Hàng loạt doanh nghiệp điện mặt trời ở Gia Lai trước nguy cơ phá sản

Nguyễn Cảnh - 11:39, 23/09/2021

TheLEADERTrước áp lực phải cắt giảm công suất phát điện, không có nguồn tiền trả nợ vay tín dụng, nhiều nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà đã đệ đơn kêu cứu tới Văn phòng Thủ tướng, Bộ Công thương, EVN và chính quyền tỉnh Gia Lai.

Hàng loạt doanh nghiệp điện mặt trời ở Gia Lai trước nguy cơ phá sản
Dựa theo căn cứ luật pháp, tập thể các nhà đầu tư ĐMT tại Gia Lai cho rằng có quyền khởi kiện các công ty điện lực tại toà án các cấp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình

Căn nguyên của sự việc này là do các công ty điện lực (thành viên của EVN) đơn phương yêu cầu các chủ đầu tư dự án ĐMT phải tiết giảm, sa thải công suất phát điện từ đầu tháng 2/2021 đến nay.

Đơn kiến nghị của hàng chục chủ đầu tư nêu, vốn đầu tư các dự án điện mặt trời (ĐMT) gồm 2 nguồn: vốn tự có của doanh nghiệp (từ 20-30% tổng vốn đầu tư) và nguồn vốn vay ngân hàng thương mại cổ phần (70-80% tổng vốn) với lãi suất vay từ 9,5-12%/năm. Vì vậy, áp lực trả nợ gốc và lãi vay dự án của doanh nghiệp hàng tháng rất lớn.

Theo tính toán tài chính, hiệu quả của dự án chỉ đảm bảo trả được nợ vay khi hoạt động đúng công suất thiết kế, đặc biệt trong các tháng mùa khô tại Tây Nguyên.

Do đó, trường hợp EVN đề nghị các chủ đầu tư phải tiết giảm công suất phát điện của dự án từ 50 - 70% trong các tháng cuối năm 2021 sẽ dẫn đến hậu quả xấu đối với các nhà đầu tư ĐMT. 

Các chủ đầu tư không có nguồn trả nợ vay đúng theo hợp đồng tín dụng đã ký, gây lãng phí cho doanh nghiệp và xã hội.

Từ khả năng nêu trên, có thể dẫn tới việc các chủ đầu tư điện mặt trời và các ngân hàng thương mại cho vay đồng loạt khởi kiện các công ty điện lực vi phạm hợp đồng mua bán điện và đề nghị bồi thường thiệt hại, sẽ gây bất ổn an ninh, xã hội.

Các chủ đầu tư ĐMT cũng dẫn ra cơ sở pháp lý của việc tiết giảm, sa thải công suất phát lên lưới của các dự án. Theo đó, căn cứ Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, bộ mẫu hợp đồng mua bán điện của Bộ Công thương, hợp đồng mua bán điện đã ký giữa các doanh nghiệp và các công ty điện lực không có điều khoản tiết giảm, sa thải công suất phát lên lưới của các dự án ĐMT. Đồng thời, bên mua điện là EVN chịu trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện phát của dự án.

Do vậy, việc các công ty điện lực đơn phương yêu cầu các chủ đầu tư dự án ĐMT phải tiết giảm, sa thải công suất phát điện như hiện tại (từ đầu tháng 2/2021 đến nay) là vi phạm các quy định của Luật Thương mại 2005, Bộ luật Dân sự 2015 và các quy định pháp luật có liên quan khác. Các chủ đầu tư có quyền khởi kiện các công ty điện lực tại toà án các cấp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp.

Dẫn ra cơ sở pháp lý và thực tế như nêu trên, các doanh nghiệp chủ đầu tư ĐMT tại Gia Lai mong muốn nhận được tháo gỡ, hỗ trợ từ Chính phủ, bộ ngành địa phương liên quan.

Cụ thể, các nhà đầu tư đề nghị Nhà nước xem xét, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ĐMT để đảm bảo tồn tại, vượt qua khó khăn như hiện nay. Đồng thời đảm bảo cơ chế, chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước theo Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg được thực hiện nhất quán, đúng cam kết, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để thu hút mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kinh tế đất nước.

Đối với Bộ Công thương, đề nghị xem xét, tính toán chỉ đạo các cơ quan liên quan, EVN xây dựng kế hoạch khai thác các nguồn năng lượng hiệu quả nhất, giảm tối đa sự lãng phí của doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời, lãng phí tài sản của xã hội. Đồng thời đề nghị tăng cường huy động các nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió; giảm các nguồn điện than và nguồn điện khí do 2 nguồn này có thể huy động sau mà không phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên như ĐMT.

Trong trường hợp bất khả kháng, các dự án ĐMT buộc phải tiết giảm, sa thải công suất phát điện của dự án để tạo đồng thuận giữa các bên, tránh khiếu kiện có tính hệ thống gây mất ổn định an ninh, xã hội thì Bộ Công thương phối hợp với các ngành liên quan để thoả thuận bù đắp thiệt hại cho doanh nghiệp như: kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng với các hợp đồng mau bán điện đã ký đúng bằng thời gian tiết giảm, sa thải công suất; Bộ Công thương đề xuất các ngành liên quan tăng giá mua ĐMT cho các dự án đúng bằng phần sản lượng tiết giảm trong một thời gian nhất định (dịch bệnh Covid) cũng như đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi tiền vay cho các chủ đầu tư ĐMT.

