Hiểu và quản trị tốt hơn tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp

Quỳnh Chi - 13:25, 26/04/2022

TheLEADERĐầu tư cho sở hữu trí tuệ là khoản đầu tư sinh lời rất lớn, tạo ra các giá trị bền vững, có giá trị lớn cho tương lai.

Hiểu và quản trị tốt hơn tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp
Tọa đàm “Giới trẻ và quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp”.

Đã có hơn 30 năm công tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ từ năm 1986, ông Lưu Đức Thanh, nguyên Giám đốc Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và công nghệ) nhìn nhận, việc hiểu biết sâu về sở hữu trí tuệ là một điều rất khó. Ở Việt Nam hiện nay, số người nghiên cứu sâu về lĩnh vực này còn rất ít.

Trong bối cảnh mà quản trị, trong đó có quản trị tài sản, đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, việc cập nhật kiến thức về quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp là điều cần thiết, đặc biệt với những nhà lãnh đạo trẻ, để có thể phát triển doanh nghiệp bền vững.

Một trong những giải pháp quan trọng trong Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành và triển khai nhiều năm nay là hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội.

Trả lời phỏng vấn trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh, văn hóa sở hữu trí tuệ chủ yếu đề cập đến nhận thức, thái độ, lòng tin, quan niệm cũng như hành xử của con người liên quan đến các vấn đề sở hữu trí tuệ. Cũng có thể nói, văn hóa sở hữu trí tuệ nghĩa là văn hóa của con người biết tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác.

Hưởng ứng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4 hàng năm), Tạp chí TheLEADER và Công ty Concetti phối hợp tổ chức tọa đàm “Giới trẻ và quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp”. Sự kiện này đánh dấu mốc khởi đầu của Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) và các đơn vị thành viên trong hành trình nâng cao nhận thức và thúc đẩy quản trị tốt hơn tài sản sở hữu trí tuệ ở Việt Nam; bao gồm truyền thông, nghiên cứu thị trường, xây dựng báo cáo nghiên cứu, tham vấn chính sách với các cơ quan Nhà nước, đưa ra các khuyến nghị với cộng đồng doanh nghiệp…

Ông Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch VACD nhấn mạnh, vấn đề nóng nhất được các chuyên gia nêu ra trong suốt hàng chục năm qua luôn là quản trị bởi việc quản trị không tốt sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ.

“VACD xác định sứ mệnh là mục tiêu xây dựng một nền quản trị tốt hơn; đặc biệt là quản trị doanh nghiệp. Tạp chí TheLEADER của Hội trong suốt nhiều năm qua đều luôn bám sát mục tiêu ấy. Đến nay, một vấn đề nổi lên là quản trị tài sản trí tuệ và chúng tôi sẽ đẩy mạnh và đi sâu hơn vào vấn đề này trong thời gian tới”, ông Tiến cho biết.

Hiểu về quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp
Ông Hàn Mạnh Tiến, nguyên Tổng giám đốc Concetti, Chủ tịch Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam

Hiểu đúng về sở hữu trí tuệ

Từ đầu những năm 80, để có thể dịch được thuật ngữ “intellectual property - IP” mà quốc tế sử dụng sang tiếng Việt một cách chuẩn xác, các chuyên gia thuộc thế hệ của ông Tiến cũng đã mất rất nhiều thời gian và công sức. 

Tài sản trí tuệ là những sản phẩm do con người sáng tạo ra. Các tài sản này được bảo hộ thông qua các quy định của pháp luật. Do đó, khái niệm sở hữu trí tuệ được sử dụng một cách phổ biến, bao hàm cả khái niệm tài sản trí tuệ.

Nói về quá trình phát triển của lĩnh vực sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, ông Thanh cho biết, năm 1982, Cục Sáng chế được thành lập, trên cơ sở tổ chức của Phòng Quản lý sáng chế - phát minh thuộc Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước.

Năm 1993, Cục Sáng chế chính thức được đổi tên thành Cục Sở hữu công nghiệp. Đến năm 2003, cơ quan này được đổi tên thành Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) với chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy được mở rộng hơn so với trước.

Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan đầu mối trong vấn đề quan hệ quốc tế về sở hữu trí tuệ, là cơ quan nhà nước trong việc xác lập quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp. các đối tượng này bao gồm sáng chế nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, bố trí mạch tích hợp bán dẫn, tên thương mại, bí mật kinh doanh…

Sở hữu trí tuệ bao gồm ba nhóm: sở hữu công nghiệp, bản quyền tác giả và giống cây trồng. Hệ thống sở hữu trí tuệ của quốc gia bao gồm các thành tố: các văn bản pháp lý quy định về trình tự, thủ tục, khái niệm và thực thi…về các vấn đề sở hữu trí tuệ; bộ máy gồm các cơ quan đại diện cho Nhà nước; thông tin và dịch vụ sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, một thành tố cũng quan trọng không kém được ông Thanh nhấn mạnh là các đại diện sở hữu trí tuệ như Công ty Concetti. Các đại diện này đóng vai trò cầu nối giữa cơ quan nhà nước và người tạo ra tài sản trí tuệ, là đơn vị tư vấn cho các chủ thể trong và ngoài nước…

Nguyên là Tổng giám đốc Concetti, ông Tiến kể lại, khi tất cả khái niệm và dịch vụ về sở hữu trí tuệ còn đang rất mơ hồ ở cả Việt Nam và Lào vào năm 1991, Concetti đã sớm đi trước trong vai trò đại diện sở hữu trí tuệ và thậm chí còn thuyết phục, tư vấn, hỗ trợ Lào để mở sổ đăng bạ sở hữu trí tuệ.

Hiểu về quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp 1
Ông Lưu Đức Thanh (phải) trao chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể Mộc Thái Yên cho Hội Nghề mộc Thái Yên (Hà Tĩnh) khi ông còn là Giám đốc Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế

Đánh giá về hiện trạng ở Việt Nam, ông Thanh cho rằng một số quy định về sở hữu trí tuệ còn chưa được chặt chẽ nên cách vận dụng Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam chưa được đầy đủ và chi tiết. Do đó, hiệu quả của việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ còn tương đối mờ nhạt, hiện tượng làm hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn khá phổ biến.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực thi Luật Sở hữu trí tuệ, nhiều khái niệm đang bị nhầm lẫn. Chẳng hạn, hai khái niệm nhãn hiệu và thương hiệu đang bị đánh đồng trong khi các văn bản chỉ mới quy định về nhãn hiệu mà chưa quy định rõ thương hiệu là gì. Khái niệm thương hiệu được dùng rất nhiều, là hình ảnh phản chiếu doanh nghiệp và sản phẩm vào tư duy công chúng khi tiếp cận, bao gồm cả nhãn hiệu, chất lượng, các khía cạnh về văn hóa…

Một nhầm lẫn khác có thể kể đến là sự đánh đồng hai khái niệm phát minh và sáng chế. Sáng chế là các tài sản do con người sáng tạo ra trong khi phát minh tồn tại độc lập với hiểu biết của con người, con người chỉ phát hiện ra chứ không tác động để tạo ra nó.

Tăng sức cạnh tranh nhờ sở hữu trí tuệ

Chính phủ Việt Nam đã sớm xác định chủ trương "sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ làm đòn bẩy thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế xã hội".

Năm 1994, Unilever mua lại thương hiệu kem đánh răng P/S của Công ty Hoá mỹ phẩm Phong Lan với giá 5 triệu USD sau nhiều lần thương thảo từ mức định giá 3,5 triệu USD. Thương vụ này từ thời điểm đó đã tiêu tốn khá nhiều giấy mực của báo chí về câu chuyện thương hiệu của doanh nghiệp và cho thấy giá trị của thương hiệu đối với doanh nghiệp là quan trọng, là lớn như thế nào. 

Thương hiệu là một loại tài sản đặc biệt và là một trong những đối tượng sở hữu công nghiệp có giá trị và khả năng khai thác thương mại rất lớn.

Ông Nguyễn Cao Cương, Tổng biên tập TheLEADER cho rằng, trong bối cảnh việc gia nhập thị trường dễ dàng hơn cũng như giao thương toàn cầu được đẩy mạnh, vấn đề sở hữu trí tuệ trở thành sức mạnh cạnh tranh. Một doanh nghiệp ngày càng đổi mới sáng tạo, có nhiều sáng chế giá trị và quản trị tài sản tốt hơn, doanh nghiệp sẽ ngày càng đi lên, giá trị thương hiệu ngày càng tăng.

Là đại diện cho thế hệ lãnh đạo trẻ, ông Hàn Tường Minh, Tổng giám đốc Concetti, cho rằng sở hữu trí tuệ cần được đưa vào chiến lược đầu tư của doanh nghiệp. 

Từ ví dụ của P/S hay những thương vụ mua M&A lớn gần đây hay những vụ kiện tụng tốn kém như gạo ST25, nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre, võng xếp Duy Lợi để lấy lại thương hiệu trên thị trường quốc tế mới thấy, đầu tư cho sở hữu trí tuệ là khoản đầu tư sinh lời rất lớn, tạo các giá trị bền vững, giá trị cho tương lai.