt Nam đã gặp trở ngại trong việc tìm kiếm nguồn vốn vay, cao hơn tỷ lệ gần 41% của một năm trước đó. Không có tài sản thế chấp chính là nguyên nhân lớn nhất.

Kết quả là các doanh nghiệp sẽ phải tự tìm các nguồn vay thay thế như: vay mượn người thân, bạn bè và thậm chí là nguồn tín dụng đen với lãi suất lên tới 60%/năm.

Báo cáo "Cập nhật đánh giá quốc gia 2021" của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy các doanh nghiệp SME Việt Nam gặp khó khăn trong tiếp cận tài chính thuộc nhóm cao nhất trong khu vực trước nhu cầu về nguồn vốn của doanh nghiệp tăng lên theo tương ứng, ước tăng khoảng 50 - 60% so với trước đây.

Việc tiếp cận nguồn vốn chưa bao giờ là việc dễ dàng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Năng lực tài chính của chủ doanh nghiệp chưa cao, biểu hiện trong việc quản lý dòng tiền, minh bạch chứng từ, báo cáo tài chính, lịch sử tín dụng.

Đồng thời, đa số các doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn ngân hàng do liên quan đến tài sản đảm bảo, phương án kinh doanh khả thi, lịch sử trả nợ và các điều kiện, thủ tục vay vốn khác.

Bên cạnh đó, thông tin tài chính của doanh nghiệp SMEs thường không đầy đủ và không được cập nhật thường xuyên, đồng thời quy trình và thủ tục vay vốn phức tạp khiến doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn.

Chẳng hạn, ông Huỳnh Lâm Hồ đưa ví dụ, ở thời điểm hiện tại, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp càng lớn hơn do cần chuẩn bị cho việc tích trữ nguyên vật liệu đáp ứng các đơn hàng lễ, Tết.

Việc tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi ở thời điểm này sẽ là đòn bẩy tài chính để hoàn thành chỉ tiêu của cả năm. Như Haravan hiện đang bắt tay với KBank cung cấp những khoản vay ngắn hạn cho các nhu cầu tài chính đột xuất liên quan đến hàng hóa.

Theo đánh giá của Haravan, việc tích hợp các dịch vụ cho vay giúp tăng tỷ lệ thành công của giao dịch thương mại điện tử, qua đó giúp nhà bán hàng tăng doanh thu và kinh doanh hiệu quả hơn.