Các doanh nghiệp cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Công thương và EVN xác định rõ ràng ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến các doanh nghiệp đầu tư ĐMT. Từ đó có quy định cụ thể đề nghị các ngân hàng thương mại thực hiện giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp ĐMT do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01 và Thông tư số 03 của Ngân hàng Nhà nước.

Những doanh nghiệp này cho biết, thực tế hiện nay, các Ngân hàng thương mại đều tìm mọi lý do để từ chối xem xét, hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất cho vay (doanh nghiệp đang phải vay mức lãi suất từ 9,5-12%/năm nhưng chưa được điều chỉnh giảm).

Do đó, doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các ngân hàng thương mại cố tình không thực hiện giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp đầu tư ĐMT. Trường hợp buộc phải sa thải điện thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp khoanh nợ không tính lãi.

Đồng thời, các nhà đầu tư ĐMT đề nghị EVN xây dựng phương án tăng cường huy động sử dụng nghiên điện hiệu quả nhất, tiết kiệm không gây lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp, của xã hội và thân thiện với môi trường. Công khai, minh bạch thông tin tiết giảm, sa thải của các dự án.

Công tác dự báo, quy hoạch phát triển điện mặt trời của cơ quan chức năng thiếu chính xác; hệ thống truyền tải, cơ sở hạ tầng phục vụ truyền tải của ngành điện chưa phát triển đồng bộ so với việc phát triển của điện mặt trời cũng như công tác điều hành phát điện giữa các nguồn phát điện gồm mặt trời, điện than, thuỷ điện… còn chưa thật hợp lý.

Các nhà đầu tư ĐMT tại Gia Lai nêu trong đơn kêu cứu gửi Chính phủ, Bộ Công thương và cơ quan hữu quan

Chỉ vài ngày sau khi đơn kiến nghị của hàng loạt nhà đầu tư ĐMT tại Gia Lai nêu trên được phát đi, ghi nhận diễn biến bất ngờ từ EVN.

Cụ thể, qua rà soát, kiểm tra việc nghiệm thu,ký kết hợp đồng mua điện từ các nguồn điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tại Tổng công ty điện lực miền Nam (EVNSPC), Tổng công ty điện lực miền Trung (EVNCPC), EVN đã phát hiện một số trường hợp có dấu hiệu vi phạm quy định về nghiệm thu, ký kết hợp đồng mua bán điện, tiềm ẩn nhiều rủi ro làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của EVN, EVNSPC và EVNCPC.

Do đó, EVN yêu cầu EVNSPC, EVNCPC thực hiện ngay các nội dung: chỉ đạo rà soát, kiểm tra tổng thể các hợp đồng mua bán ĐMTMN trên địa bàn đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật. Yêu cầu đánh giá đầy đủ về các rủi ro và chịu trách nhiệm trước tập đoàn về tính chính xác trong các thông tin báo cáo về việc nghiệm thu, ký kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng đối với 70 nguồn ĐMTMN đính kèm theo văn bản 5373/EVN-KD ngày 1/9/2021 của tập đoàn.

Chỉ đạo giám đốc các công ty điện lực có ký kết hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư 70 nguồn ĐMTMN nêu trên khẩn trương rà soát, kiểm tra và làm việc với các chủ đầu tư để xác định rõ có vi phạm hay không có vi phạm quy định về nghiệm thu, ký kết hợp đồng mua bán điện; yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các hồ sơ, tài liệu chứng minh cho việc lắp đặt, nghiệm thu, đưa vào vận hạnh nguồn ĐMTMN đã được ký kết hợp đồng là đúng quy định theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg và Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Công thương.

Trường hợp chủ đầu tư không phối hợp để xác định rõ có hay không có dấu hiệu vi phạm, Tổng công ty Điện lực yêu cầu các công ty điện lực tạm dừng thanh toán trong thời gian chờ xác minh tinh chuẩn xác của việc nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán điện và đề nghị các cơ quan chức năng tại địa phương hỗ trợ xác minh, xử lý theo quy định pháp luật.

Yêu cầu các giám đốc công ty điện lực cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn của kết quả kiểm tra, rà soát đối với 70 nguồn ĐMTMN nêu trên; khắc phục hậu quả và thu hồi ngay các sai lệch trong thanh toán (nếu có) trong trường hợp phát hiện chủ đầu tư vi phạm quy định. 

Chỉ đạo xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật, vi phạm quy định về đấu nối, nghiệm thu, ký kết hợp đồng mua bản điện, thanh toán không đúng quy định, quy trình, ghi chỉ số công tơ không đúng, báo cáo sai lệch số liệu giữa hệ thống quản lý thông tin khách hàng.