Hành trình đẹp như mơ lên Sa Pa trên cung đường xưa

Nguyễn Văn Mỹ* - 12:22, 26/08/2019

TheLEADERCác già làng nói rằng, cách đây hơn trăm năm, những người Pháp từ Lao Cai đã lần theo đường này để lên Sa Pả - tên gọi Sa Pa thời đó. Tôi chưa có dịp kiểm chứng, nhưng có điều chắc chắn, trước đây những cư dân bản địa vẫn theo cung đường này để về Sa Pa đi chợ phiên, chợ tình.

Nghe được thông tin này, anh Dương Minh Bình, Chủ tịch công ty tư vấn homestay kiểu mới CBT nhờ các cộng sự bằng mọi cách tìm lại “Cung đường xưa”. Phải mất mấy tháng với gần chục chuyến đi gian nan, “Cung đường xưa” mới được xác định. Từ Lào Cai lên Sa Pa đường núi, có năm bảy ngã. Nhưng đây là cung đường đẹp nhất dù chưa phải là ngắn nhất.

Hành trình đẹp như mơ lên Sa Pa trên cung đường xưa
Bản đồ hành trình leo núi từ Lào Cai lên Sa Pa

Chuẩn bị lên đường

Sau khi khảo sát các xã nông thôn mới kiểu mẫu ở Hà Tĩnh để phát triển du lịch cộng đồng, nhóm chuyên gia tư vấn của CBT bay ra Hà Nội. Chúng tôi hẹn và đi chung xe với Cục trưởng, Chánh văn phòng Nông thôn mới TW lên Lào Cai bàn việc phối hợp công bố sản phẩm liên kết mở hàng. Buổi làm việc thân tình, cả lãnh đạo thành phố Lào Cai và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều bất ngờ vì chưa nghe ai nói về cung đường này. Ai cũng hăm hở vào náo nức.

Cả đoàn ghé homestay Xuân Diện ở thôn Tượng 2, xã Hợp Thành. Thành phố Lào Cai đăng ký năm người tham gia, cho xe chở lên Sa Pa để đi bộ từ bản Phùng về U Si Sung. Đoàn đi dự kiến có 10 thành viên.

Tôi và nhóm CBT ngủ lại ở homestay, bồn chồn chờ sáng. Trăng rằm tháng 7 lênh láng và có phần ma mị. Núi Đán Tượng mờ ảo với huyền tích Rồng về ẩn hiện.

Sau khi ăn sáng, đoàn đợi xe Lào Cai xuống đón lúc 6 giờ. Không dám liên hệ sớm vì sợ làm phiền. Nhưng đến 8 giờ vẫn bặt tăm, điện thoại thì “xin lỗi, vì gấp quá nên không kịp tham gia như đã hứa”. Trời ạ, sao không nói sớm! Kế hoạch lập tức điều chỉnh. Thay vì xe chở lên Sa Pa, đi bộ đường núi xuống Lào Cai, rồi đạp xe từ U Si Sung về Hợp Thành thì ngược lại. Hủy phần đạp xe, lấy xe gắn máy chạy thẳng đến U Si Sung rồi leo núi lên Sa Pa.

Nhóm thẩm định sản phẩm chỉ còn bốn người gồm tôi, anh Vi Văn Hưởng (người Thái, Giám đốc bảo hành dự án CBT phía Bắc), chị Nguyễn Thị Ngọc Hà (Trưởng khoa Du lịch, Trường cao đẳng Lào Cai) và Lý Văn Tiềng (người Tày ở homestay Xuân Diện). Dù rất muốn, thèm là khác nhưng anh Dương Minh Bình không thể tham gia vì đau chân. 

Hưởng đi lần thứ ba, Tiềng đi lần thứ hai. Tôi và Hà mới đi lần đầu. Hành trang gọn nhẹ với nước uống, thức ăn trưa và một chiếc dao quắm.

Hành trình đẹp như mơ lên Sa Pa trên cung đường xưa 1
Nhóm thẩm định sản phẩm

Rất vội, chỉ tiếc là không được đạp xe. Đường từ Hợp Thành lên U Si Sung quanh co uốn lượn, cheo leo vực thẳm, núi rừng đan xen ruộng bậc thang và thung lũng, đẹp hơn tranh vẽ.

