Khẩn cấp triển khai các gói cứu trợ nếu không sẽ quá muộn

Kim Yến - 09:36, 30/04/2020

TheLEADERChủ tịch Tập đoàn TTC Đặng Văn Thành cho rằng, trong lúc này, rất cần các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa đến từ Chính phủ và các địa phương trong việc triển khai các gói cứu trợ.

Cơn đại hồng thủy Covid-19 được WHO xếp vào “trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu” đang gây ra các thiệt hại nặng nề về mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội toàn thế giới. 

Như các nền kinh tế khác, Chính phủ Việt Nam đã và đang đưa ra hàng loạt gói cứu trợ khẩn cấp về an sinh xã hội và hỗ trợ kinh tế để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn như miễn giảm, gia hạn nộp thuế, giảm lãi suất, rà soát, cắt giảm thủ tục, chi phí cho doanh nghiệp, tăng nguồn cung USD để ổn định tỉ giá, thúc đẩy đầu tư công, kích hoạt đầu tư tư nhân…

Đánh giá về ảnh hưởng của đại dịch đến nền kinh tế và các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch CLB Thương hiệu Việt, Chủ tịch Tập đoàn TTC cho biết, nếu đại dịch kéo dài, tỷ lệ doanh nghiệp phá sản sẽ càng tăng. 

Khẩn cấp triển khai các gói cứu trợ nếu không sẽ quá muộn
Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) Đặng Văn Thành

Với sự thay đổi của tâm dịch từ phía Trung Quốc sang các nước châu Âu, Mỹ và lan rộng sang các khu vực khác, tác động đến nền kinh tế Việt Nam sẽ mạnh hơn và thay đổi về cơ chế tác động từ phía đứt gãy nguồn cung ứng đầu vào sang chủ yếu là phía cầu. Khu vực doanh nghiệp khó khăn chồng chất khó khăn. Trong báo cáo gần nhất (ngày 31/3), World Bank dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 sẽ giảm khoảng 4,9% tùy kịch bản.

Tính đến giữa tháng 4/2020, đối với gói tín dụng hỗ trợ 300.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước cho hay, các ngân hàng đã cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gần 30.000 tỷ đồng, miễn giảm lãi với dư nợ 160.000 tỷ đồng (số tiền miễn giảm lãi thực chất khoảng 360 tỷ đồng), cho vay mới 180.000 tỷ đồng.

Với ngành nghề bị tác động nhiều nhất là du lịch, dịch vụ vận tải/hàng không, nông nghiệp, xuất nhập khẩu.. gặp nhiều khó khăn đến từ yêu cầu giãn cách xã hội, ngoài các giải pháp miễn giảm lãi, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này đã mạnh mẽ có những đề xuất đến Chính phủ, các bộ ban ngành và nhận được sự đồng hành tích cực. 

Vừa qua, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư, các doanh nghiệp du lịch cần có chính sách tài chính hỗ trợ để vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Gói tài chính bổ sung sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp phát hành "phiếu mua tour" có thời hạn 12-18 tháng với giá trị tương đương tour đã đặt cho các khách hàng nhưng không thể thực hiện được chuyến đi do tình hình dịch bệnh hoặc các trường hợp bất khả kháng khác.

Với người lao động mất việc làm trong cơ sở lưu trú du lịch, bộ này đề nghị đưa vào diện được hỗ trợ trong gói 62.000 tỷ đồng giúp người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 vừa được Chính phủ thông qua.

Tuy nhiên, theo ông Thành, trong lúc này, rất cần các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa đến từ Chính phủ và chính quyền các địa phương, đặc biệt với các đầu tàu kinh tế như Hà Nội, TP. HCM.

Các giải pháp vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế như nghiên cứu đẩy mạnh, quyết liệt tăng tốc đầu tư công, tạo xung lực phát triển nền kinh tế. Có các gói hỗ trợ đặc thù với từng nhóm, ngành nghề hoạt động để sẵn sàng bắt nhịp lại quỹ đạo phát triển và cân bằng các thiệt hại khi dịch qua đi. 

