Hơn 2 tỷ USD vốn đầu tư 'đặt cọc' vào 50 dự án tại Thái Nguyên

Minh Anh - 15:01, 02/07/2018

TheLEADER50 dự án với tổng vốn đầu tư 46.785 tỷ đồng đã được UBND tỉnh Thái Nguyên trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư.

Hơn 2 tỷ USD vốn đầu tư 'đặt cọc' vào 50 dự án tại Thái Nguyên
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên trao biên bản ghi nhớ cho nhà đầu tư

Tại "Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên" diễn ra ngày 1/7/2018, đã có 38 chủ đầu tư đã được trao quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ đầu tư đối với 50 dự án, với tổng vốn đầu tư 46.785 tỷ đồng.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Ngân hàng thương mại CP Công thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại CP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng thương mại CP Đầu tư và phát triển Việt Nam đã phối hợp với các nhà đầu tư thẩm định, cam kết, ký hợp đồng tín dụng cho 27 dự án, với số tiền là 10.196 tỷ đồng trong các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, ứng dụng công nghệ cao.

Thái Nguyên trao chứng nhận đầu tư cho 50 dự án, tổng vốn 46.785 tỷ đồng
Ông Vũ Hồng Bắc

Ông Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018 là sự kiện quan trọng, là cơ hội tốt để tỉnh Thái Nguyên quảng bá, giới thiệu về các tiềm năng, thế mạnh, các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, các lĩnh vực, các dự án, công trình trọng điểm kêu gọi, thu hút đầu tư vào tỉnh. 

Ông Bắc khẳng định tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, các tập đoàn có một môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định lâu dài, phát triển và thịnh vượng.

Về những giải pháp để thu hút đầu tư và phát triển trên địa bàn tỉnhThái Nguyên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho rằng có 3 điều Thái Nguyên cần quan tâm.

Thứ nhất, với lợi thế đã thu hút được tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới Samsung, ông Lộc đề nghị Chính phủ chỉ đạo, Thái Nguyên chủ động cùng với Bắc Ninh và Samsung xây dựng một chương trình hành động kết nối các nhà máy lắp ráp của Samsung với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam để phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp điện tử, bảo đảm phát triển bền vững ngành công nghiệp điện tử nói chung và các nhà máy của Samsung nói riêng tại Việt Nam. 

Cần xây dựng chuỗi cung ứng Samsung tại Việt Nam như một hình mẫu cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, khép lại khoảng cách và tạo ra mối quan hệ cộng sinh giữa các FDI với các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam. 

Thứ hai, “Chè Thái” - một ví dụ điển hình về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đặc sản gắn với văn hóa truyền thống, công nghiệp chế biến và du lịch sinh thái làng chè sẽ là hướng đi quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Thái Nguyên. 

Ông Lộc đề nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hơp với Bộ Công thương và VCCI hỗ trợ Thái Nguyên nâng cấp Lễ hội chè Thái thành Lễ hội giao lưu quốc tế trong những năm tới, đồng thời với 1 chiến lược phát triển và tiếp thị quốc tế cho chè Thái Nguyên và chè Việt nói chung.

Còn nhiều sản phẩm nông nghiệp khác, nhất là các đặc sản, cũng cần có hướng đi tương tự như chè Thái, nhưng với quy mô phù hợp sẽ thúc đẩy phát triển một lĩnh vực tiềm năng quan trọng bậc nhất của Thái Nguyên.

Thứ ba, về du lịch, liên quan tới từ khóa “Hồ núi Cốc”. Sáng nay vừa khởi công đường Bắc Sơn kéo dài nối TP. Thái Nguyên với Hồ Núi cốc, nếu hoàn thành, thời gian từ TP. Thái Nguyên lên Hồ Núi cốc chỉ còn chừng 10 phút và từ Hà Nội lên Hồ chỉ còn hơn 1 tiếng đồng hồ. 

Hồ Núi Cốc với câu chuyện tình Chàng Công – Nàng Cốc, với tín ngưỡng thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, với sinh quyển nguyên sơ và không gian văn hóa các dân tộc đặc sắc, với các dự án du lịch sinh thái và tâm linh sẽ được xây dựng một cách chuẩn mực và kết nối với khu du lịch về nguồn Thủ đô Gió ngàn – ATK Định Hóa và các làng chè cùng các điểm đến du lịch khác sẽ giúp Thái Nguyên hình thành một chuỗi du lịch hấp dẫn có một không hai cả nước.

Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng ở Thái Nguyên sẽ có được một môi trường kinh doanh thân thiện hơn. Do đó, Thái Nguyên cần quan tâm đến việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, giảm chi phí thời gian, giảm thanh kiểm tra trùng lặp, nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, chú trọng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, và bảo đảm tính nhất quán trong thực thi, tránh tình trạng trên thì thông, dưới chưa thoáng, lãnh đạo thì nóng, chuyên viên còn lạnh. 

Nguồn cảm hứng và sức nóng của cải cách, tinh thần vì dân và doanh nghiệp từ Thủ tướng, đồng chí Bí thư, Chủ tịch phải thấm đẫm tới hành vi của từng công chức theo đúng tinh thần của chính quyền kiến tạo mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang quan tâm thúc đẩy, ông Lộc khẳng định.

Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 6.100 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 80.000 tỷ đồng, có 900 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.

Tại hội nghị, tỉnh Thái Nguyên lựa chọn mời gọi đầu tư 65 dự án thuộc các lĩnh vực: Công nghiệp; nông nghiệp; hạ tầng thương mại, văn hóa, thể thao, du lịch; giao thông - đô thị; y tế, giáo dục. Trong lĩnh vực công nghiệp tỉnh Thái Nguyên mời gọi đầu tư tại 5 khu công nghiệp.