HSBC: GDP của Việt Nam có thể lấy lại mốc 6,8% trong năm 2022

Tuệ Minh - 11:10, 14/12/2021

TheLEADERÔng Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam dự báo, tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam sẽ lấy lại mốc 6,8% chủ yếu nhờ đầu tư FDI tăng mạnh, tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất.

HSBC: GDP của Việt Nam có thể lấy lại mốc 6,8% trong năm 2022
Kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng trong năm 2022

Theo ông Tim Evans, năm 2021 là một năm vô cùng đặc biệt với Việt Nam, nền kinh tế có khởi đầu tốt trong quý I/2021 khi kinh tế tăng trưởng tích cực nhờ xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là mặt hàng công nghệ. 

Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng Delta khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chỉ số GDP của quý III ghi nhận mức thấp kỷ lục, mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam bắt đầu công bố số liệu GDP.

Đánh giá tình hình hiện tại, HSBC nhận định, sau vài tháng khó khăn do phải áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt, tình hình đang ngày càng ổn định hơn. Hoạt động kinh doanh đã nhộn nhịp trở lại trong vài tháng qua và tâm lý vững tin đang dần trở lại bất chấp vẫn còn nhiều trở ngại do lao động chưa trở lại nhà máy. Chuỗi cung ứng của Việt Nam đã bị tác động bởi tình trạng thiếu nhân công trên diện rộng, đặc biệt trong các lĩnh vực cần nhiều lao động.

Đặc biệt, chỉ số PMI phản ánh mức độ tự tin của các nhà sản xuất đã tăng lên 52,2 điểm trong tháng 11 cho thấy điều kiện kinh doanh cải thiện tháng thứ hai liên tiếp sau thời kỳ giảm do đợt bùng dịch thứ tư khởi phát từ hồi tháng 4.

"Kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022 chủ yếu nhờ đầu tư FDI mạnh mẽ trở lại tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất từ đó thúc đẩy xuất khẩu cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định tự do thương mại Việt Nam đã ký trong vòng hai năm qua bắt đầu mang lại trái ngọt", ông Tim Evans nhấn mạnh.

Về thị trường tài chính xanh, HSBC đánh giá năm 2021 đã chứng kiến những bước tiến tích cực của Việt Nam với nhiều giao dịch lớn. Tuy nhiên, thị trường này vẫn đang ở giai đoạn non trẻ, còn nhiều tiềm năng để phát triển.

Bởi Việt Nam là quốc gia đón nhận lượng FDI lớn nhất trong khối ASEAN xét trên tỷ trọng GDP, trong khi các tập đoàn toàn cầu ngày càng chú trọng đến tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG), đòi hỏi một nguồn lực bền vững tốt hơn cả về chất lẫn lượng ở các quốc gia họ đang hoạt động.

Đặc biệt, Việt Nam tiếp nhận giá trị đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất ở khu vực ASEAN và có tiềm năng nhất về khả năng phát triển năng lượng tái tạo trong khu vực đi kèm với tăng trưởng nhờ đầu tư nước ngoài.

Để hỗ trợ phát triển tài chính xanh, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực thi hành 1/1/2022.

Đến năm 2025, NHNN đặt mục tiêu phấn đấu it nhất 10-12 ngân hàng có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội và 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh; khuyến khích tổ chức tín dụng xây dựng chiến lược tài chính xanh độc lập hoặc lồng ghép vào kế hoạch phát triển hàng năm của mình.

Dù vậy, để khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh tài chính xanh, ông Tim Evans đề nghị NHNN nên cân nhắc thêm nhiều giải pháp khác như ban hành yêu cầu cụ thể cho từng công cụ tín dụng để ngân hàng phát triển khung tài chính xanh tốt hơn. NHNN cũng nên đặt ra mục tiêu rõ ràng về kết quả tài chính xanh cho từng ngân hàng, ví dụ như tỷ lệ số dư xanh chưa kết trên tổng sổ sách.

Về số hoá ngân hàng, năm 2021 là một cột mốc quan trọng của ngành ngân hàng xét về tiến độ số hóa. Năm 2021, McKinsey thực hiện khảo sát dịch vụ tài chính cá nhân về hành vi sử dụng ngân hàng số của khoảng 20.000 khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng ở thành thị tại 15 thị trường châu Á - Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam.

Kết quả cho thấy tỷ lệ khách hàng Việt Nam dùng các công cụ ngân hàng số ít nhất một lần trong tháng đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2017 - 2021, từ 41% lên 82%. Tỷ lệ sử dụng công nghệ tài chính và ví điện tử của Việt Nam tăng từ 16% trong năm 2017 lên 56% vào năm 2021. 

Bên cạnh đó, theo Ernst & Young, 42% ngân hàng Việt Nam sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số, 28% đã triển khai chiến lược số hóa trong hoạt động kinh doanh.

Năm 2022, lãnh đạo HSBC Việt Nam cho rằng, mỗi ngân hàng cần tiếp tục đầu tư vào ngân hàng số để theo kịp nhu cầu và hành vi khách hàng, thay đổi tâm lý lo lắng về an toàn trên không gian mạng của gười dân.