Có các kịch bản hồi phục kinh tế sau dịch, đặt trong tương quan với khả năng cung ứng sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp và địa phương với các tỉnh thành xung quanh, với các nước có nhu cầu tiếp nhận hàng hóa nhập khẩu theo mức độ hồi phục của nước đó.

Tăng cường khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, tính đến giữa tháng 4/2020, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tăng 0,8% trong khi hết quý I/2020 đã tăng trưởng 1,3%, như vậy, riêng trong nửa đầu tháng 4/2020, tín dụng đã tăng trưởng âm 0,5%. Dù lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay bởi cung và cầu đều sụt giảm. 

Như vậy, vấn đề không phải chỉ là lãi suất mà sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang giảm. Do đó, cần có giải pháp tiếp nhận, thẩm định nhanh chóng các đề xuất tiếp cận vốn vay để tích cực giải ngân cho các doanh nghiệp có thực lực, có nhu cầu đưa dòng vốn vào sản xuất kinh doanh, ngay khi doanh nghiệp có nhu cầu.

Đồng thời, chính cộng đồng doanh nghiệp phải liên kết để cùng tháo gỡ, cộng hưởng, cung ứng sản phẩm dịch vụ phù hợp và hỗ trợ chéo, cùng nhau đi qua khó khăn.

Đề xuất một số sáng kiến, Chủ tịch Tập đoàn TTC cho biết, một số doanh nghiệp cũng chủ động với các giải pháp khác như, đề xuất Bộ Tài chính thực hiện giãn khấu hao 1 năm với các tài sản có giá trị đầu tư lớn như bất động sản và giá trị xây dựng, các khách sạn, khu vui chơi. Giải pháp này đã được kiến nghị và đang chờ phản hồi, nếu được chấp thuận thì giá trị khấu hao sẽ được giãn ghi nhận trong năm nay và khắc phục tình trạng giảm lỗ của các doanh nghiệp khi mà doanh thu không thể ghi nhận do ảnh hưởng dịch.

Các ngành nghề cũng đang tích cực rà soát việc sửa đổi Nghị định 20/2017 của Chính phủ về áp trần lãi vay các doanh nghiệp có hoạt động liên kết (thay vì 20% nâng lên 30%), 5.000 tỷ đồng được hoàn trả từ việc thu thuế vượt trần lãi suất vay có thể nói là nguồn tài chính vô cùng quý báu hỗ trợ các doanh nghiệp tại thời điểm hiện nay.

Với những ảnh hưởng của dịch bệnh, thị giá các cổ phiếu đồng loạt lao dốc, Vn-Index đã giảm rất mạnh. Vốn hóa HOSE sụt giảm khoảng 30 tỷ USD, chính là giá trị sụt giảm thị giá của hơn 400 mã cổ phiếu đang niêm yết. Thị giá lao dốc xuống dưới giá trị doanh nghiệp, giá giảm – cổ đông cắt lỗ; giá càng giảm sâu, các khoản thế chấp ngân hàng, hay margin tại công ty chứng khoán không còn đủ giá trị đảm bảo theo thỏa thuận ban đầu, dẫn đến tình trạng phải bù tiền mặt hoặc tài sản, khó khăn càng chồng chất. 

Để giải quyết vấn đề này, các giải pháp tăng cường cần đến từ chính sự phối hợp của các bên – B2B (business to business).

Về thị trường vốn, mà tiêu biểu là thị trường chứng khoán, cần sự chủ động phối hợp từ phía các công ty chứng khoán với khách hàng của mình, để cùng nhau tháo gỡ và góp phần ổn định thị trường chứng khoán. Đó là các giải pháp như chứng thư bảo lãnh từ công ty mẹ, bổ sung các loại chứng khoán khác, hoặc tăng tỉ lệ margin… để cùng vượt qua khó khăn.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng đã và đang thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng khi dành ngân sách hỗ trợ nguồn lực cho các địa phương chống dịch, dịch chuyển sản xuất qua các trang thiết bị y tế, dành khách sạn làm địa điểm lưu trú cho y bác sĩ chống dịch, hỗ trợ bộ kit xét nghiệm, trao tặng các sản phẩm là nhu yếu phẩm để hỗ trợ các địa phương và người dân chống dịch.