9 giờ, nhóm xuất phát từ U Si Sung, bản của người Dao đỏ.

Hành trình đẹp như mơ

Đường dốc, tương đối dễ đi, nhiều đoạn được trải xi măng, bề ngang chừng 4 tấc. Tiềng dùng dao quắm, “sắm” cho mỗi người một cây gậy trúc, như gậy Trường Sơn. Đi rừng hay leo núi, gậy vừa là chỗ bám, điểm tựa phụ, vừa có thể phạt cỏ, phát gai, đuổi rắn rết.

Thì ra, dọc đường có qua bản Ki Lung San của người Dao đỏ với những căn nhà còn giữ được nét hoang xưa. Ngăn cách giữa bản với rừng là những “cổng làng” bằng tre đơn sơ, chủ yếu là ngăn trâu bò không được tự do vào bản. Cảnh quan và cả độ cao cứ thay đổi liên tục, hết lên rồi xuống. Hết trảng cỏ hoa đến ruộng lúa bậc thang. Xa xa là chập chùng núi. Từ bản Ki Lung San nhìn xuống, có thể thấy rõ Lào Cai và cả thành phố Hà Khẩu bên Trung Quốc với các cao ốc nhấp nhô. Nếu có ống nhòm chuyên dụng thì thấy cả người bên đó.

Nhóm tạm nghỉ bên con suối nhỏ. Nước trong và mát rợn người. Đang ngâm chân thì nghe tiếng động lớn ở phía trên. Nước văng tung tóe. Nhìn lên, một chú trâu ra uống nước trượt chân, té ngửa, chổng chân lên trời giữa hốc đá. Nó nằm im chốc lát rồi cố cựa quậy. Tôi cất tiếng gọi “nghé ọ”. Trâu khua chân như cầu cứu rồi quẫy mạnh, lật ngược thế cờ. Đúng là khỏe như trâu. Đường đi ngày càng vất vả và ngập tiếng ve. Mồ hôi đẫm áo. Thi thoảng vẫn có lối đi. Có cả mương nước dẫn ra ruộng lúa.

Hành trình đẹp như mơ lên Sa Pa trên cung đường xưa 2
Làng bản dọc đường

Qua hết những lối mòn là đường trúc, loại tre không có gai, thân thẳng đứng, nhiều nơi gọi là tre tông. Nhóm bốn người cứ như thầy trò Tam Tạng thỉnh kinh, đi qua “thập diện mai phục”. Rừng trúc thoáng, lá rụng đầy như thảm. Rừng đặc dụng tre trúc, là chốn dung thân lý tưởng của họ nhà vắt, loại nhuyễn thể họ đỉa nhưng sống trên đất. Ngoài vắt đất còn có vắt lá. Loại này sống trên cây. Có thể “nhảy dù” và đổ bộ xuống đầu, cổ các sinh vật khác. Những ai may mắn mới được vắt “hôn”, chứ không cắn vì đâu có răng. Vắt “hôn” không đau, chỉ hơi ngứa. Chúng chỉ xin chừng 1cc máu độ lại, ít hơn lấy máu thử ở bệnh viện, có gì đâu mà hãi!

Nhiều đoạn cheo leo vực thẳm. Suối róc rách hòa tấu. Lúc xa vắng, thầm thì quyến rũ. Khi réo rắt dồn dập gợi tình, như cố xua bớt mệt nhọc của những khách mới quen. Có nhiều loại cây lạ, không biết tên. Những chùm hoa cổ thụ khoe hương sắc với trời xanh tít tắp. Vào rừng thảo quả là hết lối mòn. Nhiều đoạn phải dùng dao phạt cây mới có lối đi. Đất tốt, khí hậu lý tưởng nên chỉ mươi ngày là cây dại xóa sạch dấu vết. Ngán nhất là mấy cục đá bên dưới như bẫy khách. Khi đi phải dùng bàn chân dò đường như kiểu người khiếm thị hoặc voi đi.

