Khái niệm vẫn còn mơ hồ trong chuyển đổi số

Việt Hưng - 15:58, 25/10/2022

TheLEADERDù đã được nhắc đến nhiều lần tại các hội thảo, diễn đàn, nhưng “không gian làm việc số” vẫn còn khá mơ hồ với các nhà quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam, do chưa hiểu đúng, hiểu sâu về lợi ích và hiệu quả thiết thực của xu hướng này.

Việt Nam đang chuyển đổi số mạnh mẽ

Với quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ, đến nay nước ta đã đạt được các kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số; Kinh tế số; Xã hội số. Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, tính tới tháng 6/2022, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng so với mức 9,6% cuối năm ngoái.

Về phía Bộ Công an, Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) đánh giá, Việt Nam đã trở thành một trong những nước sớm ứng dụng định danh điện tử và phổ cập danh tính số trên thế giới.

Theo ông Tấn, Bộ Công an đã cấp hơn 71,7 triệu thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử cho công dân, qua đó mở ra cơ hội cho việc phát triển các dịch vụ bảo đảm an ninh, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.

"Điều này tạo bước chuyển mạnh mẽ trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, thương mại điện tử và các nền tảng kinh doanh dịch vụ trên không gian mạng góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia", ông Tấn nói.

Trong khi đó, từ khi ngành GTVT thực hiện chuyển đổi số, hiện đại hoá quy trình bằng hệ thống công nghệ thông tin, số tài khoản đăng ký sử dụng các dịch vụ trực tuyến đạt 51.652 đơn vị, tăng 1.025%; Số đơn vị kinh doanh vận tải được quản lý trên hệ thống đạt 78.592 đơn vị, tăng 344%; Số phương tiện hoạt động vận tải được cho vào dữ liệu quản lý đạt 1,8 triệu phương tiện, tăng 1.228%.

Khái niệm vẫn còn mơ hồ trong chuyển đổi số
Việt Nam đang chuyển đổi số mạnh mẽ

Làm rõ khái niệm còn mơ hồ

Bên cạnh những yếu tố về thể chế, chính sách, doanh nghiệp và người lao động cũng được xem là những chủ thể quan trọng góp phần thúc đẩy vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Theo thống kê, có khoảng 38% doanh nghiệp trên thế giới hiện đang đầu tư trọng điểm vào công nghệ để chiếm lĩnh thị trường; 30% doanh nghiệp hiện đại hóa công nghệ lõi và năng lực để đảm bảo vận hành thông suốt; 19% doanh nghiệp tái thiết kế việc kinh doanh xoanh quanh công nghệ và 10% doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi số với mục tiêu tiết giảm chi phí.

Tuy nhiên, trong thực tế việc chuyển đổi số tại các doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp tại Việt Nam không dễ triển khai. Do chưa có được một “không gian làm việc số” đồng nhất và chuẩn mực, nên hầu như các thông tin trong doanh nghiệp bị phân tán, khó kiểm soát; dữ liệu tản mát, khó bảo vệ; đặc biệt là lãng phí chi phí, nguồn lực quản trị.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Giám đốc Tăng trưởng GapoWork cho biết, những năm gần đây, chủ đề digital workplace (không gian làm việc số) đã được đề cập rất nhiều tại các hội thảo, diễn đàn. Tuy nhiên, khái niệm “không gian làm việc số” vẫn còn khá mơ hồ với các nhà quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam, do chưa hiểu đúng, hiểu sâu về lợi ích và hiệu quả thiết thực của mô hình này.

Vị lãnh đạo GapoWork chia sẻ, trước đây công nghệ chủ yếu được sử dụng nhằm phục vụ các nhà quản trị trong việc giám sát, kiểm soát, đồng thời các sản phẩm đóng chỉ IT có thể can thiệp. Thì đến thời điểm hiện tại, yếu tố công nghệ đang dần thay đổi trong hoạt động chuyển đổi số, chuyển dịch sang vai trò kiến tạo, thúc đẩy, và thành “trợ thủ” cho từng người lao động trong doanh nghiệp.

Xu hướng chuyển dịch này đề cao “không gian làm việc số” có độ mở, giúp liên thông người lao động với các cấp có thẩm quyền nhanh chóng; không chỉ là giao việc và còn là giao tiếp; thúc đẩy chia sẻ đổi mới sáng tạo; tạo điều kiện làm việc số, môi trường lao động số tốt hơn, thuận tiện hơn cho người lao động; hạ tầng trên mây, linh hoạt và có khả năng mở rộng.

Khái niệm vẫn còn mơ hồ trong chuyển đổi số 1
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Giám đốc Tăng trưởng GapoWork

Công nghệ kiến tạo môi trường làm việc số

Vị Giám đốc Tăng trưởng GapoWork cho biết, mô hình “không gian làm việc số” hiện cung cấp cho người lao động các công cụ, nền tảng và dịch vụ công nghệ thông tin phù hợp, cho phép người dùng làm việc và cộng tác mọi lúc, mọi nơi với chế độ bảo mật phù hợp.

Bên cạnh đó, mô hình này còn tối ưu hóa trải nghiệm làm việc của nhân sự, từ đó thúc đẩy năng suất, đáp ứng được nhiều cấp bậc nhân sự trong doanh nghiệp, với nhu cầu và khả năng tiếp cận cũng như sử dụng công nghệ khác nhau. Đặc biệt, “không gian làm việc số” sẽ phá bỏ được các rào cản giữa nhân sự, thông tin và quy trình, cho phép người lao động thực hiện công việc một cách hiệu quả.

Dẫn chứng một báo cáo của Deloitte, bà Hương thông tin, các tổ chức có “không gian làm việc số” được quy hoạch sẽ có năng suất cao hơn 7% và 64% nhân viên sẽ chọn một công việc được trả lương thấp hơn nếu họ có thể làm việc xa văn phòng. Đồng thời, các tổ chức có mạng xã hội trong nội bộ nhận thấy mức độ hài lòng của nhân viên tăng trung bình 20%.

Nắm bắt xu hướng này, GapoWork ra đời với sứ mệnh kiến tạo không gian làm việc số cho các doanh nghiệp - tổ chức đổi mới sáng tạo trên khắp đất nước Việt Nam, với hơn 20 tính năng nhằm hỗ trợ mọi đối tượng lao động.

Tính đến tháng 6/2022, GapoWork đã giúp mở ra hơn 5.000 không gian làm việc số; hơn 300.000 người lao động có cơ hội làm việc, kết nối, sáng tạo và được phát triển mỗi tháng; với thời gian làm việc trung bình mỗi ngày lên tới 3 giờ.

Hơn 600 doanh nghiệp, tổ chức đã mở không gian làm việc số trên GapoWork, hài lòng với trải nghiệm môi trường lao động "trên mây", trong đó có các doanh nghiệp lớn như HSV Group, ABA Cooltrans, F88, Edufit…