Khai thác, sử dụng hiệu quả nước ngọt, mặn, lợ để phát triển bền vững miền Tây

Phạm Sơn - 17:58, 09/03/2023

TheLEADERQuy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 dựa trên cơ sở lấy tài nguyên nước làm yếu tố cốt lõi, xác định sống chung và thích nghi với biến đổi khí hậu, khai thác hiệu quả cả nước ngọt, mặn và lợ.

Khai thác, sử dụng hiệu quả nước ngọt, mặn, lợ để phát triển bền vững miền Tây
Công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Ảnh: NLĐ

Chính thức khánh thành và khai thác giai đoạn I vào tháng 3/2022, cống đập thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé tại tỉnh Kiên Giang bước đầu cho thấy một số kết quả khả quan trong hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn dự án.

Tuy nhiên, sau 1 năm vận hành, một số ý kiến cảnh báo được đưa ra rằng dự án thủy lợi lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long này có thể tạo ra xung đột mặn – ngọt, đặc biệt khi phân vùng sản xuất mặn – ngọt – lợ vẫn chưa được cụ thể hóa.

Thực tế, từ hàng chục năm nay, một bộ phận không nhỏ người dân miền Tây, trước diễn biến khó lường của xâm nhập mặn, đã chuyển sang nuôi tôm để tận dụng nguồn nước mặn phục vụ phát triển kinh tế, đem về lãi lớn. Sự chuyển đổi mô hình sinh kế của người dân đã được đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học ghi nhận, đề xuất với Chính phủ, tạo tiền đề cho quan điểm “thuận thiên” về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, cả nước mặn, nước ngọt và nước lợ đều được coi là đầu vào cho sản xuất, cần được khai thác hiệu quả. Tuy nhiên, sau sự thay đổi về tư duy phát triển này, nhiều sự lúng túng trong quy hoạch, phân vùng sản xuất dựa trên điều kiện nguồn nước đã xuất hiện và chưa có giải pháp hữu hiệu.

Từ lý do đó, vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định 174/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 được xây dựng nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước trên lưu vực sông, bao gồm bảo vệ và phân bổ tài nguyên nước một cách hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân cũng như đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, tập trung từng bước thực hiện chuyển đổi số trên cơ sở xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước, đảm bảo kết nối thông tin tới các ngành có khai thác và sử dụng nước.

Quy hoạch nêu ra quan điểm lấy tài nguyên nước làm yếu tố cốt lõi, chủ động khai thác hiệu quả nước mặn, ngọt và lợ, đồng thời nhấn mạnh quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông trên cơ sở thích ứng với biển đổi khí hậu, dựa trên quan điểm biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu phải sống chung và phải thích nghi. Dựa trên quan điểm này, quy hoạch tiếp tục cụ thể hóa tư duy “thuận thiên” đã được đưa ra tại Nghị quyết 120-NQ/CP được Chính phủ ban hành năm 2017.

Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% các vị trí giám sát dòng chảy xuyên biên giới được giám sát tự động, trực tuyến; 100% các nguồn nước liên tỉnh được công bố khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải; 100% công trình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước được giám sát vận hành và kết nối hệ thống theo quy định; 100% hồ, ao, đầm, kênh, rạch không được san lấp theo quy định phải được công bố và quản lý chặt chẽ; 50% nguồn nước thuộc đối tượng lập hành lang bảo vệ nguồn nước được cắm mốc theo quy định; 100% nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn quốc gia trước khi xả vào nguồn nước, hệ thống thoát nước chung.