Thảo quả còn gọi là đò ho, tò ho, mac hâu, may mac hâu, loài thực vật thân bụi, họ gừng nhưng to lớn hơn. Nhìn qua, dễ nhầm với lá dong rừng để gói bánh. Tiềng chỉ cho tôi cách phân biệt hai loại lá dong. Dong lông lá cứng hơn, dễ rách, gãy. Dong trơn lá mềm, mượt và dẻo hơn, gói bánh rất tốt. Hạt thảo quả chứa 1-3% tinh dầu, màu vàng nhạt, thơm nồng. Là loại dược liệu đa năng của người dân miền núi, trị sốt rét, đau bụng, chướng bụng, đầy bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, đau thượng vị, hôi miệng, kích thích tiêu hóa và hệ tuần hoàn, hệ thần kinh…Đây là nguồn thu nhập chính của dân bản.

Hành trình đẹp như mơ lên Sa Pa trên cung đường xưa 3
Thảo quả

Cây thảo quả trồng sáu năm thì ra trái, mỗi năm thu hoạch một lần và liên tiếp 10 năm mới thoái hóa. Đã đi qua rừng thảo quả khi leo Fansipan năm 2011, nhưng lần đầu tôi mới cảm được mùi hương man mác, quyến rũ và thấy trái thảo quả. Trái mọc dưới gốc, chi chít, màu đỏ, to hơn trái nho Mỹ. Trái màu đỏ tươi được giá hơn trái màu đỏ sẫm. Thảo quả phơi khô, lấy hạt, giá bán hiện nay 200.000 đồng mỗi ký. Cứ mỗi ký tươi, được 0,6 ký hạt.

Đang mệt bở hơi tai, Tiềng cắt đôi trái thảo quả, đưa cho tôi. Hít hà vài hơi là như có thuốc tăng lực, tinh thần phấn chấn. Người dân tộc có cách riêng để đánh dấu chủ quyền cây thảo quả và không ai lấy của ai. Vị phạm sẽ bị thần rừng trừng phạt nghiêm khắc.

Xế chiều, nhóm dừng ăn trưa với bánh mì đồ hộp, cơm cá nướng, bánh dậm (giống bánh gai, làm bằng bột nếp vào những dịp lễ, tết của người Tày) và trái cây. Ăn xong, rác phân hủy được chôn lấp. Rác vô cơ thì mang về trả bản. Biết “căng da bụng, chùng da mắt” nên không ai dám ăn no. Tiếp tục hành trình, cả nhóm loay hoay, tìm mãi vẫn mất phương hướng. Anh em hơi hoảng vì điện thoại mất sóng, không thể hỏi google map lẫn “google mồm”.

Thật ra nhóm đã lạc đường từ trước đó mà không biết. Mấy lần trước đi xuôi. Lần này đi ngược và bị cây dại xoa dấu vết nên bạn Hưởng dù đã đi lần ba vẫn lạc. Sau cả giờ loanh quanh giữa rừng thảo quả lút đầu, tôi quyết định cho nhóm dừng chân. Hưởng sẽ tìm đường rồi báo lại. Bằng không, trở lại đường cũ, quay về, dù xa gấp đôi nhưng ít nhất là biết rõ đích đến.

Hành trình đẹp như mơ lên Sa Pa trên cung đường xưa 4
Con suối nhỏ dọc đường

20 phút sau, Hưởng hú gọi nhóm, nghĩa là đã tìm ra đường thoát. Đang thất vọng lại hy vọng tràn trề. Sau cơn mưa, trời lại sáng, phấn chấn băng rừng, vượt núi. Cung dường có nhiều cây dược liệu quí. Tôi gặp cả nấm linh chi, nấm tai mèo và nhiều nhất là sa nhân, loài dược liệu đa năng và hiếm. Có cả nấm ngọc cẩu cực hiếm, loại dược liệu tăng cường bản lĩnh đàn ông. Anh em bảo nhau, phải gương mẫu thực hiện triệt để phương châm “Vào rừng chỉ để lại dấu chân. Không mang gì về ngoài những tấm hình trong film và tình cảm của rừng”.

Hành trình đẹp như mơ lên Sa Pa trên cung đường xưa 5
Nấm Ngọc Cẩu

Từ triền núi, đã thấy đường xi măng như con rắn uốn lượn, nói có xe chờ sẵn. Cứ tưởng hơn nửa giờ là tới. Nhìn vậy mà không phải vậy. Mất hơn hai giờ với nhiều cửa ải. Rừng chuối dốc và lởm chởm đá. Có chỗ phải bò. Lên dốc khó thở vì bị ép tim. Xuống dốc thì căng cơ và vọp bẻ, đầu ngón chân bấu chặt mặt đất.

