Hình hài nền kinh tế hậu Covid-19

Phương Anh - 14:44, 21/12/2021

TheLEADERMột thay đổi lớn trong nền kinh tế hậu đại dịch là sự xuất hiện của hệ sinh thái kết hợp các ngành nghề khác nhau, từ đó có thể tạo ra những công ty mới làm thay đổi cục diện.

Những xu hướng chính trong nền kinh tế hậu đại dịch

Ông Bruce Delteil, Giám đốc hợp danh công ty McKinsey&Company Việt Nam, đánh giá, xét về cấu trúc kinh tế, những ngành đang tăng trưởng với cấp số nhân có thể kể đến là chứng khoán và thương mại điện tử.

Với hoạt động đầu tư, viễn cảnh tương đối khả quan là các nhà đầu tư có thể tiếp tục những dự án dự định như trước khi đại dịch diễn ra, nhưng sẽ thận trọng hơn.

Về sản xuất, Covid-19 đã làm thay đổi vài xu hướng và trong tương lai, Việt Nam hoàn toàn có thể sở hữu giá trị cao hơn trong lĩnh vực này. Ngoài ra, kinh tế số, dịch vụ tài chính, áp dụng công nghệ tại quốc gia này đang diễn ra theo cách “vô tiền khoáng hậu”, nghĩa là ở quy mô lớn hơn các quốc gia McKinsey&Company đang quan sát.

Tại diễn đàn kinh doanh “Con đường phía trước” gần đây, ông Bruce Delteil nhận định Covid-19 sẽ làm thay đổi nền kinh tế Việt Nam trong tương lai, với sự xuất hiện của một số xu hướng chính.

Những xu hướng này bao gồm chuyển đổi số mạnh mẽ, hành vi tiêu dùng thay đổi, cách thức làm việc thay đổi, tiêu chuẩn cao hơn về môi trường, xã hội và quản trị, cũng như tính đa kênh – omnichannel.

Đơn cử, kết quả khảo sát đầu tháng này của Kanta WorldPanel đã chỉ ra rằng, gần 80% hộ gia đình Việt Nam sẽ mua sắm theo cách ít bốc đồng hơn và nhận thức nhiều hơn về sản phẩm sẽ mua so với trước thời điểm giãn cách. Điều này dẫn tới sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng sang chú trọng về giá trị trực tiếp.

Mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp vì vậy sẽ thay đổi để đáp ứng các hành vi mới, thúc đẩy trải nghiệm trên các kênh và khu vực.

Ngoài ra, một sự thay đổi lớn trong nền kinh tế hậu đại dịch là sự xuất hiện của hệ sinh thái kết hợp các ngành nghề khác nhau, ví dụ như fintech trong dịch vụ tài chính. Ông Bruce Delteil nhấn mạnh sự thay đổi này có thể tạo ra những công ty mới làm thay đổi cục diện các lĩnh vực. 

Không chỉ vậy, công nghệ và năng suất sẽ là những yếu tố quyết định đưa chuỗi cung ứng quay trở lại khi nhu cầu phục hồi. Khảo sát của McKinsey cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng ứng dụng công nghệ mới, đồng nghĩa với sẵn sàng để thay đổi.

“Chúng ta đã nhận thấy sự thay đổi của chuỗi sản xuất toàn cầu, Việt Nam có thể kết hợp để tăng năng suất và gia tăng giá trị sản xuất”, vị chuyên gia phân tích.

Động lực cho tăng trưởng kinh tế hậu Covid-19

IFC trong nghiên cứu đánh giá khu vực kinh tế tư nhân gần đây nhấn mạnh tăng trưởng bền vững của Việt Nam trong tương lai sẽ phụ thuộc vào quá trình chuyển dịch sang đầu tư tư nhân gắn với hiệu quả, đổi mới sáng tạo, và tăng năng suất.

Trong giai đoạn phục hồi sau Covid-19, tạo điều kiện cho sự phát triển của một khu vực tư nhân năng động, đa dạng và năng suất cao là một nhiệm vụ bắt buộc của Việt Nam, khi các nguồn lực công trở nên khan hiếm.

Đối với Việt Nam, lộ trình trở thành quốc gia có thu nhập cao đồng nghĩa với nâng cao giá trị gia tăng trong các lĩnh vực hiện có, dịch chuyển lên nấc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đa dạng hóa các ngành kinh tế, cũng như các thị trường mới, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững và số hóa nền kinh tế.

“Nỗ lực này đòi hỏi phải giải quyết những hạn chế cản trở tăng trưởng, năng suất, và đa dạng hóa của khu vực kinh tế tư nhân”, IFC lưu ý.

Tại diễn đàn “Con đường phía trước”, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư CTCK SSI, dự báo các kịch bản kinh tế vĩ mô năm 2022 sẽ tích cực hơn, sẽ không có các đợt giãn cách nghiêm ngặt như năm 2021. “Hoạt động mở cửa sẽ cầm chừng và có thể mọi thứ sẽ bình thường trở lại vào khoảng cuối năm sau”.

Ba yếu tố sẽ tạo nên sự tích cực của năm 2022 là tỷ lệ tiêm vaccine cao hơn, kinh nghiệm của các hãng trong cung ứng vaccine, và tiến bộ y học có thể cung cấp thuốc chữa Covid-19 với mức giá có thể chấp nhận.

Các động lực tăng trưởng của Việt Nam sẽ bao gồm sự quay trở lại của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU; các hiệp định thương mại tự do được thực thi, cụ thể là RCEP; cùng với gói kích cầu kinh tế dự kiến được thông qua vào tháng 1 năm sau.

Đại diện SSI dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam 2022 sẽ ở khoảng 6 – 6,5%, trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu có thể chậm lại trong năm 2022.