Đồng quan điểm về việc phải có giải pháp cấp thiết nhằm kích cầu doanh nghiệp và nền kinh tế, ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB Bất động sản TP. HCM (HREC) kiến nghị Chính phủ thành lập ban chỉ đạo khôi phục kinh tế do đích thân Thủ tướng đứng đầu, trong đó có thành viên là đại diện các hiệp hội doanh nghiệp có từ 5.000 hội viên trở lên.

Khẩn cấp triển khai các gói cứu trợ nếu không sẽ quá muộn 1
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB Bất động sản TP. HCM (HREC)

Cho phép các doanh nghiệp có đầu tư vào các startup được hạch toán khoản đầu tư vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp kỳ 2020 và 2021 số tiền tối đa 30% trị giá lợi nhuận trước thuế (Nghị định 41 hầu như startup không được hưởng gì vì chủ yếu phải doanh nghiệp hoạt động rồi thì mới được giãn thuế và tiền thuê đất nên cần có chính sách gián tiếp để kích thích các doanh nghiệp vừa và lớn còn có lãi đầu tư cho các startup). 

Đề nghị Quốc hội ngay kỳ họp tháng 5/2020 sẽ xem xét để giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp xuống 10% cho tất cả doanh nghiệp với kỳ tính thuế 2019, 2020. 

Thống nhất thuế suất VAT 5% cho tất cả mặt hàng từ 1/6/2020. Thuế suất VAT cho tất cả mặt hàng "make in Vietnam" xuất khẩu là âm 10% (tức là xuất khẩu được 100 đồng thì ngân sách cho thoái thêm 10 đồng)

Cá nhân có thu nhập chịu thuế mà đem đầu tư cho startup thì miễn thuế thu nhập cá nhân cho khoản đó. Chi phí ủng hộ chống dịch của các doanh nghiệp được tính vào chi phí trước thuế mà không bị giới hạn hạn mức. Giãn các loại thuế theo Nghị định 41 đến hết tháng 6/2021. 

Để kéo các công ty sản xuất về Việt Nam và nâng cao năng lực công nghiệp hỗ trợ trong nước, tất cả nhà máy của các công ty chuyển từ "nước khác" về Việt Nam sẽ được hỗ trợ miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp mức cao nhất trong luật. Các công ty trong nước đáp ứng được và trở thành nhà cung cấp của các nhà máy này sẽ được miễn thuế tương tự. 

Đề nghị các ngân hàng giảm đồng loạt lãi suất 2% mọi khoản vay hiện tại của doanh nghiệp trong ít nhất 1 năm, trong đó ngân sách bù 1% còn ngân hàng chịu 1%. Không giảm điều kiện tín dụng thông thường, không định giá lại các tài sản cầm cố nhưng tăng tỷ lệ hạn mức cho vay lên tối thiểu 10% (ví dụ trước cho vay 70% trị giá tài sản đảm bảo thì bây giờ cho vay 77%) và tối đa được phép cho vay 110% trị giá tài sản đảm bảo.

Về giải pháp để Chính phủ cân đối nguồn thu bù đắp ngân sách, ông Bảo kiến nghị giải tán hoặc là ngừng cấp ngân sách, yêu cầu tự tìm nguồn đối với một số hội, hiệp hội, đoàn thể các cơ quan hưởng lương ngân sách không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện nay. 

Giảm một phần lương, trợ cấp của công chức đối với những người có thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng (khu vực 1 và tương ứng các khu vực khác) để chung tay cùng doanh nghiệp và người lao động. Giảm biên chế nhanh hơn và quyết liệt hơn. Trích một phần trong dự trữ ngoại hối quốc gia.

Ưu tiên bán cổ phần các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hoá cho người có duy nhất quốc tịch Việt Nam trong năm 2020 không cần chứng minh nguồn gốc tiền nếu chấp nhận nộp cho nhà nước 20% trị giá mua.