Độ cao thấp dần với những trảng cỏ dại, ruộng lúa. Mấy đàn trâu bò đang ung dung gặm cỏ, giật mình ngơ ngác nhìn khách lạ. Tôi gặp chàng trai H’ Mong kéo gỗ về bản. Thay vì vác thì dùng dây thừng, kéo được trọng lượng gấp đôi gấp ba. Cuối cùng, chúng tôi cũng vượt qua chính mình, tới “cửa Thiên đường” lúc 17 giờ. Xe đón sẵn ở bản Phùng của người H’ Mong rồi chở thẳng về Lào Cai. Dù mệt rã người nhưng dọc đường vẫn phải dừng xe mấy lần để chụp ảnh vì cảnh quan quá tuyệt vời.

Hành trình đẹp như mơ lên Sa Pa trên cung đường xưa 6
Nhìn thấy đường rất gần nhưng thực ra rất xa

Cung đường huyền thoại đang chờ đón

Bữa ăn chiều thịnh soạn vì “Tết quanh năm không bằng rằm tháng 7”. Dưới ánh trăng bàng bạc, nhóm thẩm định sản phẩm tổng kết chuyến đi và chuẩn bị cho việc đón khách.

Hành trình của nhóm mất tám tiếng, trong đócó hơn một giờ đi lạc. Độ dài khoảng 7 km, vừa đi vừa nghỉ và ăn trưa mất khoảng bảy giờ với người bình thường. Độ khó vừa đủ để thử thách du khách. Độ dài vửa phải để kết thúc trong ngày với nhiều điểm chụp ảnh tự sướng.

Tốt nhất có lẽ là đi từ Sa Pa xuống. Sẽ đưa khách tới bản Phùng vào sáng sớm, sau khi ăn nhẹ. Phải dừng nấy chỗ dọc đường để chụp ảnh. Tập trung tại bản Phùng, sinh hoạt nội qui và cam kết thực hiện. Đoạn này khó khăn nhất, vì mới xuất phát nên ai cũng háo hức vượt Dốc Hăm Hở (từ bản Phùng, thị trấn Sa Pa, qua dốc chuối) mới vào được Rừng Hương (thảo quả). Ăn trưa bên suối. Rừng đặc dụng thảo quả nên gần như không có côn trùng hay rắn rết. Qua Rừng Hương là đến ngã ba “Hưởng Lạc” (anh Vi Văn Hưởng bị lạc) rồi đến Đường Trúc (còn gọi là Đường Tam Tạng) và sau đó là Xuôi Miền Hạnh Phúc.

Hành trình đẹp như mơ lên Sa Pa trên cung đường xưa 7
Ruộng bậc thang ở bản Phùng

Tại U Si Sung, các cô gái Dao đỏ và Tày xinh đẹp chào đón những người vừa vượt qua chính mình bằng nước uống với khăn lạnh và sâm mát Lào Cai. Mỗi người sẽ dùng xe đạp địa hình xuôi về Hợp Thành và liên hoan tại homestay Xuân Diện. Từng thành viên sẽ được tặng quà và cấp giấy chứng nhận, có dán hình trang trọng.

Để tham gia chuyến đi “lịch sử”, nên tập trước sức bền như đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp, leo cầu thang bộ. Dùng giày bộ đội là tốt nhất. Mang theo viên sủi C, một ít socola, phô mai và áo mưa mỏng. U 70 như tôi, lại bị huyết khối và dãn tĩnh mạch, vẫn thừa sức đi, thì ai cũng có thể đi được.

Khi những dòng chữ này lên báo, các bạn ở homestay Xuân Diện cùng với sinh viên Khoa Du lịch của Trường Cao đẳng Lào Cai, được sự hỗ trợ của bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương đã tổ chức đánh dấu, cắm mốc và phát quang tối thiểu, đảm bảo không bị lạc đường, trừ khi cố ý.

*Chủ tịch công ty Lửa Việt Tours, Trưởng nhóm thẩm định sản phẩm